Giành sự sống cho người nhiễm Covid-19: Cuộc “chạy đua” giữa lằn ranh sinh tử

"Ở những thời điểm tưởng chừng như tuyệt vọng nhất, chúng tôi vẫn cố gắng động viên anh em, chỉ có mình mới có thể giúp người dân lúc này", bác sĩ Chương tâm sự.

Những đêm “không ngủ”

Tỉnh Bình Dương những ngày cuối năm 2021, khi cuộc sống của người dân quay trở lại trạng thái “bình thường mới”, nhiều người được ngồi cùng nhau nhâm nhi ly cà phê, bạn bè gặp gỡ cười nói.

Các nhà máy xí nghiệp sáng đèn, công nhân bắt đầu đi làm lại, đường xá nhộn nhịp hơn. Nhìn cuộc sống “bình thường mới” nhộn nhịp, chúng tôi lại nhớ về đội ngũ y bác sĩ, những người hùng thầm lặng trong “cuộc chiến” với Covid-19, từng giây, từng phút giành giật với “thần chết” để trả lại sự sống cho hàng chục nghìn ca bệnh.

Để hiểu rõ hơn về những ngày “chiến đấu” cam go đó, Người Đưa Tin đã có cuộc trò chuyện với “tư lệnh” ngành y tế của tỉnh Bình Dương, bác sĩ Nguyễn Hồng Chương - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương để có thêm nhiều góc nhìn trong chặng đường phòng, chống dịch.

Theo bác sĩ Chương, từ những ngày đầu dịch bùng phát tại Tp.HCM, lãnh đạo tỉnh Bình Dương và Sở Y tế đã họp, lên kế hoạch nhiều phương án để sớm có thể khống chế các ổ dịch.

“Tôi nhớ, chùm ca bệnh chúng tôi phát hiện là 2 học sinh ở Tp.HCM về phường Bình Chuẩn, Tp.Thuận An để thăm gia đình vào những ngày cuối tháng 6/2021. Cả hai đều có yếu tố dịch tễ liên quan đến các ca nhiễm ở Tp.HCM đã công bố. Ngành y tế nhanh chóng khoanh vùng xét nghiệm ngay khi những người này cho kết quả nhiễm SARS-CoV-2.

Sự kiện - Giành sự sống cho người nhiễm Covid-19: Cuộc “chạy đua” giữa lằn ranh sinh tử

Bác sĩ Nguyễn Hồng Chương - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương.

Chỉ sau ít ngày, Bình Dương lại có thêm chùm ca bệnh ở Công ty Phúc Đạt, Tp.Dĩ An, nhưng các ca này hơn 10 người đã được khống chế và không lan rộng, tiếp sau đó mới ghi nhận thêm ca nhiễm ở Tp.Thuận An và phường Hiệp Thành, Tp.Thủ Dầu Một”, bác sĩ Chương kể.

“Khi dịch xuất hiện, UBND tỉnh Bình Dương cùng Sở Y tế và lãnh đạo ban ngành, địa phương tổ chức họp khẩn liên tục, đưa ra nhiều phương án để đối phó với dịch. Chúng tôi đã chuẩn bị kịch bản ứng phó nếu xảy ra tình huống: 10 ca nhiễm, trên 100 ca và 300 ca. Nhưng thực tế, khi chủng Delta xuất hiện, mọi kịch bản đều “đổ bể”. Thực sự, chúng tôi không thể lường trước được tốc độ lây lan quá nhanh của biến chủng này.

Từ giữa đến cuối tháng 7/2021, tỉnh Bình Dương xuất hiện hơn 1.000 ca nhiễm, lúc đó lực lượng y tế quá mỏng, chúng tôi đã cố gắng hết sức nhưng vẫn không thể nào khống chế được dịch thời điểm đó”, Giám đốc Sở Y tế Bình Dương cho biết.

“Để ứng phó với dịch, ngành y tế tỉnh lúc đó phải tăng cường làm việc không quản ngày đêm. Đến độ, có những ngày tôi và anh em đồng nghiệp họp từ 21h hôm trước đến 2h sáng hôm sau. Họp xong chúng tôi vào việc ngay, triển khai các phương án như khoanh vùng, test diện rộng, bóc tách F0.

Lúc đó, làm gì có thời gian mà nghĩ đến chuyện ngủ. Ngày nào cũng vậy, 24/24 giờ trong bộ đồ bảo hộ kín mít, đến thở thôi còn khó. Với tâm thế chống dịch, trước tốc độ lây lan dịch quá nhanh, cả ngành y tế Bình Dương khi đó chỉ nghĩ “nhanh, nhanh và nhanh”… đẩy lùi được dịch. Nói không mệt, không uể oải là không đúng, nhưng lúc đó, ngoài chúng tôi ra thì không ai làm được.

Điều trị F0 là xác định có thể nhiễm bất cứ lúc nào, dù tuyến đầu được tiêm vắc-xin, nhưng khoẻ mấy, chiến đấu hoài cũng có lúc đổ gục. Nhưng các y bác sĩ, lực lượng tuyến đầu của Bình Dương đã làm rất tốt, quên mình trước đại dịch. Bản thân tôi rất trân quý đồng nghiệp và các lực lượng hỗ trợ, cảm ơn tất cả đã đồng lòng”, bác sĩ Chương tâm sự.

Sự kiện - Giành sự sống cho người nhiễm Covid-19: Cuộc “chạy đua” giữa lằn ranh sinh tử (Hình 2).

Những ngày đầu ca nhiễm xuất hiện ở Bình Dương, lãnh đạo địa phương lên phương án khoanh vùng dập dịch.

“Ánh sáng cuối đường hầm”

Từ những ngày đầu tỉnh Bình Dương ghi nhận ca nhiễm hơn 1.000, UBND tỉnh đã lên phương án thành lập bệnh viện dã chiến tiếp nhận hơn 10.000 người. Nhưng, sau đó phương án bị “vỡ” khi số ca tăng liên tục, từ 10.000 lên đến 20.000 và có đỉnh điểm là 70.000 ca.

Trong tháng 8/2021, mỗi ngày Bình Dương ghi nhận hơn 1.000 F0 và có thời điểm ghi nhận hơn 6.000 ca F0/ngày. Tỉnh này phải tiếp tục mở rộng các bệnh viện dã chiến, đưa ra phương án đối phó với 100.000 đến 150.000 ca nhiễm F0 và phân tầng điều trị.

Nói về những ngày tháng “đậm đặc” F0 trong khi cơ sở vật chất thiếu thốn, nhân lực hạn chế và chưa tìm ra phương pháp điều trị thích hợp, Giám đốc Sở Y tế Bình Dương gọi đó là “những ngày đen tối”.

Sự kiện - Giành sự sống cho người nhiễm Covid-19: Cuộc “chạy đua” giữa lằn ranh sinh tử (Hình 3).

Nhiều bệnh nhân nhiễm Covid-19 trở nặng được y bác sĩ tích cực cứu chữa.

“Tôi phải nói đó là những ngày thực sự đen tối, tối đến mức một người là tư lệnh ngành như tôi thấy người dân nhiễm, bạn bè nhiễm mà lòng buồn và cảm thấy bế tắc vô cùng. Tôi cảm giác như mình đang đi vào con đường hầm mà không thấy lối ra. Lúc đó, áp lực lắm, F0 thì không ngừng gia tăng, mọi thứ đều mù mờ, ít vắc-xin, chưa có phương án điều trị tốt. Đã có những ca tử vong, khiến chúng tôi vô cùng đau lòng”, bác sĩ Chương nhớ lại.

“Vẫn nhớ lần Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm làm việc ở Bình Dương, Phó Thủ tướng hỏi đầu tháng 9, Bình Dương khống chế được dịch không, lúc đó mọi người đều nhìn qua tôi. Tôi lắc đầu. Bởi vì, khi đó mọi thứ còn mù mờ lắm”, Giám đốc Sở Y tế Bình Dương ngậm ngùi.

Về việc điều trị F0, bác sĩ Chương cho hay: “Phải thực sự cảm ơn các tỉnh bạn, các y bác sĩ ở nhiều nơi đã đến Bình Dương hỗ trợ, trong đó có bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, người cực kỳ tâm huyết trong công tác phòng dịch. Nhờ sự hỗ trợ đó, tỉnh Bình Dương như được tiếp thêm sức mạnh, đồng loạt ra quân bóc tách F0, có được phác đồ điều trị, sau đó ca xuất viện nhiều hơn”.

Sự kiện - Giành sự sống cho người nhiễm Covid-19: Cuộc “chạy đua” giữa lằn ranh sinh tử (Hình 4).

Bình Dương tổ chức tiêm chủng vắc-xin và dần mở cửa trở lại.

Giữa những ngày gian khó ấy, bản thân vị Giám đốc Sở Y tế không chỉ chịu áp lực về công việc, áp lực về việc chạy đua thời gian mà còn “gánh” thêm cả áp lực dư luận. “Thực sự, khi đại dịch bùng phát, mỗi ngày tôi phải ký vài chục văn bản điều hành, trực tiếp đến các điểm điều trị F0 để theo dõi, động viên đội ngũ tuyến đầu…

Nhưng, nhiều người vẫn dùng lời lẽ không hay để nói về công tác chống dịch, thậm chí có những người còn đe doạ, đòi tìm đến nhà tôi để đốt nhà, xử lý người thân của tôi… Lúc đó, tôi căng thẳng, áp lực lắm. Nhưng rồi, mọi sự nỗ lực đã được đền đáp khi ca dịch giảm”, ông tâm sự.

Sự kiện - Giành sự sống cho người nhiễm Covid-19: Cuộc “chạy đua” giữa lằn ranh sinh tử (Hình 5).

Nơi điều trị cho hơn 20.000 nghìn F0.

“Trong đại dịch vừa qua, phải đến cuối tháng 9 tôi mới thấy ‘ánh sáng cuối đường hầm’. Khi đó, Bình Dương bước đầu thành công chống dịch nhờ phân chia các khu vực Nam - Bắc, phong toả các khu vực ‘vùng đỏ đậm đặc’, thực hiện thành công chiến dịch bóc tách F0. Đặc biệt là sự hỗ trợ của Chính phủ, Bộ Y tế khi cấp phát vắc-xin cho Bình Dương, tỉ lệ tiêm chủng cao, ca nhiễm giảm và lúc này, tôi cùng đồng nghiệp mới dần thở phào nhẹ nhõm”, bác sĩ Chương nói.

“Tôi xin nhận lỗi khi đã không thể cứu thêm được nhiều người hơn nữa”

“Hiện nay, tuy ca nhiễm giảm, dân số sinh sống ở Bình Dương đã tiêm vắc-xin đạt tỉ lệ cao. Nhưng, tôi vẫn luôn đau đáu khi đã có rất nhiều nạn nhân không qua khỏi. Ngành y tế và tuyến đầu đã mất đi 3 người, gần 600 y, bác sĩ và lực lượng hỗ trợ bị nhiễm Covid-19. Đặc biệt là hơn 2.000 người tại Bình Dương đã tử vong, đây là những con số mất mát vô cùng đau thương không gì có thể khỏa lấp nổi.

Tôi xin nhận lỗi khi đã không thể cứu thêm được nhiều người hơn nữa, mong gia đình các nạn nhân có người mất trong đại dịch Covid-19 sớm vượt qua đau thương, mất mát này. Cuộc sống bình thường mới bắt đầu, chúng ta hãy cùng nhau chung tay, nâng cao ý thức phòng dịch, luôn tuân thủ 5K. Chúng ta sẽ sớm vượt qua đại dịch, sẽ không còn những ca nhiễm. Tôi luôn mong mọi người bình an”, bác sĩ Nguyễn Hồng Chương - Giám đốc Sở Y tế Bình Dương nói.