Độc đáo phiên chợ mua hàng bằng lá cây, mỗi năm chỉ mở đúng 2 ngày tại Tây Ninh

CTV
Tới đây bạn sẽ không cần phải mang theo tiền bởi muốn mua gì chỉ cần trao đổi bằng lá cây.

Du xuân ở Tây Ninh đúng đợt rằm tháng Giêng, bạn sẽ có cơ hội tham gia vào một trong những phiên chợ độc đáo bậc nhất. Tới đây, bạn sẽ không cần lo lắng đến giá cả, tiền nong, mọi thứ đều được trao đổi bằng… lá cây.

Được biết, phiên chợ này là một nét văn hoá rất độc đáo tại Tây Ninh, có tên là chợ lá. Hàng năm, phiên chợ lá sẽ diễn ra vào khoảng ngày rằm tháng Giêng âm lịch. Phiên chợ lá kỳ lạ ở chỗ, người đi chợ không dùng tiền mà dùng lá cây để mua thức ăn, nước uống... Thế nên, người ta cũng gọi phiên chợ này là "chợ tiên" hay "chợ lá".

Mỗi năm, phiên chợ họp trong hai buổi sáng 14 và 15 tháng giêng. Địa điểm họp chợ không cố định mà di chuyển nhiều điểm trong khu vực TX.Hòa Thành (Tây Ninh) để bà con ai cũng có thể mua hàng. Như ở cửa 8 chợ Long Hoa, gia trang của lương y Thái ở đường Hốc Trâm, hoặc ở Điện thờ Phật Mẫu Long Hải, TX.Hòa Thành... Mỗi buổi họp chợ sẽ di chuyển đến 2 - 3 địa điểm trên để bán. 

Muốn tham gia phiên chợ này bạn phải đến khá sớm, bởi chợ lá thường diễn ra từ khoảng 5h30 phút sáng và cũng chỉ kéo dài 1 - 2 tiếng là vãn. Ở đây, thay vì tiền, người ta dùng lá để giao dịch. Không cần biết bao nhiêu tiền, người bán cứ bán, người mua cứ mua. Khi muốn mua món hàng nào, bạn chỉ cần đưa một hoặc vài chiếc lá cho người bán là được.

Người bán có gì bán nấy, chỉ lấy lá làm lộc chứ không lấy tiền. Chi phí cho các món hàng do người bán tự lo. Còn người mua thì có thể tấp ven đường hái vài chiếc lá để thay tiền mua hàng.

Những người bán hàng không phải đến đây vì lợi nhuận mà chủ yếu muốn sẻ chia với tất cả mọi người. Nhiều người cho rằng những người bán nhận được càng nhiều lá thì sẽ càng may mắn.

Quả thật, rất ít người biết rằng có tồn tại một phiên chợ đặc biệt như vậy tại Việt Nam. Đây cũng là nét văn hoá rất độc đáo tại Tây Ninh, mang đến niềm vui và tiếng cười cũng như sự may mắn cho tất cả mọi người. Phiên chợ lá đã tồn tại từ hàng chục năm qua nhưng khoảng vài năm gần đây, nhờ nhiều người chia sẻ lên mạng xã hội nên phiên chợ độc đáo này mỗi năm càng đông đúc hơn.