Nếu được thông qua, lương tối thiểu lần lượt vùng I là 4,68 triệu; vùng II 4,16 triệu, vùng III là 3,64 triệu và vùng IV là 3,25 triệu đồng. Mức hiện hành dao động 3,07-4,42 triệu đồng, giữ nguyên từ đầu năm 2020 đến nay.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho rằng mức điều chỉnh này có sự chia sẻ, hài hòa lợi ích của người lao động và doanh nghiệp. Thông thường, lương tối thiểu vùng được điều chỉnh sau một năm thực hiện, song từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch tác động tiêu cực khiến việc tăng lương tối thiểu vùng bị trì hoãn tới hai năm.
Lương tối thiểu hiện tại không còn đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình, thấp hơn khoảng 1,3% vào năm 2022, theo tính toán của Bộ phận kỹ thuật, Hội đồng Tiền lương quốc gia.
Trên cơ sở này, lương tối thiểu theo giờ được đề xuất áp dụng tương ứng với vùng I là 22.500 đồng; vùng II là 20.000 đồng, vùng III là 17.500 đồng và vùng IV là 15.600 đồng.
Các mức lương tối thiểu giờ được xác định dựa trên phương pháp quy đổi tương đương từ mức lương tối thiểu tháng và thời gian làm việc tiêu chuẩn theo quy định của Bộ luật Lao động.
Việc áp dụng phương pháp quy đổi tương đương nêu trên phù hợp với điều kiện cụ thể ở nước ta khi lần đầu tiên quy định mức lương tối thiểu giờ, tránh tạo ra sự xáo trộn việc trả lương cho người lao động, gây ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình quan hệ lao động trong doanh nghiệp.
Đây là cách xác định mức lương tối thiểu giờ được áp dụng phổ biến ở nhiều nước trên thế giới và được các chuyên gia ILO khuyến nghị cho Việt Nam áp dụng.
Đại diện VCCI đồng ý với mức tăng 6% song chưa hài lòng với thời điểm tăng từ 1/7, mong muốn điều chỉnh từ 1/1/2023 để doanh nghiệp có thêm thời gian chuẩn bị.
Ngày 14/4, tám hiệp hội doanh nghiệp có công văn gửi Chính phủ kiến nghị lùi thời điểm tăng lương sang đầu năm sau. Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam sau đó có ý kiến, đề nghị các hiệp hội rút đề xuất này, trong bối cảnh khảo sát 56% lao động nói tiền lương không đủ sống.