Đề xuất đưa tài sản ảo vào Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi)

Tài sản ảo không được công nhận là phương tiện thanh toán, tuy nhiên, việc nghiêm cấm chỉ giới hạn tới tài sản ảo cho mục đích thanh toán và không bao gồm "tài sản".

Ngày 6/7, Bộ Tư pháp đã tổ chức phiên thẩm định dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (PCRT).

Phát sinh nhiều hoạt động mới tiềm ẩn nguy cơ rửa tiền

Luật PCRT được Quốc hội Việt Nam thông qua ngày 18/6, có hiệu lực từ ngày 1/1/2013, sau gần 10 năm thi hành, công tác PCRT đã đạt được nhiều kết quả. Theo đó, tổ chức, bộ máy về PCRT, cũng như các văn bản quy phạm pháp luật về PCRT đã dần được hoàn thiện.

Cục PCRT đã tiếp nhận hàng ngàn thông tin, báo cáo giao dịch đáng ngờ, phân tích và chuyển giao khối lượng lớn cho Bộ Công an và cơ quan có thẩm quyền khác để xử lý.
Luật PCRT cũng tạo cơ sở pháp lý cho việc đàm phán, ký kết, thực hiện các thỏa thuận quốc tế và trao đổi thông tin liên quan đến rửa tiền. Hợp tác quốc tế về lĩnh vực PCRT đã góp phần ngăn chặn kịp thời các tội phạm rửa tiền xuyên quốc gia.

Tuy vậy, qua 10 năm thi hành Luật PCRT đã bộc lộ những hạn chế, bất cập nhất định do sự thay đổi và phát triển năng động của kinh tế, thị trường, sự thiếu hụt các quy định phát luật do yêu cầu mới phát sinh trong thực tiễn.

Bên cạnh đó, theo báo cáo đánh giá rủi ro quốc gia của Việt Nam về rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2012-2017, nhóm tội phạm về tham nhũng là nhóm tội phạm nguồn của tội rửa tiền, được đánh giá có nguy cơ rửa tiền ở mức "trung bình cao" đến mức "cao".

Do vậy, việc hoàn thiện quy định về PCRT nói chung, xây dựng Luật PCRT (sửa đổi) nói riêng là một trong những yếu tố then chốt thúc đẩy công tác PCRT và phòng, chống tham nhũng.

Việc xây dựng Luật PCRT (sửa đổi) nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của luật PCRT hiện hành, góp phần nâng cao hiệu quả công tác PCRT, xây dựng hệ thống pháp luật về PCRT của Việt Nam phù hợp với chuẩn mực quốc tế về PCRT và nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm rửa tiền.

Chính sách - Đề xuất đưa tài sản ảo vào Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi)

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh chủ trì phiên họp của Hội đồng thẩm định. (Ảnh: Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp)

Hoạt động cung cấp dịch vụ tài sản ảo tiềm ẩn rủi ro về rửa tiền

Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, hoạt động cung cấp dịch vụ tài sản ảo, hoạt động cung cấp dịch vụ trung gian kết nối người đi vay và người cho vay dựa trên nền tảng công nghệ là 2 hoạt động mới và khung pháp lý điều chỉnh hoạt động này còn đang trong giai đoạn nghiên cứu hoàn thiện.

Tuy nhiên, đây là những hoạt động tiềm ẩn rủi ro về rửa tiền, do các hoạt động này được thực hiện trực tuyến. Thông tin của các bên trong giao dịch trực tuyến thường sử dụng mã số, ký hiệu và có tính ẩn danh cao, gây khó khăn cho cơ quan có thẩm quyền khi tiến hành điều tra, truy vết tội phạm.

Dự thảo Luật bổ sung đối tượng báo cáo là tổ chức tài chính được cấp phép thực hiện hoạt động cung cấp dịch vụ tài sản ảo, cung ứng dịch vụ trung gian kết nối người đi vay và người cho vay dựa trên nền tảng công nghệ, theo đó tạo cơ sở pháp lý để quản lý về PCRT đối với các tổ chức này ngay khi có khung pháp lý điều chỉnh.

Quy định tại dự thảo Luật cũng phù hợp với xu hướng chung của pháp luật về PCRT của các quốc gia trên thế giới. Ví dụ liên quan đến các tổ chức tài chính được cấp phép thực hiện hoạt động cung cấp dịch vụ tài sản ảo (VASP), có hơn 90 quốc gia đã quy định các VASP là đối tượng báo cáo tại pháp luật về PCRT trong khi các nội dung về cấp phép, quản lý được quy định tại một văn bản chuyên ngành riêng.

Được biết, hoạt động cung cấp dịch vụ tài sản ảo, tại khuyến nghị số 15 của FATF yêu cầu các quốc gia phải nhận diện và đánh giá rủi ro rửa tiền và tài trợ khủng bố liên quan đến tài sản ảo và dịch vụ tài sản ảo. Theo đó, tài sản ảo và dịch vụ tài sản ảo phải được đăng ký hoặc cấp phép bởi có quan có thẩm quyền, phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa về rửa tiền và tài trợ khủng bố, phải được quản lý, giám sát bởi cơ quan có thẩm quyền. Quốc gia phải có hình phạt phù hợp xử lý đối với trường hợp tài sản ảo và dịch vụ tài sản ảo có vi phạm pháp luật.

Tương tự như quy định về dịch vụ trung gian kết nối người đi vay và người cho vay dựa trên nền tảng công nghệ, Dự thảo Luật bổ sung đối tượng báo cáo là tổ chức cung cấp hoạt động dịch vụ tài sản ảo. Về nội dung này, việc bổ sung đối tượng báo cáo là tổ chức cung cấp dịch vụ tài sản ảo là theo khuyến nghị của APG tại báo cáo MER liên quan đến việc thực hiện khuyến nghị số 15 của FATF.

Hiện nay, Việt Nam chưa có đánh giá cụ thể về rủi ro rửa tiền và tài trợ khủng bố phát sinh từ các hoạt động tài sản ảo và dịch vụ tài sản ảo. Tài sản ảo không được công nhận là phương tiện thanh toán, tuy nhiên, việc nghiêm cấm chỉ giới hạn tới tài sản ảo cho mục đích thanh toán và không bao gồm "tài sản" và việc sử dụng tài sản ảo cho các mục đích khác ngoài thanh toán.

Bên cạnh việc thẩm định về sự cần thiết ban hành Luật, tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật, sự phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, tính khả thi của dự thảo Luật... nhiều nội dung khác cũng được đưa ra xem xét, đánh giá trong quá trình thẩm định như: chuyển tiền điện tử, hoạt động dịch vụ trung gian thanh toán..

Phát biểu tại phiên thẩm định, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh, Chủ tịch Hội đồng thẩm định đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại phiên họp, đồng thời rà soát lại hồ sơ dự thảo Luật PCRT sửa đổi để hoàn thiện trình cấp có thẩm quyền.

Thứ trưởng cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát lại các nội dung đã được quy định tại các luật chuyên ngành khác sẽ không quy định trong dự thảo Luật này, cũng như cân nhắc không quy định một số nội dung của dự thảo như về tổ chức bộ máy hoặc quy định về nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vì đã được quy định tại nhiều văn bản pháp luật khác. Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh cũng cho rằng, còn nhiều nội dung khác trong dự thảo Luật vẫn cần phải xin ý kiến của cấp có thẩm quyền.

Bên cạnh đó, còn một số nội dung khác như tài sản ảo, nội dung mở rộng đối tượng báo cáo, vấn đề khách hàng nước ngoài... cũng cần phải cân nhắc thêm khi đưa vào trong dự thảo Luật lần này...