Mới đây, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có công văn 4359/TLĐ-QHLĐ gửi các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố; các Công đoàn ngành trung ương và tương đương; công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn về việc hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 17/2022/UBTVQH15.
Giám sát việc trả liền lương làm thêm giờ
Theo nội dung công văn, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam yêu cầu Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành Trung ương; Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn chỉ đạo các cấp công đoàn trực thuộc phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội; các cơ quan liên quan tuyên truyền, phổ biến cho đoàn viên, người lao động hiểu đúng và đầy đủ nội dung và tinh thần của Nghị quyết.
Trong đó, lưu ý các trường hợp người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm tối đa 300 giờ trong một năm là các trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị quyết và khoản 3 Điều 107 Bộ luật Lao động 2019.
Tất cả trường hợp được làm thêm tối đa 300 giờ trong một năm đều được làm thêm từ trên 40 giờ đến 60 giờ trong một tháng kể từ ngày 1/4/2022.
Khi tổ chức thực hiện quy định về số giờ làm thêm theo Nghị quyết vẫn phải tuân thủ đầy đủ các quy định khác về làm thêm giờ tại Bộ luật Lao động 2019 và các văn bản hướng dẫn Bộ luật Lao động (quy định về giới hạn số giờ làm thêm trong ngày; tiền lương phải trả khi làm thêm giờ; các nội dung về sự đồng ý của người lao động tham gia làm thêm; thông báo khi tổ chức làm thêm trên 200 giờ trong 1 năm...).
Khi tổ chức làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị quyết, người sử dụng lao động phải thông báo cho cơ quan quản lý Nhà nước về lao động tại địa phương theo quy định tại khoản 4 Điều 107 Bộ luật Lao động và Điều 62 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP thi hành một số điều của Bộ luật Lao động 2019 về điều kiện lao động và quan hệ lao động.
Nghị quyết số 17/2022/UBTVQH15 được xây dựng, ban hành căn cứ vào Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 Kỳ họp Thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Vì vậy, các quy định của Nghị quyết được thực hiện cho đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2022, trừ trường hợp Quốc hội quyết định kéo dài thời gian thực hiện.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng yêu cầu các cấp công đoàn tăng cường công tác giám sát, tham gia thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, trong đó, quan tâm giám sát việc trả tiền lương làm theo giờ đúng quy định; việc đảm bảo đầy đủ các quy trình quản lý rủi ro có thể phát sinh do việc làm thêm giờ tạo ra; việc theo dõi các biểu hiện sức khỏe của người lao động trong quá trình làm thêm giờ; việc tổ chức lấy ý kiến đồng ý của người lao động khi làm thêm giờ...
Đề xuất bổ sung bữa ăn phụ cho người lao động
Ngoài ra, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam yêu cầu các cấp công đoàn hướng dẫn, định hướng cho các cấp công đoàn (nhất là công đoàn cơ sở) một số nội dung đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động khi tổ chức làm thêm giờ.
Cụ thể, Điều 98 Bộ luật Lao động quy định về tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm là mức tối thiểu phải đảm bảo khi tổ chức cho người lao động làm thêm giờ, do đó công đoàn cơ sở nên thương lượng với người sử dụng lao động về mức tiền lương làm thêm giờ cao hơn mức tối thiểu này hoặc cao hơn mức doanh nghiệp đang chi trả để động viên, khuyến khích và đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người lao động.
Nếu thời gian làm thêm trong một ca lớn hơn 3 giờ thì ngoài quy định về thời gian nghỉ giữa ca, đề nghị người sử dụng lao động cứ sau 90 phút làm việc thêm giờ thì bố trí giải lao ít nhất 10 phút, nhất là đối với người lao động làm việc ở các dây chuyền sản xuất liên tục.
Đề xuất, đối thoại, thương lượng với doanh nghiệp quan tâm cung cấp bữa ăn ca đảm bảo đủ chất, cân bằng dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm với giá trị bữa ăn ca bằng hoặc cao hơn mức quy định tại mục 5 Kết luận số 03/KL-BCH ngày 18/01/2022 của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 7c/NQ-BCH ngày 25/02/201 của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về “Chất lượng bữa ăn ca của người lao động”. Đề xuất bổ sung bữa ăn phụ, bữa ăn nhẹ cho người lao động sau khi kết thúc làm thêm để phục hồi sức khỏe. Đề xuất doanh nghiệp hỗ trợ tiền gửi trẻ cho người lao động, nhất là lao động có con dưới 6 tuổi.
Tăng cường hệ thống thông gió, chiếu sáng theo đúng tiêu chuẩn, giảm nhiệt độ vùng sản xuất về mùa hè bằng việc tăng cường các quạt mát, tăng mức độ thông thoáng trong nhà xưởng; đảm bảo độ rọi, độ chói lóa của hệ thống chiếu sáng theo đúng tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
Duy tu, bảo dưỡng thường xuyên các thiết bị, máy móc công cụ mà người lao động sử dụng hàng ngày để hạn chế tối đa các sự cố có thể gây ra tai nạn trong quá trình làm việc.
Ngoài những nội dung nêu trên, tùy vào tình hình thực tế và ý kiến, kiến nghị của đoàn viên, người lao động, công đoàn cơ sở tổ chức đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động để kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh do việc điều chỉnh thời gian làm thêm giờ, góp phần đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, ổn định an ninh, chính trị tại địa phương.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng lưu ý, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết, các cấp công đoàn phải kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của tập thể người lao động, đặc biệt các vụ việc ngừng việc tập thể, đình công có liên quan đến điều chỉnh thời gian làm thêm giờ.
Tuệ Minh