Nhiều băn khoăn về công tác giảm nghèo
Sáng 27/7, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận nhiều nội dung quan trọng, trong đó có nội dung về chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) đã có những phát biểu sâu sắc, nhiều tâm huyết trước Quốc hội và cử tri cùng nhân dân cả nước (phiên thảo luận được truyền hình, phát thanh trực tiếp - PV).
Ngay sau phiên thảo luận, ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa đã có những chia sẻ sâu hơn với PV về những điều tâm huyết của mình đối với chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
PV: Thưa Đại biểu, bà dành rất nhiều tâm huyết quan tâm đến công tác giảm nghèo. Vậy, còn điều gì khiến bà lăn tăn về công tác giảm nghèo hiện nay ở Việt Nam?
ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là một trong những quyết sách quan trọng của Việt Nam. Kết quả giảm nghèo của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Tuy nhiên, băn khoăn lớn về kết quả giảm nghèo giai đoạn qua là chưa bền vững, tình trạng tái nghèo và phát sinh nghèo còn cao, nhất là khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc, vùng thường xuyên bị thiên tai, lũ lụt.
Việt Nam còn là 1 trong số 30 quốc gia áp dụng chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều; ngoài chỉ số về thu nhập, chuẩn nghèo có 10 chỉ số để xác định mức độ thiếu hụt tiếp cận đối với 5 dịch vụ xã hội cơ bản bao gồm: Y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin. Tuy nhiên, việc xây dựng và xác định các tiêu chí nghèo đa chiều ở Việt Nam gặp nhiều thách thức.
Cụ thể, khi tiếp cận đo lường nghèo đa chiều, khái niệm hộ nghèo sẽ khác về nội dung so với xác định chuẩn nghèo thu nhập như hiện nay. Trong khi, nhận thức và chính sách giảm nghèo hiện hành vẫn nghiêng về nghèo đơn chiều (thu nhập); kết quả rà soát hộ nghèo chưa được phản ánh đúng thực chất một phần do bộ công cụ đo lường.
Việc xác định chỉ số đo lường các chiều nghèo cần dựa trên cơ sở dữ liệu cập nhật đầy đủ, song hiện nay các số liệu này còn thiếu về số lượng và hạn chế về chất lượng.
Một số chính sách hiện hành sẽ cần phải thay đổi cùng với yêu cầu sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản pháp luật, do đó đòi hỏi phải có thời gian, lộ trình, bước đi cụ thể.
Chú trọng đến vấn đề mang tính “đòn bẩy”
PV: Với những tâm huyết của bản thân dành cho công tác giảm nghèo nhiều năm qua, hẳn bà đã có những đề xuất giải pháp nhằm đạt được hiệu quả tốt nhất về chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025?
ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa: Tôi cho rằng, thứ nhất, khuyến khích hộ nghèo, cận nghèo phấn đấu vươn lên thoát nghèo; quan tâm hỗ trợ kinh tế hộ và nhóm hộ, coi đây là đòn bẩy cho công tác giảm nghèo.
Sự đổi mới tư duy trong chủ trương giảm nghèo theo hướng giảm cho không, tăng cho vay ưu đãi, hỗ trợ có điều kiện, tăng cường đầu tư cho sinh kế chính là nhằm nâng cao tinh thần tự lực, tự cường của đồng bào.
Nhà nước chỉ hỗ trợ về cơ chế, chính sách, nguồn lực, hướng dẫn; còn bản thân người nghèo, hộ nghèo phải chủ động vươn lên, xóa bỏ tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Các chính sách giảm nghèo cần tạo động lực, khơi dậy khát vọng vươn lên thoát nghèo ở từng người dân, từng hộ gia đình, từng cộng đồng.
Trong thiết kế chính sách, cần quan tâm đồng đều đến các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo và cả hộ mới thoát nghèo, bởi khoảng cách giữa hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo là rất mong manh; và chỉ cần một tác động nhỏ cũng có thể làm cho hộ mới thoát nghèo quay trở lại thành hộ nghèo.
Cùng với đó, cần quan tâm hơn nữa tới những hộ không phải là hộ nghèo, nhưng sinh sống trong khu vực những hộ nghèo, để những hộ này vươn lên làm hạt nhân, hỗ trợ cho những hộ nghèo xung quanh và liên kết cùng nhau để đưa cộng đồng thoát nghèo.
Thứ hai, cần đổi mới trong quan điểm xây dựng chính sách giảm nghèo theo hướng đầu tư vào con người.
Thực tế giai đoạn 2016 - 2020, theo nguồn số liệu của bộ Kế hoạch và Đầu tư thì nguồn lực đầu tư cho các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và chương trình xây dựng nông thôn mới dành hơn 74% là vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng với quan điểm phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số thì hạ tầng phải đi trước một bước.
Nhưng theo“Báo cáo điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số năm 2019, tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số vẫn cao gấp 3,5 lần mức bình quân chung của cả nước.
Như vậy, rõ ràng hiệu quả công tác giảm nghèo không thể chỉ dựa vào chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng mà cốt lõi nhất là phải thiết kế được những chính sách “mềm” dựa trên nhu cầu của người dân, tập trung thay đổi chủ thể là người dân, bao gồm chăm sóc sức khoẻ, thay đổi tư duy, đào tạo kỹ năng lao động…
Cụ thể là, trong những giai đoạn tới, cần tập trung chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh hoạt động đào tạo nghề cho lao động nghèo để họ có thể tìm kiếm các việc làm mới trong các lĩnh vực hoạt động phi nông nghiệp. Phát triển các hoạt động sinh kế tại chỗ nhằm phát huy lợi thế của địa phương (sử dụng kiến thức bản địa, sản phẩm bản địa, sản phẩm có tiềm năng phát triển); hoặc cung cấp thông tin về thị trường lao động, kết nối giới thiệu việc làm cho người dân tộc thiểu số ở các thị trường tốt, có tiềm năng).
Thứ ba, thực hiện bình đẳng giới và phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế hộ, giảm nghèo bền vững.
Quan tâm lồng ghép giới trong chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là đúng, vì phụ nữ chiếm tỉ lệ trên 50% lao động, nhất là khu vực nông thôn, miền núi. So với nam giới, phụ nữ thường là nhóm yếu thế hơn trong cơ hội tiếp cận các chính sách, các dịch vụ xã hội cơ bản, rất cần có những giải pháp hỗ trợ để hướng tới mục tiêu bình đẳng.
Hơn nữa, đằng sau phụ nữ là gia đình, do vậy, tác động tới phụ nữ là tác động kép tới trẻ em, người cao tuổi. Đây là một trong những điều kiện quan trọng để bảo đảm tính bền vững cho các chính sách giảm nghèo.
Vì vậy, tôi ủng hộ quan điểm của cơ quan soạn thảo về vấn đề cần bảo đảm lồng ghép giới trong chương trình. Trong cáo cáo giải trình của Chính phủ cũng đã tiếp thu theo hướng đánh giá bổ sung thực trạng bình đẳng giới trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, làm rõ đối tượng, nội dung, cơ chế để bảo đảm có sự tham gia của phụ nữ.
Tuy nhiên, để lồng ghép giới hiệu quả hơn trong chương trình, chính sách giảm nghèo thì ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia cần cụ thể hoá quan điểm lồng ghép giới và “ưu tiên phụ nữ” trong nguyên tắc phân bổ vốn cho toàn bộ chương trình cũng như ở từng dự án cụ thể. Xem xét đưa ra tỉ lệ tối thiểu có sự tham gia của phụ nữ trong việc lập kế hoạch và tổ chức thực hiện các nội dung của chính sách, chương trình giảm nghèo.
Bên cạnh đó, cần cân nhắc thiết kế hợp phần hoặc tiểu hợp phần giảm nghèo liên quan đến đối tượng hưởng lợi là phụ nữ trong chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn tới.
Thứ tư, nâng cao trình độ, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ thực hiện công tác giảm nghèo các cấp, đặc biệt là ở cấp xã.
Trình độ, kỹ năng của đội ngũ cán bộ giảm nghèo là nhân tố ảnh hưởng lớn đến tổ chức triển khai và hiệu quả chính sách giảm nghèo, nhất là cấp xã.
Do đó, cần tập trung đào tạo cho đội ngũ này kỹ năng điều tra, phân loại hộ nghèo theo các nguyên nhân nghèo; kỹ năng tuyên truyền, vận động người nghèo tham gia và thụ hưởng các chính sách giảm nghèo; kỹ năng lập các dự án giảm nghèo ở địa phương;
Kỹ năng lồng ghép giới trong xây dựng kế hoạch, điều tra, giám sát; kỹ năng tư vấn cho hộ nghèo xây dựng các phương án thoát nghèo và kỹ năng tham mưu cho Ủy ban nhân dân xã trong việc lập kế hoạch thực hiện các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo.
PV: Vậy, mục tiêu cần đạt được trong công tác giảm nghèo giai đoạn mới này, theo bà sẽ cơ bản là những điểm gì?
ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa: Công tác giảm nghèo trong giai đoạn mới cần phải đạt được 4 mục tiêu: Thứ nhất, chuẩn về tiêu chí đo lường và giám sát nghèo; Thứ hai, định hướng đúng chính sách giảm nghèo; Thứ ba, xác định đúng đối tượng thụ hưởng chính sách; và cuối cùng là xây dựng được đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, tâm huyết, trách nhiệm.
Tôi cho rằng nếu đạt được như vậy, việc đầu tư hỗ trợ mới đúng đối tượng, đúng địa chỉ, đúng mục đích, đạt hiệu quả cao.
PV: Trân trọng cảm ơn bà đã trả lời phỏng vấn!