Giá đường tăng cao, doanh nghiệp mía đường hưởng lợi

Giá đường tăng cao giúp doanh nghiệp sản xuất đường có kết quả kinh doanh tích cực. Cổ phiếu của các doanh nghiệp này cũng tăng vọt chỉ sau 1 tháng.

Giá đường thế giới tăng lên mức kỷ lục trong hơn 10 năm

Theo TTXVN, còn vài tuần nữa mới đến vụ thu hoạch mía đường ở Australia, song những người trồng mía ở nước này đang có được mức giá "có một không hai" cho vụ mùa của họ.

Trong tháng 4, giá đường thế giới tăng vọt lên hơn 24,5 cent Mỹ mỗi pound (1 pound = 453,5 gram) - cao nhất kể từ năm 2012.

Kinh tế - Giá đường tăng cao, doanh nghiệp mía đường hưởng lợi

Nguồn cung đường toàn cầu bị thắt chặt là nguyên nhân khiến giá đường trên thị trường thế giới tăng cao. Ảnh minh họa.

Tính theo đồng đôla Australia (AUD), giá đã vượt ngưỡng 800 AUD (536 USD)/tấn. Hiệp hội các nhà trồng mía Canegrowers cho biết đây là mức giá chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ.

Theo ông Owen Menkens, Chủ tịch của Canegrowers, chỉ 2 năm trước, giá đường giảm xuống dưới 400 AUD/tấn, thậm chí không đủ chi phí sản xuất cho nhiều người trồng trọt.

Theo ông, đây là khoảng thời gian "khá nghiệt ngã.” Tuy nhiên, hiện con số này đã tăng gấp đôi, với mức giá khá cao lên tới 804 AUD/tấn hồi giữa tháng này. Lần gần nhất giá đường đạt mức 800 AUD/tấn là năm 1980.

Giải thích nguyên nhân giá đường tăng vọt, nhà phân tích hàng hóa Tom McNeil cho biết nguồn cung đường toàn cầu bị thắt chặt sau khi một số quốc gia sản xuất đường lớn nằm ở Bắc bán cầu thông báo sản lượng thấp hơn dự kiến.

Theo ông, vụ mùa đã kém hơn dự kiến ở Ấn Độ, sản lượng cũng kém hơn dự kiến ở Thái Lan và vụ mùa ở Trung Quốc cũng bị giảm sản lượng.

Brazil vừa trải qua một quãng thời gian mưa nhiều và nước này đang gặp vấn đề hậu cần với một lượng lớn đậu tương và ngô cần phải thu hoạch. Vì vậy, việc vận chuyển đường ra khỏi Brazil hiện rất khó khăn.

Phần lớn những người trồng mía đã định giá đường niên vụ 2022, do đó sẽ không thể tận dụng giá cao trong tháng này, tuy nhiên thị trường kỳ hạn có mức giá ấn tượng cho các niên vụ tới.

Kể từ giữa tháng 4/2023, những người trồng mía có thể định giá đường năm 2023 của họ ở mức 756 AUD/tấn và giá đường của năm 2024 ở mức 651 AUD/tấn. Thậm chí, họ còn đang cân nhắc mức giá hấp dẫn cho năm 2025 và 2026.

Trong nước, Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCBS) kỳ vọng giá đường cát (RS) sẽ duy trì cao, dao động trung bình quanh 18.000-18.500 đồng/kg do nhu cầu đường toàn Việt Nam dự kiến tăng nhẹ lên mức 2,3-2,4 triệu tấn/năm; giá đường nhập khẩu kém cạnh tranh sau áp thuế thúc đẩy nhu cầu với đường trong nước.

Giá đường nhập khẩu từ Thái Lan và có nguồn gốc Thái Lan (Lào, Campuchia) sau khi áp thuế chống bán phá giá, ước tính khoảng 22.000 đồng/kg, cao hơn giá đường Trung Quốc, Indonesia và Việt Nam từ 10-15%.

Indonesia và Australia trở thành nguồn cung nhập khẩu đường hiện tại của Việt Nam, tuy nhiên điều này khó duy trì lâu dài do Indonesia không có lợi thế về xuất khẩu đường; diện tích trồng mía tại Australia không đủ lớn để có mở rộng thêm thị trường xuất khẩu cho Việt Nam.

Tuy nhiên trong ngắn hạn, giá đường có thể chịu áp lực do nguồn cung tạm thời đang dư thừa từ tồn kho năm 2022 (xấp xỉ 0,6 triệu tấn); tiềm năng Chính phủ gia tăng thêm hạn ngạch nhập khẩu để bổ sung đường trong nước trong 2023.

“Vị ngọt” đến với doanh nghiệp mía đường

Giá đường tăng cao đã cải thiện lợi nhuận của doanh nghiệp sản xuất mía đường và cổ phiếu của các doanh nghiệp này cũng tăng vọt chỉ sau 1 tháng.

Cụ thể, cổ phiếu ngành mía đường tăng mạnh trong tháng 4, với LSS tăng hơn 54,5%, SBT tăng gần 18%, SLS tăng gần 15%, QNS tăng 9,5%.

Theo Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi (mã chứng khoán QNS), tổng doanh thu quý 1/2023 của công ty đạt 2.208 tỷ đồng, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2022 và bằng 26,3% kế hoạch cả năm; lợi nhuận trước thuế đạt 359 tỷ đồng, tăng tới 72,2% so với cùng kỳ năm 2022 và bằng 29,8% kế hoạch cả năm.

Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn (mã chứng khoán: LSS) tự tin đặt kế hoạch niên độ tài chính 2022-2023, doanh thu đạt 2.166 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 60 tỷ đồng, lần lượt tăng 6% và 20% so với mức thực hiện niên độ trước.

Ban lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, mục tiêu sản lượng mía nguyên liệu niên vụ 2022-2023 tối thiểu là 450.000 tấn mía.

Công ty sẽ xây dựng chính sách phát triển vùng nguyên liệu, hợp tác với các công ty, nông trường có quỹ đất lớn, tập trung khai thác vùng bãi, xây dựng chiến lược về giống, đặc biệt sẽ rà soát diện tích mía đến từng hộ, chuẩn bị tốt cho vụ ép mía 2023-2024.

Doanh nghiệp sẽ theo dõi chặt chính sách của nhà nước đối với ngành đường, bám sát thị trường, đánh giá, phân tích xu thế ngành đường thế giới, nghiên cứu thành lập công ty tại Lào hoặc Campuchia; khai thác hiệu quả thiết bị và công nghệ đã đầu tư vào các nhà máy đường, nhà máy đường phèn, nhà máy điện; đồng thời tiết kiệm năng lượng và nguyên vật liệu trong sản xuất, chế biến, nâng cao hiệu quả sản xuất, chế luyện.

Với Công ty cổ phần Thành Thành Công-Biên Hòa, VCBS cho biết Trung Quốc sẽ mở cửa trong 2023, nhu cầu phục hồi mạnh, song nguồn cung trong nước giảm sẽ giúp Thành Thành Công-Biên Hòa có cơ hội gia tăng xuất khẩu vào thị trường này.

Giai đoạn 2021-2025, Thành Thành Công-Biên Hòa tập trung mở rộng vùng nguyên liệu tại Australia đến 20.000 ha. Tháng 8/2022, doanh nghiệp đưa vào vận hành 1.244 ha, năng suất thu hoạch dự kiến trung bình 900 tấn mía/ngày. Trong niên độ 2022/2023, công ty đẩy nhanh tiến độ với mục tiêu 5.000 ha, đây sẽ là tiền đề để doanh nghiệp mở rộng trong dài hạn.

Theo VCBS, từ tháng 8/2022, Bộ Công Thương đã chính thức áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại 47,64% đối với các sản phẩm đường mía có nguồn gốc Thái Lan từ 5 nước ASEAN (Indonesia, Malaysia, Campuchia, Lào, Myanmar).

Biện pháp này đã bắt đầu phát huy tác dụng bảo hộ đối với ngành đường trong nước kể từ tháng 8, khi sản lượng nhập khẩu đường vào Việt Nam từ Thái Lan, Lào và Campuchia giảm rõ rệt so với cùng kỳ.

Tổng sản lượng đường nhập khẩu cả năm 2022 đã giảm 12,6% so với cùng kỳ, nguồn nhập thay thế chủ yếu đến từ Australia và Indonesia.

Giá thu mua mía từ nhà máy cùng với đó cũng hồi phục tốt về mức trung bình 1,05-1,1 triệu đồng/tấn do khan hiếm nguồn cung. Đây là tiền đề thúc đẩy người nông dân mở rộng vùng nguyên liệu trong các năm tới.

Báo Người Lao Động dẫn thông tin từ Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết, niên vụ 2022 - 2023, ngành mía đường có nhiều dự báo tích cực diện tích trồng và sản lượng mía, sản lượng đường có khả năng đều tăng. Dự kiến, diện tích mía đạt 151.305 ha, tăng 3%; sản lượng mía chế biến đạt 8.764.277 tấn, tăng 16,5%; sản lượng đường đạt 870.930 tấn, tăng 16,6%. Giá mía được kỳ vọng tăng 50.000 - 80.000 đồng/tấn.

Bên cạnh đó, ngành đường Việt Nam đã đặt mục tiêu phấn đấu đến đến 2025 phục hồi vùng nguyên liệu mía quy mô 250.000 ha, đến 2028 đạt quy mô 300.000 ha.

Theo báo Đầu tư, để ngành mía đường Việt Nam có thể tổ chức triển khai, thực hiện thành công các mục tiêu phát triển, VSSA kiến nghị bổ sung cây mía vào nhóm cây trồng thuộc đối tượng hỗ trợ bảo hiểm khi xảy ra thiên tai gây ảnh hưởng đến người nông dân trồng mía theo Nghị định số 58/2018/NĐ-CP của Chính phủ về bảo hiểm nông nghiệp.

Bên cạnh đó, cần các Bộ, ngành chú ý theo dõi, kịp thời đề xuất việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm đường nhập khẩu, tăng cường công tác quản lý thị trường, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và các hành vi tiếp tay buôn lậu đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh đường và chất tạo ngọt.

Đồng thời, các doanh nghiệp mía đường cũng khẩn thiết mong được hỗ trợ thiết lập hệ thống Quản lý truy xuất nguồn gốc các sản phẩm đường quy mô quốc gia để có thể quản lý, đánh giá và nhận diện được các loại đường sản xuất và đóng gói trong nước cũng như đường nhập khẩu và xuất khẩu, có cơ sở nhận diện và mặt hàng đường nhập lậu và gian lận thương mại lưu hành trên thị trường và cho phép kết nối với hệ thống truy xuất nguồn gốc của Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn, cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia trong tương lai.

Ngoài ra, cần phát triển mạnh các hợp tác xã nông nghiệp sản xuất mía liên kết với nhà máy đường; đẩy mạnh công tác xây dựng và phát triển mô hình khuyến nông, xây dựng cánh đồng lớn gắn với thực hiện cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất mía; có biện pháp hiệu quả ngăn chặn tình trạng tranh mua, tranh bán, vi phạm hợp đồng liên kết trong sản xuất, tiêu thụ mía.

Minh Hoa (t/h)