Gia Lâm (Hà Nội) - Kỳ 2: Xe quá khổ quá tải hoành hành, người dân sống thấp thỏm, không yên!

Tình trạng xe quá khổ, quá tải ngang nhiên hoạt động trên địa bàn huyện Gia Lâm, TP Hà Nội diễn ra suốt một thời gian dài nhưng chưa được xử lý dứt điểm khiến người dân phải sống trong bức xúc và lo sợ...
3006-xe-qua-tai-da-suamp4-1-1625641515.jpg

Sau khi đăng tải bài viết: "Hà Nội: Đê Gióng oằn mình cõng xe quá khổ quá tải", tòa soạn Tạp chí Đời sống và Pháp luật đã nhận được thêm nhiều thông tin phản ánh của người dân về tình trạng xe quá khổ, quá tải đang hoành hành trên địa bàn huyện Gia Lâm. Theo phản ánh, thực trạng trên đã tồn tại từ lâu và kéo dài đến tận ngày nay nhưng không được các cơ quan chức năng xử lý dứt điểm, khiến người dân mỗi khi nhắc đến đều lắc đầu ngao ngán.

Một số người dân còn cho biết, việc vi phạm chỉ thuyên giảm trong các đợt ra quân xử lý của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, cứ sau mỗi lần ra quân thì tình trạng trên lại tiếp tục tái diễn và chủ các phương tiện dường như phớt lờ quy định của pháp luật. Họ cho rằng có dấu hiệu của việc "bảo kê, bật đèn xanh" cho những phương tiện vi phạm hoạt động.

Trao đổi với PV về tình trạng trên, Trung tá Võ Trọng Hải, Đội phó đội CSGT TT CA huyện Gia Lâm viện lý do, lực lượng mỏng lại tăng cường cho việc cấp căn cước và phòng chống dịch. Tuy nhiên, sau đó vị này lại "biện minh", những xe tải trên chỉ hoạt động một đoạn ngắn, phục vụ cho một số dự án gần đó. Vị này còn cho biết, việc xử lý vi phạm cũng gặp nhiều khó khăn.

Theo ghi nhận của PV, những phương tiện vận tải hoạt động có dấu hiệu quá khổ, quá tải, phần lớn đều xuất phát từ khu vực bến Lời cạnh đê sông Đuống, thuộc địa phận xã Đặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội).

Được biết, bến Lời là cảng hàng hóa nội địa, trong khu vực bến có nhiều bãi tập kết vật liệu xây dựng, cát, đá sỏi…

Một thời gian có mặt tại khu vực trên, PV phát hiện, sau khi vào "ăn hàng" tại bến Lời, những chiếc xe tải trọng lớn như xe rơ mooc, xe tải lớn thường sẽ chia thành 2 cung đường di chuyển qua đê sông Đuống và đường Ỷ Lan. Từ đây, cung cấp vật liệu xây dựng cho những công trình trên địa bàn.

Điều đáng nói, hầu hết những phương tiện trên đều có dấu hiệu cơi nới thành thùng, chở quá tải trọng quy định, khiến cho một số đoạn đường trên địa bàn huyện Gia Lâm có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng.

Nhiều đoạn bị bong tróc, nứt gãy khiến cho việc tham gia giao thông của người dân gặp khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT.

Bám theo một số xe chở vật liệu xuất phát từ khu vực bến Lời, những chiếc xe tải đầy ắp vật liệu xây dựng luồn lách khắp các cung đường như đường Ỷ Lan, đoạn qua phố Ngô Xuân Quảng, đường Thành Chung… Tuy nhiên, điểm đến của những chiếc xe này là “Công trình xây dựng các tuyến đường giao thông nội bộ của huyện Gia Lâm”.

Ngoài việc chở hàng có dấu hiệu quá khổ, quá tải và rơi vãi vật liệu ra đường thì các phương tiện trên còn di chuyển với tốc độ cao, thậm chí còn vượt đèn đỏ tại các giao lộ, khiến người tham gia giao thông tại khu vực này lo sợ.

Điển hình như chiếc xe đầu kéo BKS 89R - 00769 chúng tôi ghi lại được tại ngã tư Ỷ Lan giao với Nguyễn Huy Nhuận. Hoặc một trường hợp khác ngang nhiên đi vào làn ngược chiều ở đường 17 hướng đi ra quốc lộ 5.

Chính vì vậy, dư luận càng thêm bất bình đặt câu hỏi nghi vấn: Có hay không sự thờ ơ, buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng dẫn đến tình trạng trên.

Trước đó, tại hội nghị Sơ kết quý I của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đã đề nghị cơ quan công an chỉ đạo điều tra, xác minh “xem có ai chống lưng cho xe quá tải hay không’.

“Đề nghị các đồng chí công an chỉ đạo điều tra, xác minh trả lời công luận xem có ai chống lưng cho xe quá tải hay không? Có thì xử lý thật nghiêm, không có thì cũng công bố để dư luận đỡ nghi ngờ”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Nhất Huy - Lê Hoàng/Người Đưa Tin Pháp Luật