Doanh nghiệp 9 tháng làm dự án gần 500 tỷ đồng: Tỉnh bảo làm chứ chúng tôi cũng không mặn mà

Theo Phó Tổng giám đốc Công ty Phú Thịnh Vân Đồn cho biết, “Lãnh đạo tỉnh mời gọi, khuyến khích nhiều chứ thực tế phía công ty ban đầu không mặn mà, không hề muốn tham gia dự án này”.

Ngày 9/3, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy đã ký Quyết định số 610/QĐ-UBND về việc thành lập Cụm công nghiệp (CCN) Vân Đồn (xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn).

Theo đó, CCN Vân Đồn có tổng diện tích gần 53ha và được chia làm 4 khu. Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật là Công ty CP Phú Thịnh Vân Đồn (địa chỉ: Trung tâm điều hành CCN Cẩm Thịnh, TP Cẩm Phả).

Doanh nghiệp này có trách nhiệm đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại với tổng vốn đầu tư trên 486 tỷ đồng. Trong quý III/2022-quý IV/2023, chủ đầu tư sẽ tiến hành san lấp, hoàn thiện đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và quý I/2024 sẽ triển khai thu hút các nhà đầu tư thứ cấp. Thời gian hoạt động của CCN Vân Đồn là 50 năm kể từ ngày CCN Vân Đồn được thành lập.

CCN Vân Đồn được thành lập để bố trí các cơ sở sản xuất sau: Sản xuất đồ uống; sản xuất trang phục; sản xuất giày dép; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan; chế biến gỗ; sản xuất khí công nghiệp; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại chưa được phân vào đâu; bảo dưỡng và lắp đặt máy móc, thiết bị; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu; các dịch vụ xử lý, gia công kim loại theo hướng chuỗi liên kết ngành; công nghiệp chế biến, chế tạo khác…

Đồng thời, CCN Vân Đồn cũng sẽ để phục vụ cho việc di dời các cơ sở tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp quy hoạch đô thị phải di dời trên địa bàn huyện theo Nghị quyết 201/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Quảng Ninh ngày 30/7/2019.

Theo tìm hiểu của PV, Công ty Cổ phần Phú Thịnh Vân Đồn được thành lập ngày 10/6/2021, có địa chỉ tại trung tâm điều hành cụm công nghiệp Cẩm Thịnh, phường Cẩm Thịnh, thành phố Cẩm phả, tỉnh Quảng Ninh. Doanh nghiệp này hoạt động trong lĩnh vực chính là xây dựng nhà để ở.

Vốn điều lệ của Công ty Phú Thịnh Vân Đồn là 150 tỷ đồng, với 3 cổ đông. Trong đó, ông Bùi Xuân Tờ là cổ đồng lớn nhất nắm giữ 40% vốn điều lệ. Tiếp theo là cổ đông Phạm Ngọc Thanh với 35% và Phạm Văn Trường ̣(25%).

Ông Bùi Xuân Tờ ̣(sinh năm 1956) là tổng giám đốc công ty , đồng thời là người đại diện theo pháp luật của Công ty Phú Thịnh Vân Đồn. Ngoài doanh nghiệp này ra, ông Bùi Xuân Tờ còn đại diện của 3 công ty khách gồm: Công ty Cổ phần Kỹ nghệ thực phẩm Thái Lan, Công ty Cổ phần Công nghiệp Cẩm Thịnh và Công ty Cổ phần Tập đoàn kinh tế Hạ Long.

Việc một công ty non trẻ, mới thành lập được 9 tháng đã khiến dư luận đặt dấu hỏi về năng lực thực hiện, cũng như tính minh bạch trong công tác lựa chọn nhà đầu tư.

hd 108000393112still1105png

Trụ sở công ty Phú Thịnh Vân Đồn đặt tại cụm công nghiệp Cẩm Thịnh, Cẩm Phả, Quảng Ninh. Ảnh minh hoạ.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Tuấn Việt – Phó Tổng giám đốc Công ty Phú Thịnh Vân Đồn cho biết, công ty được giao dự án này hoàn toàn công khai, minh bạch, trải qua quá trình thẩm định và chấm điểm của hội đồng riêng do UBND tỉnh chủ trì.

“Chúng tôi là đơn vị duy nhất nộp hồ sơ tham gia vào dự án này. Hồ sơ được công ty chuẩn bị thể hiện đầy đủ năng lực tài chính, con người, chứng minh bảo lãnh ngân hàng theo đúng quy định”, ông Việt phân tích.

Lãnh đạo công ty Phú Thịnh Vân Đồn cho biết trong vòng chấm điểm, hồ sơ của công ty được hội đồng đánh giá trên 50 điểm, tức là đủ điều kiện để được lựa chọn làm nhà đầu tư.

“Do chỉ có một mình chúng tôi nộp hồ sơ nên không phải cạnh tranh với bên nào cả. Theo đúng quy định, chỉ cần hồ sơ đạt trên 50 điểm là trúng”, vị này khẳng định.

Riêng với nghi vấn tại sao một doanh nghiệp mới thành lập 9 tháng lại được lựa chọn làm nhà đầu tư cho một dự án cụm công nghiệp có quy mô lên tới gần 500 tỷ, ông Việt cho rằng biết việc thành lập pháp nhân mới nhằm triển khai dự án mới là hoàn toàn bình thường:

“Về phía công ty, từ lãnh đạo đến nhân viên đều đã có kinh nghiệm làm hai cụm công nghiệp ở tỉnh là Cẩm Thịnh và Hà Khánh. Mỗi một cụm công nghiệp chúng tôi sẽ lập một công ty và lấy tên đúng với địa phương đó. Tỉnh cũng phải nhìn trước, ngó sau trong việc lựa chọn chủ đầu tư bởi nếu không chọn được đúng đơn vị có năng lực thì rất khó vận hành cụm công nghiệp”, ông Việt lý giải.

Chia sẻ thêm, ông Việt nói đầu tư làm cụm công nghiệp thực tế đòi hỏi vốn lớn nhưng lại sinh lời kém, giống như việc “bỏ tiền chẵn nhưng chỉ đi thu tiền lẻ”. Chính vì vậy, tỉnh Quảng Ninh đã ra sức kêu gọi nhưng có rất ít nhà đầu tư mặn mà.

“Lãnh đạo tỉnh mời gọi, khuyến khích nhiều chứ thực tế phía công ty ban đầu không mặn mà, không hề muốn tham gia dự án này. Chúng tôi đã nghĩ đến việc dừng làm cụm công nghiệp để chuyển sang lĩnh vực khác, ví như như làm khu đô thị. Việc làm cụm công nghiệp có ý nghĩ chính trị nhiều hơn”, ông Việt chia sẻ.

“Nếu tìm hiểu kỹ thì nên hiểu rằng khi đầu tư dự án cụm công nghiệp, chúng tôi được miễn chủ trương đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch và được ưu đãi rất nhiều thứ khác. Có thể nói đây là các chính sách để mời gọi, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia”, ông Việt nói.