Dựng lều test Covid-19 giả: Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Hành vi ngang nghiên dựng lều bạt test Covid-19 và bán giấy xét nghiệm khống của nhóm nhân viên đến từ một phòng khám, đang khiến dư luận đặc biệt quan tâm, nhất là khi chiêu trò trục lợi giữa bối cảnh Covid-19 vẫn tồn tại nhan nhản.

Có ai đứng sau hành vi vô cùng phản đạo đức này?

Những ngày qua, dư luận đang xôn xao trước thông tin một nhóm đối tượng dựng lều bạt tại khu vực gần cổng sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội), bán giấy xét nghiệm Covid-19 khống cho người dân muốn vào sân theo dõi trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và Nhật Bản.

Cụ thể, chiều 11/11, một đơn vị phòng khám ở Bắc Ninh lợi dụng việc các cơ quan chức năng siết chặt kiểm soát dịch bệnh đối với khán giả vào sân vận động Mỹ Đình xem bóng đá, đã điều nhân viên đến dựng lều bạt tại khu vực này, mặc trang phục phòng dịch và mang theo nhiều dụng cụ y tế, tổ chức lấy mẫu test nhanh Covid-19 để thu phí dịch vụ. Thậm chí, những người này còn bán cả giấy xét nghiệm đã có sẵn kết quả cho ai có nhu cầu.

Đáng chú ý, nhóm đối tượng này không hề được cơ quan chức năng cấp phép và có dấu hiệu không test mà bán giấy xét nghiệm khống với giá 200.000 đồng/tờ xét nghiệm để người có nhu cầu tự điền thông tin.

photo-1-1636642359294210697041-1636825607.jpg
Nhóm nhân viên test Covid-19 tại khu vực trước cổng sân vận động Mỹ Đình ngày 11/11.

Trao đổi với PV Phụ nữ & Pháp luật, PGS.TS Bùi Thị An (ĐBQH khóa XIII) bày tỏ: “Chúng ta hiểu rõ, không ai được phép lợi dụng tình hình này để trục lợi, thế mà trong trường hợp này, lại có những người có hành vi lợi dụng, lừa dân để trục lợi, ở đây rõ ràng là lừa dân, bởi vì đơn vị này hoàn toàn không được phép triển khai test Covid-19 cho người dân tại khu vực sân vận động Mỹ Đình”.

dbqh-bui-thi-an-1636825530.jpg
PGS.TS Bùi Thị An cho rằng, cần phải làm rõ, có ai đứng đằng sau chuyện này không?

“Đề nghị các cơ quan chức năng nhanh chóng điều tra, xác minh làm rõ mức độ sai phạm của từng cá nhân để xử lý nghiêm và kịp thời răn đe. Không những vậy, với một hành vi vi phạm có tổ chức và vô cùng phản đạo đức như vậy, tôi cho rằng, cần thiết phải làm rõ, có ai đứng đằng sau chuyện này không? Làm rõ để xử lý đến cùng, xem trách nhiệm thuộc về ai?”, nguyên ĐBQH Bùi Thị An nhìn nhận.

Ai sai cũng phải bi xử lý nghiêm

Trao đổi về hành vi trên, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết: “Các đối tượng dựng lều bạt để bán giấy xét nghiệm Covid-19 tại sân vận động Mỹ Đình trong trận Việt Nam - Nhật Bản có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với nhiều tội danh. Với khán giả mua phiếu xét nghiệm để được vào sân cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự và phải đối mặt với hình phạt đến 2 năm tù”.

Cụ thể, vị luật sư phân tích: “Hành vi mạo danh cơ quan nhà nước dựng lều bạt để test Covid-19 giả và bán giấy xét nghiệm khống tại sân vận động Mỹ đình là hành vi nguy hiểm cho xã hội, có dấu hiệu tội phạm. Bởi vậy, cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh làm rõ để xử lý về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và hành vi làm giả tài liệu con dấu của cơ quan tổ chức.

Theo quy định của pháp luật thì chỉ có cơ sở y tế có sự cho phép của cơ quan chức năng mới được xét nghiệm Covid-19. Trình tự thủ tục xét nghiệm Covid-19 phải theo trình tự thủ tục luật định, đảm bảo chính tính chính xác, an toàn cho người xét nghiệm và cán bộ y tế. Hành vi xét nghiệm sàng lọc Covid-19 với tổ chức cá nhân không có thẩm quyền, không đúng chức năng, không tuân thủ các quy định về phòng chống dịch bệnh mà gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về khám chữa bệnh.

Với các đối tượng giả mạo cơ sở y tế để thực hiện việc xét nghiệm là hành vi giả mạo trong công tác. Nếu hành vi này nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bởi vậy cơ quan chức năng sẽ làm rõ nhóm đối tượng này đã thực hiện hành vi giả mạo cơ quan chức năng trong việc xét nghiệm Covid-19 như thế nào”.

Theo đó, luật sư Đặng Văn Cường chỉ rõ, trong trường hợp có căn cứ cho thấy hành vi giả mạo cơ sở y tế để thực hiện xét nghiệm Covid-19 và chiếm đoạt số tiền từ 2.000.000 đồng trở lên thì những người này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015. Cơ quan chức năng sẽ thu giữ phiếu xét nghiệm Covid-19 để xác định tài liệu đó có phải do cơ quan nhà nước cấp hay không. Trong trường hợp có căn cứ cho thấy phiếu xét nghiệm đó là do cơ quan có thẩm quyền cấp nhưng cấp không đúng thủ tục, cấp khống (không đủ thông tin) thì người có chức vụ quyền hạn trong trường hợp này sẽ được xác định là đã thực hiện hành vi cấp giấy tờ giả, người cấp giấy tờ giả sẽ bị xử lý hình sự về tội giả mạo trong công tác theo điều 359 Bộ luật Hình sự năm 2015.

ls-dang-van-cuong-1636825530.jpg
Luật sư Đặng Văn Cường trao đổi về hành vi trên.

Trường hợp giấy xét nghiệm Covid-19 không phải do cơ quan có thẩm quyền cấp, đối tượng đã làm giả giấy xét nghiệm của một cơ sở y tế nào đó thì đây là hành vi làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức. Hành vi này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức theo điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Với người đã bỏ tiền ra mua phiếu xét nghiệm đó và điền thêm thông tin của mình vào phiếu xét nghiệm giả thì cũng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm giả tài liệu của cơ, quan tổ chức. Đối với người không làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức nhưng biết rõ là giấy xét nghiệm là giả mà vẫn thực hiện hành vi trái pháp luật thì cũng là hành vi có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.

Pháp luật quy định việc xét nghiệm Covid-19 phải thực hiện tại cơ sở y tế, theo trình tự thủ tục luật định, phải lấy mẫu xét nghiệm, qua thời gian mới trả kết quả... quy trình xét nghiệm được quy định công khai và đã thực hiện 2 năm nay, mọi công dân đều có trách nhiệm phải biết quy trình này. Việc bỏ tiền ra mua phiếu xét nghiệm in sẵn thì người mua có trách nhiệm phải nhận thức rằng đây là “giấy tờ giả” - giả về nội dung và có thể còn giả về hình thức nữa. Biết là giấy tờ giả rồi nhưng vẫn viết thêm vào giấy tờ giả để hoàn thiện thì đó là hành vi làm giả. Cả đối tượng kẻ vẽ, in, photo và đối tượng viết thêm vào giấy tờ giả thì đều là hành vi làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức.

Trường hợp người mua không tự viết mà do người khác viết, điền thông tin cá nhân vào phiếu xét nghiệm in sẵn nhưng biết làm giấy tờ đó giả mạo mà vẫn sử dụng để thực hiện hành vi trái pháp luật thì đây là hành vi sử dụng tài liệu giả. Cả người sử dụng làm giả tài liệu và người sử dụng tài liệu giả đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015.

xet-nghiem-gia2-1636685728984-1636825500.jpg
Theo vị luật sư, cả người bán và người mua, khi đã biết là giấy xét nghiệm khống mà vẫn sử dụng, có thể đều phải chịu trách nhiệm.

Cụ thể tội danh và hình phạt được quy định như sau:

“Điều 341. Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức

1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Làm từ 02 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;

d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;

đ) Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;

b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

c) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng."

Như vậy, đối với các đối tượng giả mạo cơ quan chức năng để bán giấy xét nghiệm Covid-19 giả thì có thể phải đối mặt với hình phạt lên đến 07 năm tù. Ngoài ra với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì cũng sẽ bị xử lý về tội lừa đảo theo quy định tại điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Còn đối với người mua phiếu xét nghiệm giả để điền thông tin mình vào rồi sử dụng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 341 với mức hình phạt có thể đến 02 năm tù.

“Đây là vấn đề hết sức nghiêm trọng có thể đe dọa đến an toàn công cộng, nguy cơ làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Bởi vậy, cơ quan chức năng sẽ xác minh làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp hậu quả dẫn đến làm lây truyền Covid-19 thì các đối tượng này còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm truyền nhiễm cho người theo điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015 với chế tài của tội danh này có thể đến 12 năm tù”, vị luật sư nhấn mạnh.