Công ty Cổ phần Tập đoàn KIDO (HoSE: KDC) vừa công bố tài chính quý II/2023 với mức lợi nhuận tăng “phi mã" nhờ khoản tái cơ cấu các hoạt động đầu tư.
Theo đó, doanh thu thuần trong quý của KIDO đạt 2.317 tỷ đồng, giảm 33% so với cùng kỳ. Dù giá vốn hàng bán của công ty ghi nhận xu hướng giảm nhưng lợi nhuận gộp trong quý vẫn thấp hơn so với cùng kỳ 65%, ở mức 303 tỷ đồng.
Đặc biệt, doanh thu từ hoạt động tài chính của KIDO ghi nhận tăng mạnh, từ 21 tỷ đồng tại quý II/2022 lên 961 tỷ đồng vào quý II/2023, tương đương tăng gấp 45 lần. Nguyên nhân là do công ty trích lập thêm khoản lãi từ thanh lý đầu tư 898 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái không ghi nhận.
Theo lý giải từ phía Tập đoàn KIDO, đây là khoản tái cơ cấu trong hoạt động đầu tư như thoái vốn các khoản đầu tư Calofic, KIDO Foods và đầu tư mới vào mảng bánh Thọ Phát.
Ở chiều ngược lại, chi phí bán hàng của công ty trong quý II/2023 đạt 374 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp đạt 108 tỷ đồng; giảm lần lượt 22% và 15% so với cùng kỳ.
Sau khi trừ các chi phí, “ông hoàng” M&A báo lãi 651 tỷ đồng, cao gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2022. Đây là mức lợi nhuận cải thiện sau khi KIDO “rơi" vào đáy lỗ 150 tỷ đồng vào quý I/2023.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, KIDO ghi nhận 4.377 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 31%; lợi nhuận trước thuế của công ty đạt 727 tỷ đồng. Sau khi trừ các chi phí, KIDO báo lãi 501 tỷ đồng, tăng 48% so với 6 tháng đầu năm 2022.
Năm 2023, KIDO lên kế hoạch kinh doanh với mục tiêu doanh thu thuần đạt 15.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 900 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc nửa đầu năm 2023, công ty đã thực hiện 29% kế hoạch doanh thu và 80% kế hoạch lợi nhuận năm.
Về tình hình tài chính của công ty, tại ngày 30/6/2023, tổng tài sản của KIDO ở mức 12.947 tỷ đồng, giảm 7% so với số đầu năm. Trong mục tiền và các khoản tương đương tiền, các khoản tương đương tiền của KIDO tăng mạnh 12 lần, từ 52 tỷ đồng lên 630 tỷ đồng tại cuối kỳ.
Bên cạnh đó, chỉ số hàng tồn kho tại cuối tháng 6/2023 đạt 1.345 tỷ đồng, giảm 39%; chủ yếu do mức sụt giảm đến từ tiền nguyên vật liệu và thành phẩm.
Tại ngày 30/6/2023, dư nợ của KIDO là 5.098 tỷ đồng, giảm 26% so với số đầu năm, trong đó chiếm đa số là nợ ngắn hạn.
Đáng chú ý, vay ngắn hạn và dài hạn của KIDO đều có xu hướng giảm trong kỳ. Cụ thể, nợ ngắn hạn giảm 36% xuống còn 2.664 tỷ đồng; nợ dài hạn giảm 23% còn 550 tỷ đồng.
PV