Một cụm tượng tái hiện lại những hoạt động của các chiến sĩ cách mạng trong động Kim Quang
Muốn vào đến hang động, phải vượt qua một vực sâu khoảng 4-5m, rộng hàng chục mét, nước chảy ầm ầm vào mùa mưa như một dòng thác hung dữ. Và nhờ những tảng đá khổng lồ chồng lên nhau, tạo thành một mái hầm trú ẩn kiên cố nên động Kim Quang sớm trở thành căn cứ cách mạng của Huyện ủy Tòa Thánh (nay là huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Theo lịch sử Đảng bộ huyện Hòa Thành, sau chiến thắng Tua Hai (ngày 26-1-1960), ban cán sự Đảng ủy huyện thành lập đội vũ trang tuyên truyền, quân số gần một tiểu đội, do ông Nguyễn Văn Sáu (Sáu Dò) làm Đội trưởng. Quý III năm 1961, Huyện ủy Tòa Thánh bắt đầu chọn động Kim Quang làm căn cứ.
Ông Trần Văn Liên (75 tuổi, ngụ phường 4, TP Tây Ninh) - một trong những người đầu tiên có mặt ở động Kim Quang kể lại: “Tôi tham gia cách mạng vào năm 1960, khi được 17 tuổi. Thời điểm đó, bà Chánh - vợ của Tỉnh trưởng Tây Ninh trông coi các chùa trên núi Bà Đen. Bà Chánh cử một nhà sư, thường gọi là ông Tư đến ở trong động để tu.
Lực lượng cách mạng đến, vận động ông Tư về chùa khác tu hành, để cách mạng sử dụng khu vực núi này làm căn cứ hoạt động. Động Kim Quang rộng, có thể chứa cả đại đội, nhưng lúc đó ở trong đó chỉ có khoảng 1 tiểu đội và thường sử dụng hang động này để học nghị quyết. “Chúng tôi chặt nhánh cây, chặt cây tre chống xiên trong hang động, rồi giăng võng nằm. Khi nằm, võng rút các cây này vào vách đá nên rất chắc chắn”.
Theo ông Phan Thanh Hùng (72 tuổi, ngụ ấp Long Yên, xã Long Thành Trung) - một trong những người trực tiếp chiến đấu ở động từ năm 1964, thời đó, quân địch gọi động Kim Quang là đồn của Việt cộng.
Chúng thường xuyên tấn công lên động nhưng hầu hết các đợt tấn công của chúng đều thất bại. Nhiều trận đánh ác liệt giữa ta và địch đã diễn ra tại đó. Đáng nhớ nhất là tháng 11-1970, tỉnh triệu tập lãnh đạo các huyện về họp để triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị về tình hình mới trên bán đảo Đông Dương và nhiệm vụ của chúng ta.
Do có nội gián, địch cấp tốc huy động một lực lượng lớn gồm gần 6 tiểu đoàn lính dù, nòng cốt là Tiểu đoàn dù 81, từ chiến trường Tây Nguyên về. Chúng được trực thăng đổ bộ trên đỉnh núi đánh xuống, số lính dù còn lại cùng lính bảo an mở cuộc tấn công từ dưới chân núi đánh lên, vây ép ta vào giữa để tiêu diệt và bắt sống, nhưng khi chúng đổ quân tại chân núi đã bị cối 82 ly của ta đặt ở động Kim Quang bắn vào ngay đội hình của chúng, loại khỏi vòng chiến đấu gần 100 tên địch, phá hỏng 1 xe GMC, số lính còn lại bỏ chạy như bầy ong vỡ tổ…
Sau ngày miền Nam giải phóng, động Kim Quang được giữ gìn như một di tích lịch sử cách mạng quan trọng của huyện Tòa Thánh và được đầu tư tôn tạo thành điểm tham quan du lịch. Ngay dưới chân núi được xây dựng nhà truyền thống, trong đó trưng bày nhiều hình ảnh tư liệu về kháng chiến chống thực dân Pháp, kháng chiến chống đế quốc Mỹ, những đơn vị tham gia chiến đấu ở núi Bà Đen (1962- 1975)…
Con đường từ chân núi vào động được mở rộng, sắp đá lại thành bậc tam cấp cho khách dễ di chuyển tham quan. Trên con suối cắt ngang động đã có một chiếc cầu treo nối hai bờ vực. Trước cửa động điêu khắc hình một quyển sách cách điệu về lịch sử động Kim Quang huyền thoại. Trong khu vực động, có ba cụm tượng, tái hiện lại những hoạt động thời kháng chiến.
Hàng chục năm qua, cứ đến ngày 14 tháng giêng, Huyện ủy, HĐND, UBND, UB.MTTQVN huyện Hòa Thành đều tổ chức họp mặt truyền thống cách mạng động Kim Quang dưới chân núi Bà Đen, quy tụ những người đã từng sống, chiến đấu ở động Kim Quang, các gia đình thương binh liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng đến dự. Ngoài ra, vào lễ, tết còn có đông đảo du khách gần xa đến động Kim Quang tham quan, cúng viếng.
Theo Đại Dương/SGGP