Gánh lỗ hơn 1.200 tỷ đồng, taxi Mai Linh còn gì để “đấu” với Grab, Be?

Kết thúc năm 2020, Mai Linh lỗ ròng hơn 173 tỷ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế của hãng taxi truyền thống lừng danh một thời này lên đến 1.210 tỷ đồng.

Theo BCTC hợp nhất năm 2020 vừa công bố, CTCP Tập đoàn Mai Linh (MLG) ghi nhận doanh thu thuần giảm 29% so với năm trước, xuống còn 1,574 tỷ đồng. Trong cơ cấu doanh thu, dịch vụ taxi chiếm 74,7% tổng doanh thu năm 2020, giảm 83% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài ra, doanh thu của Tập đoàn Mai Linh còn đến từ các mảng dịch vụ bảo dưỡng, sữa chữa, bán vật tư (5,3%), dịch vụ quảng cáo (4,9%), cung cấp dịch vụ cho thuê phương tiện vận tải, tài sản, mặt bằng (4,8%), số còn lại là nguồn thu từ các dịch vụ khác.

Có thể thấy, hoạt động taxi vẫn là “con gà đẻ trứng vàng” mang lại cho Mai Linh nguồn doanh thu lớn nhất. Tuy nhiên, ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh Covid-19 đã khiến nguồn thu cho mảng này  sụt giảm đáng kể.

Giá vốn ghi nhận gần 1,279 tỷ đồng đã kéo biên lãi gộp xuống còn 295 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ. Trong kỳ, công ty có nỗ lực tiết giảm các chi phí như chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp đều giảm 14%, chi phí bán hàng giảm 28%, tuy nhiên khoản lợi nhuận khác cũng “lao dốc” xuống 88 tỷ đồng, giảm 41%.

Tài chính - Ngân hàng - Gánh lỗ hơn 1.200 tỷ đồng, taxi Mai Linh còn gì để “đấu” với Grab, Be?

Tình hình kinh doanh của Tập đoàn Mai Linh 

Doanh thu không đủ bù đắp chi phí đã khiến “ông hoàng taxi” một thời thua lỗ ròng hơn 173 tỷ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế tính đến cuối năm 2020 lên gần 1,210 tỷ đồng.

Đáng chú ý, khoản nợ phải trả tính đến 31/12/2020 của Tập đoàn Mai Linh lên đến 4.309 tỷ đồng, chiếm 96% tổng tài sản (4.481 tỷ đồng). Trong đó, dư nợ vay ngắn hạn gần 1,054 tỷ đồng (tăng nhẹ) và dư nợ vay dài hạn hơn 452 tỷ đồng (giảm 13%).

Ban lãnh đạo Tập đoàn Mai Linh cho biết, không chỉ chịu áp lực cạnh tranh từ các hãng xe taxi công nghệ, doanh nghiệp còn bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 bùng phát từ tháng 4/2020.

Trong cuộc đua 4.0, taxi truyền thống tại Việt nam đã tỏ ra "hụt hơi" trước các hãng xe công nghệ. Tuy tình hình kinh doanh không mấy sáng sủa, song tập đoàn này vẫn quyết bước vào “sân chơi” taxi công nghệ, tham chiến với các ông lớn công nghệ như Grab, Be,..

Cụ thể, trong năm 2020, Tập đoàn Mai Linh cho ra mắt mô hình xe taxi công nghệ Smart Taxi và SmartCar. Với mô hình này, khách hàng đặt chuyến trên ứng dụng Mai Linh Taxi và đối tác nhận chuyến qua ứng dụng. Toàn bộ cước phí sẽ được tính toán và hiển thị trên ứng dụng điện thoại hoặc đồng hồ thông minh.

Bên cạnh đó, tài xế tham gia dịch vụ taxi công nghệ của Mai Linh không cần gắn đèn mui taxi, sơn lại màu xe. Các đối tác tham gia dịch vụ cũng sẽ được nhận khách tại điểm tiếp thị của hãng, nhận chuyến từ khách hàng doanh nghiệp như tài xế taxi truyền thống.

Theo báo cáo thường niên 2020 của Mai Linh, sau gần 1 năm ra mắt, sản phẩn Smart Car với công nghệ Smart Box đã triển khai tại 58 đơn vị và thu hút được gần 1.000 xe toàn hệ thống. Mặc dù ứng dụng gọi xe đã được tích hợp nhiều tính năng nổi bật, khả năng thanh toán đa dạng, tuy nhiên trong thời gian ứng dụng công nghệ vào hoạt động vận tải vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn.

Sang năm 2021, Tập đoàn Mai Linh đặt mục tiêu doanh thu đạt 1.637 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 36 tỷ đồng. Bên cạnh đó, công ty dự kiến đầu tư thêm 955 xe, thanh lý 1.234 xe cũ và dự kiến tổng số lương phương tiện cuối năm 2021 là hơn 26.000 xe.

Song, với tình hình tài chính hiện nay, Mai Linh phải nỗ lực hết sức mới có thể đạt các chỉ tiêu như kỳ vọng. Và để đối đầu với các "ông lớn" trong ngành taxi công nghệ cũng là một bài toán "cân não" đối với lãnh đạo Tập đoàn Mai Linh.

PHƯƠNG LY - Người Đưa Tin Pháp Luật