Giờ cao điểm, đi xe máy lên vỉa hè có bị phạt?

Tại các thành phố lớn, trong giờ cao điểm, nhiều người đi xe máy thường leo lên vỉa hè để đi cho nhanh, tránh bị kẹt xe. Vậy hành vi này có bị phạt hay không?

Đi xe máy trên vỉa hè bị xử phạt bao nhiêu?

Vỉa hè là một phần quan trọng trong cấu trúc không gian đô thị. Đó là không gian chuyển tiếp giữa nhà phố, đường phố và có chức năng rõ ràng. Theo quy định của pháp luật, vỉa hè (hè hay hè phố) là bộ phận của đường đô thị, phục vụ chủ yếu cho người đi bộ và kết hợp là nơi bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị dọc tuyến.

Theo khoản 1 Điều 9 Luật Giao thông đường bộ 2008, người tham gia giao thông phải đi bên phải theo chiều đi của mình, đi đúng làn đường, phần đường quy định và phải chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ.

Bên cạnh đó, theo khoản 3 Điều 6 Nghị định 100/2019 được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/2021: Với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy leo lề, vỉa hè sẽ bị xử phạt từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng, trừ trường hợp điều khiển xe đi qua hè phố để vào nhà.

Trong khi đó, đối với xe ô tô khi đi lên vỉa hè, lái xe sẽ bị xử phạt từ 4-6 triệu đồng theo điểm đ, khoản 5, điều 5 của Nghị định 100/2019 được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/2021.

Như vậy, theo quy định trên thì khi tham gia giao thông kể cả trong giờ cao điểm người điều khiển xe máy không được chạy leo lề, vỉa hè, trừ trường hợp điều khiển xe đi qua hè phố để vào nhà.

Đi xe máy vào đường ngược chiều bị xử phạt như thế nào?

Khoản 5, Điều 6 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (Nghị định số 100/2019/NĐ-CP) được sửa đổi bổ sung bởi Điểm c Khoản 4 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ như sau:

5. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều”, trừ hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 6 Điều này và các trường hợp xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định;

b) Không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ.

Điểm b, Khoản 10 Điều 6 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ như sau:

10. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

b) Thực hiện hành vi quy định tại điểm b, điểm e, điểm i khoản 3; điểm e, điểm g, điểm h khoản 4; khoản 5 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng;

Khoản 4, Điều 81 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định về tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt như sau:

4. Trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, nếu cá nhân, tổ chức vẫn tiến hành các hoạt động ghi trong giấy phép, chứng chỉ hành nghề thì bị xử phạt như hành vi không có giấy phép, chứng chỉ hành nghề.

Như vậy, đi xe máy vào đường ngược chiều có thể bị xử phạt từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng. 

Minh Hoa (t/h)