Giữa mùa đông trên biển Chết, du khách Việt ngâm mình và tắm biển

Khi chúng tôi đi từ Amman Jordan sang Jerusalem Israel thì chúng tôi đã mục sở thị biển Chết.

Có thể nói đây là nơi có độ sâu sâu nhất thế giới. Vì mặt nước của biển Chết nằm ở độ sâu 427m so với mực nước biển. Số liệu này là theo sách vở nhưng khi chúng tôi đến điểm dừng gọi là ngang mực nước biển Địa Trung Hải thì trên bảng chỉ dẫn hiện lên con số 390m.

Điểm đến trên vùng đất của Vương quốc Jordan.

Biển Chết có thể xem là một hồ nước mặn nằm giữa 3 nước Jordan, Israel và Palestine có chiều dài lên tới 76km. Chỗ rộng nhất gần 20km. Trong những năm gần đây, diện tích biển Chết ngày càng thu hẹp… Thế giới đang lo lắng và tìm cách cứu biển Chết với những dự án phải chi tiêu hàng tỷ đô la Mỹ.

Vì sao vùng biển này có tên là biển Chết? Lý do khá đơn giản, vì biển này có độ mặn rất cao lên tới 33,7% nên hầu như không có sinh vật nào sống nổi ở đây, bởi vậy gọi là biển Chết cũng không có gì lạ.

Nghệ sỹ điện ảnh Đức Lưu cũng tham gia đoàn tôi.

Biển Chết nhưng đầy sức sống

Biển Chết được xem như một trong những nơi nghỉ dưỡng để chữa bệnh và nghiên cứu y học lý tưởng bậc nhất thế giới, bởi nó hội tụ rất nhiều yếu tố tuyệt vời như thành phần nước biển chứa rất nhiều khoáng chất; không khí trong lành, rất hiếm các loại vi khuẩn, phấn hoa, và các tác nhân gây dị ứng, áp suất khí quyển cũng cao hơn các nơi. Bởi vậy theo sử sách, biển Chết là nơi vua David từng ẩn náu và từ trước công nguyên, đây đã là nơi nghỉ dưỡng của Herod Đại Đế, có thể coi đây là khu nghỉ dưỡng đầu tiên của thế giới.

Ngày nay, ta có thể tìm thấy nhiều thương hiệu về resort, khách sạn nổi tiếng thế giới có mặt quanh biển Chết.

Du khách có thể xuống tắm biển Chết ở nhiều nơi, từ Palestine, từ Israel hay từ Jordan. Trên lãnh thổ Israel thì có thể tham quan biển Chết tại khu vực pháo đài cổ Masada, ngành du lịch nơi đây khá phát triển với hàng loạt các khu resort cao cấp xây dựng rất sang trọng. Các bãi tắm được đầu tư kỹ lưỡng thu hút du khách khá đông.

Nhưng chúng tôi đã lên sẵn kế hoạch dành cho buổi tắm biển khá đặc biệt này trên đất Jordan sau khi đã có kỳ nghỉ Giáng sinh thật ý nghĩa ở Bethlehem, Jerusalem.

Vượt qua khu phi quân sự từ Israel về Jordan với nhiều thủ tục cũng khá mệt mỏi nên khi đến khu resort Amman của Jordan thì ai nấy đều hồ hởi dừng chân.

Trong hàng loạt khu resort chúng tôi dừng lại ở Amman Beach tourism resort.

Amman beach tourism resort ghi rất rõ nơi đây có nhà hàng ăn uống và bãi tắm cho du khách. Anh Hoàng Việt - hướng dẫn viên của Migola cho biết, nếu đoàn dừng lại có ăn uống và nghỉ lại thì được xuống tắm thoải mái, còn du khách qua đường muốn xuống tắm thì phải mua vé khoảng vài chục dinar Jordan. (Một dinar ngót nghét ba chục ngàn) rồi tiền thuê quần áo bơi cũng không rẻ khoảng 5 dinar, nhưng đã đến đây ai cũng muốn xuống biển tắm. 

Giữa mùa đông trầm mình trong biển mặn

Những ngày cuối cùng của tháng 12 vừa rồi, nếu không đến đây có thể bạn không dám tin, cả đoàn chúng tôi từ Hà Nội, Đà Nẵng, Sài Gòn sang đủ lứa tuổi nam, phụ, lão ấu, già nhất 80, trẻ nhất là mấy cháu gái đang học trung học con một gia đình thương gia ở Sài Gòn đều lao xuống biển Chết. Thực ra nếu đọc trên mạng thì cũng lo lo.

Những trải nghiệm không quên tại biển Chết
 
 Người ta đồn rằng, có chàng trai bị "xì hơi" khi đang tắm tại biển Chết. Theo nguyên tắc vật lý, hơi thoát ra từ hậu môn và áp suất chênh lệch sẽ đẩy nước biển vào bên trong, gây tổn thương hậu môn. Có người nói họ phải trải qua cảm giác mắt cay xè vì dính nước khi tắm biển Chết. Cô Dany viết trên báo rằng, cô không thể lấy tay dụi mắt trong khi hai bàn tay ướt nước biển, nước mắt chảy ra giàn giụa. Mắt đỏ hoe và đau đớn suốt ngày hôm đó.

Một blogger trang Places People Stories kể lại rằng, cô cảm thấy da đau rát ngay khi bước xuống nước. Nữ du khách này mắc sai lầm khi cạo lông chân vào đêm trước. Những vết xước nhỏ trên thân thể của cô cũng bị xót khi chạm nước biển. Chỉ sau 10 phút ngâm mình dưới nước, cô phải lên bờ vì không thể chịu nổi cảm giác rát khắp cơ thể.

Cả đoàn chúng tôi lao xuống biển Chết.

Đọc tài liệu trên mạng nghe cũng sợ, chúng tôi cũng trao đổi với nhau để chủ động đề phòng, song khi đã cởi áo ra lội xuống nước thì khá yên tâm, thấy người xuống trước cười tươi tìm cách tự nổi thì người sau cũng vươn theo. Sau khi ngồi xem nhóm các bà Hà Nội, đa số ở tuổi về hưu ngâm mình xong chụp ảnh cho nhau, nhóm mấy gia đình ở Sài Gòn giúp nhau tự nổi tôi mới tự tin bước xuống.

Lúc đầu đi chân trần cũng ngại dẫm lên các tảng muối sắc cạnh sợ đứt chân, song thấy cũng chẳng sao nên tôi thử bơi, bơi sấp rồi bơi ngửa, rồi buông tay để tự nổi như mọi người. Khi tôi đang ngâm mình thì một sô người đã lên bờ xoa bùn. Bùn ở đây cũng phải mua.

Ngâm mình trong nước rồi lại xoa bùn lên khắp người.
 
Đúng 30 năm trước, các nhà khoa học tại phòng nghiên cứu Ahava Dead Sea đã nghiên cứu về tác dụng của muối và bùn biển Chết lên da. Họ tìm ra các hợp chất khoáng cải thiện đáng kể sự trao đổi chất của tế bào.

Trong bùn biển Chết có hàm lượng khoáng rất cao. Sử dụng bùn biển Chết có tác dụng cung cấp các nguyên tố vi lượng cho da. Tiêu biểu như: nguyên tố lưu huỳnh giúp vô hiệu hóa độc tố trong da. Kẽm giúp điều hòa hoạt động của các tế bào, điều tiết hoạt động của tuyến bã nhờn. Sắt có khả năng đẩy nhanh quá trình trao đổi chất tại lớp da, giúp da sáng hồng tự nhiên...

Tất nhiên, nhiều người đã mua bùn về làm quà, tôi đọc thông tin trên mạng thấy quảng cáo bùn biển Chết nhập từ Mỹ 100gr giá bán ở Viêt Nam là 120.000 đồng, chữa nhiều thứ bệnh ai mua gọi cho số 0974721xxx.. Bởi vậy, được đến tận nơi các chị càng yên tâm mua được hàng thứ thiệt tại gốc. Chắc chắn đó là món quà làm đẹp quý giá của chuyến đi.

Đến biển Chết, nhưng ai cũng như đang tìm thấy niềm vui trong cuộc sống! Biển Chết đang là nơi làm đẹp cho nhiều người! Thế giới đang chung sức đào kênh dẫn nước từ Hồng Hải về giúp biển Chết hồi sinh.

Theo Nguyễn Lương Phán/ Dân trí