Gửi gần 6 tỷ vào ngân hàng OCB, khách tá hoả khi được thông báo là sổ giả?

Sau khi gửi gần 6 tỷ đồng vào sổ tiết kiệm tại Ngân hàng TMCP Phương Đông để nhận lãi, nhiều năm sau người dân ngã ngửa khi Ngân hàng thông báo rằng sổ tiết kiệm là giả và không trả lãi.

Khách giao dịch tại ngân hàng?

Vừa qua, bà Huỳnh Tuyết Hằng (SN 1972, ngụ quận 1, TP.HCM) đã gửi tố cáo Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) và cầu cứu cơ quan báo chí về việc tiền tiết kiệm gần 6 tỷ đồng của mình “không cánh mà bay” còn bị phía ngân hàng OCB “phủi” trách nhiệm.

Theo trình bày của bà Hằng, ngày 07/9/2011, bà đến Hội Sở Ngân hàng TMCP Phương Đông tại địa chỉ: 41-45 Lê Duẩn, phường Bến Nghé, quận 1, Tp.HCM để gửi số tiền 150.000.000 đồng vào tài khoản 0111100000503xxx.

Tại đây, nhân viên OCB tên Vũ Phương Thảo giới thiệu là Ngân hàng đang có chương trình tiền gửi với lãi suất ưu đãi được tính từ ngày 12/3/2012 và đưa cho bà Hằng thông báo số 54/2011-TB-OCB-DCTC&DNT do ông Hoàng Kiều Phong ký.

Sau đó, bà Hằng đã đồng ý mở tài khoản tiết kiệm với số tiền 300.000.000 đồng được trích từ tài khoản tiền gửi tại OCB với lãi suất 13%/năm. Đến ngày 3/12/2012, OCB có xác nhận số dư tiền gửi. Việc xác nhận này do ông Hoàng Kiều Phong ký.

Vì nhận lãi hàng tháng đúng kỳ hạn nên bà Hằng tiếp tục tin tưởng OCB và vào ngày 8/6/2016 bà Hằng đã đến Hội sở OCB nộp thêm số tiền 700.000.000 đồng. Tại đây, bà Hằng được giao hợp đồng gửi tiền bản chính và có đóng dấu của Ngân Hàng OCB ngay tại địa chỉ 41-45 Lê Duẩn, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM. Theo bà Hằng mọi giao dịch tại trụ sở của OCB đều công khai giấy tờ rõ ràng.

Một cuốn sổ tiết kiệm bà Hằng gửi vào ngân hàng OCB nhưng bị cho là giả, mặc dù vẫn được trả lãi.

Vẫn nhận lãi đều đặn sau khi gửi 1 tỷ đồng, bà Hằng quyết định nộp thêm 4.900.000.000 đồng (Bốn tỷ chín trăm triệu đồng) vào ngày 21/6/2016 cũng tại Hội sở OCB. Việc giao nhận tiền cũng tại Ngân Hàng và nhận lại hợp đồng được ký kết giữa Ngân Hàng Phương Đông chi nhánh quận 1 bản chính .

Theo thông tin bà Hằng cung cấp thì bà này đã gửi lần lượt 3 hợp đồng do OCB phát hành, bao gồm: Ngày 08/06/2016 số tiền: 700.000.000 đồng (Bảy trăm triệu đồng); ngày 21/06/2016 số tiền: 4.000.000.000 đồng (Bốn Tỷ đồng); và ngày 21/06/2016 số tiền: 900.000.000 đồng (Chín trăm triệu đồng). Tất cả đều do ông Đinh Đức Quang, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông ký.

Ba hợp hồng này được gộp lại thành 2 sổ tiết kiệm với số tiền 5,7 tỉ đồng. Trong đó một sổ do bà Huỳnh Tuyết Hằng đứng tên với giá trị 4,7 tỷ đồng. Sổ còn lại do chồng bà Hằng là Ngô Vĩnh Thắng đứng tên với giá trị 1 tỷ đồng (bao gồm 100 triệu đồng tiền lãi).

Sổ thật biến số giả, ngân hàng vẫn trả lãi?

Cũng theo thông tin từ Hằng trong thời gian bà này gửi tiền thì Ngân hàng đã trả lãi đều đặn theo định kỳ vào tài khoản cá nhân của bà mở tại OCB số 0111100000503xxx và tài khoản của Vietcombank số 007100412xxx từ ngày 12/3/2012 đến tháng 01/2018. Trong tài khoản của bà vẫn còn những thông tin sao kê liên quan.

Tuy nhiên, bất ngờ từ tháng 1/2019 thì OCB đã không gửi tiền lãi cho bà Hằng, do tưởng rằng có trục trặc nhưng mãi đến tháng 8/2019 vẫn không nhận được tiền nên bà đã đến OCB để hỏi.

Ngay sau đó, Ngân hàng OCB trả lời là 2 sổ tiết kiệm của bà trong thời gian qua là sổ giả và đổ hết trách nhiệm cho người có tên Vũ Phương Thảo (nhân viên OBC tại thời điểm bà Hằng gửi tiền). OCB cũng ban hành bản số 398A/2020/CV-OCB ngày 30/3/2020 để trả lời thông tin về việc sổ giả của bà Hằng.

Tá hoả bà Hằng yêu cầu làm việc nhưng OCB cho rằng không phải trách nhiệm của mình nên không giải quyết.  “Đến tháng 9/2018 khi đến kỳ rút lãi/rút tiền thì tôi không liên lạc được với nhân viên Vũ Phương Thảo, liên hệ đại diện phía Ngân hàng thì được thông báo là sổ giả và nhân viên Vũ Phương Thảo đã nghỉ việc. Tôi đã nhiều lần đến ngân hàng nhưng đều không được giải quyết. Ngân hàng Phương Đông chối bỏ hết tất cả những gì tôi khiếu nại và không hề đưa ra bất cứ giải pháp gì để khắc phục việc tiền của khách hàng gửi tại OCB không cánh mà bay”, bà Hằng cho biết.

Bà Hằng gửi đơn tố cáo lên OBC thì vào ngày 23 và 25/3/2020, thông báo thẩm quyền giải quyết đơn tố cáo không thuộc Ngân hàng này và đề nghị bà Hằng gửi đơn đến PC02 (Công an TP.HCM).

Phía ngân hàng OCB cho rằng không giải quyết khiếu nại của bà Hằng vì không đúng thẩm quyền.

“Bà Vũ Phương Thảo đã bị cơ quan có thẩm quyền khởi tố về hành vi lừa đảo và chiếp đạt (viết đúng là “chiếm đoạt” – PV) tài sản và CA TP.HCM (PC – 02 Đội 8) đang tiến hành điều tra, xử lý theo quy định. Trên cơ sở xác minh và điều tra của CA TP.HCM, bà Thảo tự làm giả các hồ sơ, giấy tờ để thực hiện hành vi lừa đảo, không liên quan đến Ngân hàng Phương Đông”, trích văn bản của OCB gửi bà Huỳnh Tuyết Hằng.

Cũng theo thông tin từ nạn nhân thì, mặc dù OCB chối bỏ hết trách nhiệm với khách hàng thế nhưng hiện hữu Ngân hàng TMCP Phương Đông vẫn thu phí tham gia tiết kiệm TM gói vàng hàng tháng của bà Hằng.

Vụ việc xảy ra khiến dư luận không khỏi thắc mắc, khi người dân đến giao dịch tại thời điểm trên thì có phải là nhân viên của ngân hàng OCB, phía ngân hàng bảo mật thông tin và quản lý như thế nào lại để xảy ra tình trạng sổ “thật - giả” lẫn lộn. Ngoài ra nếu sổ giả thì việc trả lãi thường xuyên trong thời gian dài là như thế nào, trách nhiệm của OCB ra vào vẫn là cầu trả lời chưa được giải đáp?

PV đã liên hệ với Ngân hàng TMCP Phương Đông để tìm hiểu thông tin nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi. Về sự việc trên, chúng tôi cũng đã liên hệ với đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để tìm hiểu các thông tin liên quan. PV sẽ tiếp tục thông tin.