Tỉ lệ tiết kiệm “tượng trưng”
Theo kết quả rà soát ngẫu nhiên 16 gói thầu trong giai đoạn 4 năm (từ 2018-2021), phóng viên Đời sống & Pháp luật nhận thấy, duy nhất gói thầu có tỉ lệ tiết kiệm cao hơn 1% (còn lại 15/16 gói có tỉ lệ tiết kiệm dưới 1%). Theo đó, tổng số tiền dự toán của 16 gói thầu này là 118.949.369.000 đồng (Một trăm mười tám tỷ, chín trăm bốn mươi chín triệu, ba trăm sáu mươi chín nghìn đồng), giá trúng thầu là 118.508.472.000 đồng (Một trăm mười tám tỷ, năm trăm linh tám triệu, bốn trăm bảy mươi hai nghìn đồng), tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước 440.897.000 đồng (Bốn trăm bốn mươi triệu, tám trăm chín mươi bảy nghìn đồng - tương đương tỉ lệ tiết kiệm là 0,37%).
Trong 16 gói thầu ngẫu nhiên được rà soát, có thể kể đến một số gói thầu có tỉ lệ tiết kiệm siêu thấp, chỉ “tượng trưng” ở mức 0,11-0,12%, thậm chí, có gói còn tiết kiệm 0 đồng.
Cụ thể, có thể kể đến gói thầu số 4: “Mua sắm trang thiết bị y tế cho các cơ sở y tế công lập trực thuộc”, được ông Từ Quốc Tuấn (Giám đốc sở Y tế An Giang) ký phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu cho tổng công ty Kinh tế kỹ thuật công nghiệp quốc phòng (địa chỉ: số 102 Kim Mã Thượng, phường Cống Vị, quận Ba Đình, TP.Hà Nội), theo Quyết định 2440/QĐ-SYT ngày 03/9/2019. Ở gói thầu này, giá dự toán là 34.897.000.000 đồng, trong khi đó, giá trúng thầu là 34.799.000.000 đồng, tức là chỉ tiết kiệm 98.000.000 đồng (tương đương 0,28%).
Ngày 17/12/2019, Giám đốc sở Y tế An Giang ký Quyết định 4015/QĐ-SYT phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu đối với 3 gói thầu thuộc dự toán “Mua sắm trang thiết bị y tế cho các đơn vị y tế công lập trực thuộc”. Trong đó, gói thầu số 1: “Trang thiết bị y tế cho gây mê, hồi sức, cấp cứu, nội soi và chống nhiễm khuẩn” phê duyệt cho công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương CODUPHA (địa chỉ: lầu 2, 3, 4, 5, 6 tòa nhà 509-515, đường Tô Hiến Thành, phường 14, quận 10, TP.Hồ Chí Minh) với giá trúng thầu là 9.666.000.000 đồng. Gói thầu này có giá dự toán là 9.696.000.000 đồng, nên chỉ tiết kiệm 30.000.000 đồng (tỉ lệ tiết kiệm là 0,31%).
Trong gói thầu “Mua sắm giường bệnh và giường hồi sức cấp cứu cho các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh - Nguồn vốn: Sự nghiệp y tế năm 2018 của tỉnh” thuộc dự toán “Mua sắm trang thiết bị y tế cho các đơn vị y tế năm 2018 theo hình thức mua sắm tập trung (đợt 2)” được ông từ Quốc Tuấn ký phê duyệt cho công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (địa chỉ: số 69 Tuệ Tĩnh, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trung, Hà Nội) tại Quyết định số 1916/QĐ-SYT ngày 17/12/2018, giá trúng thầu là 21.675.000.000 đồng, tỉ lệ tiết kiệm cũng chỉ ở mức “tượng trưng” là 0,42%.
Đáng chú ý, ngày 29/5/2020, Giám đốc Từ Quốc Tuấn đã ký Quyết định 440/QĐ-SYT phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu số 33: “Cung cấp và lắp đặt máy sốc tim và máy monitor theo dõi bệnh nhân 6 thông số” thuộc dự án “Mở rộng bệnh viện Tim mạch An Giang” cho công ty Cổ phần Trang thiết bị y tế An Giang (địa chỉ: số 271/1A, đường Hùng Vương, phường Mỹ Long, TP.Long Xuyên, An Giang), với tỉ lệ tiết kiệm là 0%.
Mặc dù vẫn chưa tiến hành rà soát hết toàn bộ các gói thầu trong giai đoạn này, song, với hàng loạt gói thầu tỉ lệ tiết kiệm rất thấp có thể cho thấy, sở Y tế An Giang đang sử dụng “triệt để” nguồn vốn đầu tư công.
Cần xem xét lại
Liên quan đến vấn đề này, luật sư Mai Quốc Việt (đoàn luật sư TP.Đà Nẵng) cho biết: “Hoạt động đấu thầu được triển khai mục đích đầu tiên là nhằm lựa chọn được nhà thầu có đầy đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện dự án đạt chất lượng, và tiếp đến là chi phí thực hiện phù hợp, tiết kiệm được cho chủ đầu tư.
Do vậy, khi đưa ra các tiêu chí để lựa chọn nhà thầu thì ngoài các điều kiện về năng lực, kinh nghiệm, kỹ thuật phù hợp với yêu cầu của gói thầu thì giá chỉ là một phần tiêu chí.
Lĩnh vực y tế là một lĩnh vực được toàn bộ xã hội rất quan tâm, bởi ảnh hưởng trực tiếp đến việc bảo vệ sức khỏe, tài sản của người dân. Việc nhiều gói thầu trúng thầu sát giá, tỉ lệ tiết kiệm thấp tại một chủ đầu tư đặt ra mối lo về đấu thầu chưa thực sự cạnh tranh.
Đây là sự bất thường trong hoạt động đấu thầu, nếu diễn ra phổ biến, thường xuyên thì các cơ quan chức năng cần tăng cường việc giám sát, thanh tra, kiểm tra”.
Đề cập đến nguyên nhân của tình trạng những gói thầu “siêu tiết kiệm”, vị luật sư phân tích: “Nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ tiết kiệm, giảm giá của đấu thầu thấp có thể do vùng thực hiện gói thầu không thuận lợi, hiệu quả kinh tế không cao, nên không thu hút được nhà đầu tư; giá trị, quy mô gói thầu không lớn, nên ít doanh nghiệp tham gia,… Ngoài ra, nếu công tác thiết kế, lập dự toán chi phí bám sát được giá thị thường, chủ đầu tư công tâm, khách quan thì mức giá cũng không giảm được nhiều.
Tuy nhiên, trường hợp gói thầu đấu thầu rộng rãi thông thường, ít đơn vị tham gia mà tỉ lệ tiết kiệm chỉ dưới 1%, có trường hợp 0%, thì trong nhiều trường hợp, cần phải xem xét lại, tránh sự khuất tất, không khách quan, công bằng khi lựa chọn nhà thầu”.
Theo luật sư Mai Quốc Việt, hệ lụy đặt ra trong những trường hợp này, có thể nhìn thấy là hiệu quả kinh tế không được đảm bảo cho chủ đầu tư: “Bên cạnh đó, với việc cạnh tranh không lành mạnh, những nhà thầu có kinh nghiệm, kỹ năng bị loại bỏ, giảm động lực cạnh tranh, đổi mới, phát triển của doanh nghiệp, xã hội.
Ngoài ra, tạo ra cơ chế quan liêu, nhũng nhiễu từ một số bộ phận, và đặc biệt nếu xảy ra tình trạng vi phạm đấu thầu (nếu có) làm cho giá trị hàng hóa, vật tư y tế không giảm thì vô hình trung người dân, bệnh nhân khi sử dụng dịch vụ phải chịu mức phí cao, gây thiệt hại về kinh tế vốn đã eo hẹp”.
“Cần minh bạch, công khai thông tin của hoạt động đấu thầu; chủ đầu tư khi xây dựng hồ sơ mời thầu cần khách quan, không đưa ra các tiêu chí để hạn chế nhà thầu; cơ quan chức năng, người dân, doanh nghiệp cần tăng cường hoạt động giám sát, kiểm tra; và xử lý thật nghiêm khắc các hành vi vi phạm trong lĩnh vực đấu thầu”, vị luật sư nhấn mạnh.
Tuệ Linh