Đôi vợ chồng 8X dỡ mái nhà, chi 80 triệu trồng rau trên nóc cho thỏa đam mê, rau nào cũng xanh mướt mắt

CTV
Trồng rau trên nóc nhà tuy tốn kém chi phí hơn, khó khăn hơn nhưng vợ chồng chị Hạnh Vân chưa bao giờ nản.

Làm vườn trên nóc nhà thường tốn nhiều tiền của và công sức hơn so với làm dưới đất. Tuy nhiên, đã là đam mê thì khó bỏ, nếu muốn sẽ tìm cách!

Đôi vợ chồng 8X dỡ mái nhà, làm vườn trên nóc cho thỏa đam mê

Từ lúc rời khỏi giảng đường đại học tới lúc lập gia đình, vợ chồng chị Hạnh Vân (sinh năm 1989, sống ở Cẩm Lệ, Đà Nẵng) đều là những nhân viên văn phòng kỳ cựu, nhưng cả hai luôn ấp ủ ý định khởi nghiệp, sau này sẽ xây dựng sự nghiệp của riêng mình. Đúng như kế hoạch, sau khi mang thai con đầu lòng, chị Vân nghỉ việc để tập trung chăm sóc con những năm tháng đầu đời, và khi con được 1 tuổi rưỡi, hai vợ chồng đã bắt tay vào việc kinh doanh. 

Hiện vợ chồng Hạnh Vân sở hữu 2 thương hiệu đồ gia dụng. Khi công việc kinh doanh vào guồng, cặp đôi mới có nhiều thời gian hơn dành cho đam mê - đó chính là làm vườn rau ngay trên nóc nhà để vừa ăn vừa ngắm mỗi ngày. Kế hoạch đã nung nấu từ lâu nhưng cách đây khoảng 3 tháng, khu vườn 50m2 của đôi vợ chồng 8X mới hoàn thành. 

“Làm vườn, trồng rau, trồng cây là đam mê chung của cả hai vợ chồng tôi. Trước đây khi kinh tế chưa dư giả, làm vườn cũng chỉ là vài luống rau đơn giản. Chúng tôi trồng rau trên mảnh đất bỏ trống cạnh nhà rồi trồng sau nhà, hoặc vài chậu đơn giản ở ban công chỉ để thỏa mãn đam mê. Bây giờ đầy đủ hơn, tôi lại muốn chinh phục một khu vườn ngay trên nóc nhà mình. Chi phí nhiều hơn dưới đất và mất công hơn một chút nhưng quan trọng là vui mỗi ngày”, chị Vân hạnh phúc chia sẻ.

Cẩn thận, tỉ mỉ đến từng chi tiết

Để làm vườn cho thỏa đam mê, vợ chồng chị Vân đã dỡ mái nhà ra. Khi làm vườn trên mái nhà hay sân thượng, điều lo ngại đầu tiên chính là thấm nền, thấm trần gây ảnh hưởng đến không gian sống bên dưới. 

Về vấn đề này, chị Hạnh Vân đã cho thi công chống thấm sàn thật kỹ, sau đó lót thêm lớp gạch, vừa có khả năng chống thấm vừa sạch sẽ lại đẹp. Ngoài ra, toàn bộ phần thùng nhựa và kệ gỗ trồng cây đều được kê trên khung sắt, cách đất để vừa đẹp vừa dễ dàng vệ sinh, dễ thoát nước, vừa không ẩm sàn. 

Điều lo ngại tiếp theo chính là mùa bão của miền Trung. “Điều này phụ thuộc vào ông trời nên vợ chồng tôi chỉ còn cách đối mặt. Song song đó, chúng tôi cho thợ thi công kiên cố phần nhà sắt để giảm thiểu rủi ro cũng như tránh ảnh hưởng tới nhà hàng xóm”, chị Vân nói. 

Bên cạnh đó, vì lên xuống mỗi ngày cũng như để các con, ông bà đến chơi có thể lên vườn dễ dàng, an toàn, chị còn cẩn thận lắp cầu thang sắt kiên cố, có tay cầm, lối đi lên rộng. Khi làm vườn, chị cũng để trống một khoảng không gian rộng để gia đình thư giãn. Khu vực này được trang trí thêm đá, gạch và đặt thêm bộ bàn nướng BBQ, bàn trà. 

Không chỉ chú trọng trong khâu chống bão, chống thấm sàn hay lối đi lên xuống, khu vực thư giãn, vợ chồng chị Hạnh Vân còn cẩn thận tới từng thùng, chậu trồng rau. Cụ thể, chị chọn thùng trồng rau có lỗ thoát nước nằm bên hông thay vì dưới đáy chậu, như vậy sẽ đảm bảo dưới đáy chậu luôn có một lớp nước mỏng để giữ ẩm cho đất, đồng thời chất dinh dưỡng không theo đất trôi thẳng ra ngoài. 

Vợ chồng chị cũng đóng thêm thùng gỗ để khu vườn trông đẹp mắt hơn. Để tăng tuổi thọ cho thùng gỗ cũng như đảm bảo sự phát triển của cây trồng, chị Vân còn lót một lớp nilon dày quanh bên trong lòng chậu để chống thấm nước tối đa, đồng thời lắp một vỉ thoát nước, tiếp đến là lớp vải địa để chắn đất làm bít lối thoát nước rồi mới đổ giá thể vào. Bên hông, anh chị khoét thêm lỗ thoát nước thừa, cách đáy 2-3cm. 

Thay vì tưới nước theo cách thủ công, đôi vợ chồng 8X đã lắp hệ thống tưới tự động, như vậy sẽ tránh được tình trạng tưới ướt đẫm cả sàn, ảnh hưởng đến việc thoát nước. 

Không những vậy, vợ chồng chị Vân còn làm mái che tới 3 lớp. Lớp dưới chắn côn trùng là lớp kéo chung cả khu vườn, trên cùng lợp thêm tôn trắng lấy sáng và che sương muối, mưa nặng hạt. Ở giữa là lớp lưới lan để che nắng gắt, nhưng lớp này không phải lúc nào cũng che nên chị lắp dây kéo để kéo ra thu vào khi cần. 

Làm vườn sân thượng chắc chắn tốn nhiều chi phí hơn khi làm dưới đất, tôi lại còn làm ngay trên nóc nhà nên tốn thêm chi phí cải tạo nữa. Vả lại, tôi muốn chỉn chu ngay từ đầu vì đây vừa là vườn vừa là nơi thư giãn nên chi phí cũng tốn kém hơn một chút. Khu vườn trên nóc nhà của tôi tốn khoảng gần 80 triệu cho chi phí ban đầu, nhưng thật ra khi có đam mê thì các bạn sẽ làm được, tùy theo túi tiền mà giảm cắt bớt các chi phí, sau này sẽ bồi thêm vào. Vợ chồng tôi còn mới mở thêm khu vườn nhỏ rộng 20m2 dưới tầng 3 nữa”, chị Hạnh Vân nói. 

Rau nào rau nấy đều xanh mướt mắt, mẹ đảm chia sẻ bí quyết

Theo chị Vân, để trồng rau thành công và xanh mướt, đầu tiên cần chọn và trồng rau theo mùa cũng như tìm hiểu từng giai đoạn phát triển của cây. Về việc này, người nông dân tay ngang nào cũng cần phải trải qua một quá trình học hỏi, tìm hiểu và cải tạo dần dần. Vợ chồng chị Vân cũng vậy, từng phải trả giá đắt mới có được khu vườn xanh mướt mắt như ngày hôm nay. 

Từ ngày làm vườn đến giờ, vợ chồng chị Vân đã chinh phục được rất nhiều loại rau, cây ăn trái khác nhau. Chẳng hạn như rau có rau dền, mồng tơi, rau cải cầu vồng, rau bina,....các loại dưa gồm dưa lưới, dưa hấu ruột vàng, dưa leo Aiko, dưa sữa Ryan, dưa lê… hay các loại bí như bí bơ Mỹ, bí vua Hàn Quốc, bầu sao Đài Loan,... Ngoài ra, chị còn thử chinh phục thêm bắp tím, các loại xà lách chịu nhiệt, xà lách thuỷ tinh, đậu đũa tím, đậu đũa trắng, đậu bắp tím…

Về khâu chăm sóc vườn rau trên nóc nhà, mẹ đảm chia sẻ, vào mùa gió chị sẽ tập trung trồng các loại rau và củ, hạn chế trồng dạng cây cao và leo, để cây đỡ bị quật ngã. 

Sau mỗi lần thu hoạch, ô nào trống là chị sẽ tiếp tục cải tạo đất, thêm dinh dưỡng cho đất, ủ đất chừng 5-7 ngày sau đó mới xuống giống mới. 

Mặc dù làm nhà màng, lưới chắn côn trùng nhưng nó chỉ hạn chế được phần nào, tình trạng sâu bệnh vẫn xảy ra. Tuy nhiên, vì trồng rau theo hướng hữu cơ hoàn toàn nên chị Vân cũng tự mày mò làm thuốc trừ sâu bằng những nguyên liệu tự nhiên. 

Cụ thể để trị rệp sáp và sâu bọ hút chích, chị ủ dung dịch trừ sâu theo công thức ớt, tỏi, gừng mỗi loại 0.5kg, 0.1g rau răm và 2 lút rượu trắng. Các nguyên liệu sau khi rửa sạch, thái nhỏ thì cho vào cối xay, xay nhuyễn (không cần phải quá nhuyễn). Sau đó cho hỗn hợp vào hũ, ủ như vậy chừng 10-15 ngày thì có thể chiết ra để dùng.

Mỗi lần chiết, dùng vỉ lọc lấy xác bỏ lại vào hũ. Phần nước tách ra pha loãng với nước theo tỷ lệ 100ml dung dịch : 10 lít nước. Cho nước đã pha vào bình xịt để phun cho rau. 

Nếu cây bị rệp tấn công nhiều, nên ngắt bỏ bớt lá dưới rồi mới tiến hành phun. Lưu ý, nên phun cả mặt trên, mặt dưới của các lá cũng như lá non. Phun vào sáng sớm hoặc chiều tối để tránh bị cháy lá. Vì thuốc tự chế nên cần lặp lại 2-3 ngày liên tục để đạt hiệu quả tốt nhất. 

“Tuy mất nhiều thời gian để trị bệnh cho rau nhưng vợ chồng tôi chưa khi nào nản chí. Nguồn thu nhập lớn nhất chúng tôi nhận được kể từ khi làm vườn đó chính là được tận hưởng niềm vui mỗi ngày. Điều này không có gì có thể mua bán được. Ngoài ra, thực phẩm sạch cho gia đình và các con dùng là điều mà chúng tôi mong muốn khi làm vườn”, chị Hạnh Vân chia sẻ.