1.Trại giam Xuân Phước đóng quân trên địa bàn giáp ranh giữa 3 xã Xuân Phước, Xuân Quang 1 và Xuân Quang 3 thuộc khu vực miền núi của huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên, cách trung tâm thành phố Tuy Hoà hơn 60km. Đây là vùng đặc biệt khó khăn, tình hình ANTT tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp về dân tộc, tôn giáo. Đơn vị được giao tiếp nhận, quản lý giam giữ số đối tượng thuộc loại chống phá quyết liệt, thường xuyên vi phạm nội quy, kỷ luật từ các trại giam khác chuyển đến. Phần lớn số phạm nhân này nhân thân, gia đình không quan tâm thăm gặp, thậm chí từ bỏ. Chính vì vậy, họ luôn tìm cách chống đối, trốn trại, vi phạm nội quy. Thêm vào đó, số đối tượng phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia là người dân tộc thiểu số ở các tỉnh Tây Nguyên luôn có diễn biến tâm lý phức tạp, trình độ văn hoá thấp, nói tiếng phổ thông chưa thành thạo, tư tưởng ngấm ngầm chống đối...
Làm thế nào để cảm hoá được những đối tượng này hiểu, chấp hành nghiêm quy định dần dần tiến bộ, cải tạo tốt để sớm hoàn lương là câu hỏi mà Thượng tá Trần Văn Dũng và CBCS Trại giam Xuân Phước luôn trăn trở. 27 năm công tác trong ngành Công an cũng là từng ấy thời gian Thượng tá Trần Văn Dũng gắn bó với những công việc ở trại giam. Anh hiểu, để cải tạo được phạm nhân, ngoài áp dụng các quy định của pháp luật vẫn rất cần tấm chân tình để giúp họ trở về nẻo thiện. Chính vì vậy, mỗi khi có phạm nhân cải tạo kém mới đến, anh lại dành thời gian nghiên cứu hồ sơ, gặp gỡ để tìm hiểu hoàn cảnh, tâm tư nguyện vọng của họ để có phương pháp giáo dục, thuyết phục phù hợp.
Bên cạnh đó, đối với những phạm nhân vi phạm nhiều lần, anh và Ban Giám thị điều động những cán bộ có bản lĩnh, trình độ nghiệp vụ - pháp luật vững vàng đảm nhiệm công tác quản giáo, đồng thời thường xuyên rà soát, phân loại phạm nhân, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, kịp thời xác minh làm rõ các nguồn tin, chủ động bóc tách những nhóm phạm nhân có dấu hiệu cấu kết thực hiện những hành vi phạm pháp…
Điển hình như trường hợp đối tượng A Kuin là người cầm đầu tà đạo Hà Mòn từ năm 1998. Năm 2006, A Kuin trốn vào rừng hoạt động; năm 2008 được A Tách, A Huyn và mẹ đẻ là Y Gyin giao nhiệm vụ soạn thảo, đánh máy, phát tán "Sứ điệp" đến các làng có người tham gia tà đạo ở các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk để tuyên truyền, lập ra nhà nước riêng của người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Đầu năm 2012, các đối tượng A Tách, A Huyn và Y Gyin bị bắt nên A Kuin lên đứng đầu tổ chức tà đạo Hà Mòn, phụ trách 3 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk. Năm 2014, A Kuin bị bắt, bị xử 9 năm, 6 tháng tù về tội "Phá hoại chính sách đại đoàn kết". Năm 2014, A Kuin được chuyển đến Trại giam Xuân Phước chấp hành án.
Xác định đây là đối tượng trọng điểm nên ngay từ khi tiếp nhận, Ban Giám thị Trại giam Xuân Phước trong đó có Thượng tá Trần Văn Dũng đã trực tiếp nghiên cứu kỹ hồ sơ, giao bộ phận nghiệp vụ quản lý, giáo dục đối tượng. Ban đầu, khi mới vào trại, A Kuin tỏ vẻ bất cần; không tin tưởng và chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước; sống biệt lập. Sau một thời gian tác động giáo dục của cán bộ trại, đặc biệt là Ban Giám thị đã trực tiếp gặp gỡ, động viên, phân tích, giáo dục, tác động chính trị, A Kuin đã nhận thức được tội lỗi của bản thân, có chuyển biến về tư tưởng. Hiện nay, A Kuin đã cải tạo tiến bộ, tích cực tham gia các phong trào của Trại, mong muốn lập công chuộc tội.
Đặc biệt, A Kuin chuyển biến tốt về tư tưởng nên Trại giam Xuân Phước đã phối hợp với đơn vị chức năng vận động A Kuin vận động mẹ mình là Y Gyin - là đối tượng có uy tín, cầm đầu tà đạo Hà Mòn, sắp chấp hành xong án phạt tù. Nhận thấy những việc làm sai trái của mình, A Kuin đã nhận lời vận động, thuyết phục mẹ. Từ đó, ngoài những buổi sinh hoạt, Trại giam Xuân Phước đã tạo điều kiện cho mẹ con A Kuin gặp nhau nhiều hơn để mẹ con họ tâm sự, chuyện trò với nhau. A Kuin đã tác động để Y Gyin hiểu rõ về những hoạt động sai phạm của mình trước đây; bản chất của tà đạo Hà Mòn là không có thật mà do mình và một số đối tượng dựng lên vì mục đích cá nhân và cũng không phải là tôn giáo, tín ngưỡng hợp pháp. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng đã vận động A Kuin tác động tư tưởng đối với các đối tượng tham gia đạo Hà Mòn khác từ bỏ hoạt động, giúp họ thay đổi nhận thức quay về trình diện chính quyền. Về phía mẹ của A Kuin, được con trai và các cán bộ tuyên truyền, dần dần, bà này cũng hiểu ra, hứa sẽ nói cho mọi người hiểu rõ bản chất của tà đạo Hà Mòn là không có thật, kêu gọi mọi người từ bỏ hoạt động, vận động số còn lẩn trốn thì trở về chính quyền địa phương, bản thân mình sau khi về địa phương không tham gia tà đạo Hà Mòn nữa mà ở nhà với con, cháu...
2. Bên cạnh đó, nhờ nắm chắc đối tượng nên Thượng tá Trần Văn Dũng và CBCS Trại giam Xuân Phước đã kịp thời phát hiện, bắt giữ kịp thời nhiều đối tượng trên đường mang ma tuý vào trại giam, cho Cơ quan điều tra xử lý. Ngoài ma túy, người nhà phạm nhân còn tìm cách tuồn tiền mặt, điện thoại vào Trại giam để thực hiện hành vi phạm pháp khác. Theo đó, qua công tác nắm tình hình, cán bộ Trại giam Xuân Phước phát hiện phạm nhân Ngô Văn Ký, SN 1978, ở xã Hòa Thành, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên đang thi hành án 15 năm tù về tội tham ô tài sản, mưu tính chuyển tiền vào Trại giam, Thượng tá Trần Văn Dũng đã chỉ đạo tạo điều kiện cho Ký tiếp xúc thân nhân thăm nuôi, đến khi về đến cổng Phân trại, Cảnh sát bảo vệ khám xét thu giữ 18 triệu đồng cất giấu trong đáy quần. Ký khai nhận đã móc nối người vợ là Nguyễn Thị Tú Quỳnh làm "dịch vụ chuyển tiền" cho phạm nhân Nguyễn Nhật Trí. Cùng thời điểm này, 1 mũi trinh sát xác minh, truy bám phạm nhân Hà Văn Thiện, SN 1994, ở thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên đang thi hành án 9 tháng tù về tội cố ý gây thương tích. Khi ra bên ngoài lao động, Thiện đến gốc cây xoài lấy túi nilon có 6 điện thoại di động nhưng chưa kịp ném vào trong tường rào đã bị trinh sát bắt quả tang. Thiện khai nhận cấu kết cùng cha ruột là Hà Văn Tài và anh họ Hà Phương Bình bán điện thoại, hai người này từng là phạm nhân Trại giam Xuân Phước.
Thượng tá Trần Văn Dũng cho biết, đối với các phạm nhân cộm cán, họ vi phạm nhiều, gia đình từ bỏ nên họ thường bất cần, chống đối. Chính vì vậy, điều quan trọng nhất là phải hiểu được điều gì dẫn đến việc họ phạm tội và họ trân trọng điều gì nhất để từ đó tác động đến họ. Có người, họ canh cánh mẹ già ở nhà, có người lại lo cho con không người chăm sóc, có người lại buồn vì không ai thăm nuôi... Khi hiểu được điều đó, thường xuyên quan tâm, giúp đỡ họ, tạo điều kiện tốt nhất có thể, dần dần họ sẽ hiểu và thay đổi.
Được biết, Thượng tá Trần Văn Dũng vốn sinh ra và lớn lên ở Nam Định, gắn bó với Trại giam Xuân Phước từ những ngày đơn vị còn là nơi heo hút, khó khăn của tỉnh Phú Khánh. Mùa khô nắng lửa nên đất đai cằn cỗi, mùa mưa trút nước dai dẳng, lũ dữ ầm ào đổ xuống sông Trà Bương cắt đứt giao thông… Khó khăn thế, nhưng anh Dũng và đồng đội của mình luôn bám trụ tại đơn vị, xây dựng doanh trại, cải tạo phạm nhân. Sau những trải nghiệm thực tế từ Cảnh sát bảo vệ đến quản giáo, năm 2006, anh Dũng được đồng đội tín nhiệm, cấp trên tin tưởng, lần lượt giao nhiệm vụ từ Đội phó đến Giám thị Trại giam.
Bằng những việc làm thiết thực nhất, những năm qua, đồng chí Trần Văn Dũng cùng tập thể cán bộ, chiến sĩ đã xây dựng Trại giam Xuân Phước là đơn vị luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Cá nhân đồng chí 19 năm liền (2009 - 2019) được công nhận là Chiến sĩ thi đua, trong đó hai năm 2015 và 2018 là Chiến sĩ thi đua toàn lực lượng CAND. Thượng tá Trần Văn Dũng cũng được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng bộ Công an, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên tặng nhiều Bằng khen và vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba. Đặc biệt, năm 2020, Thượng tá Trần Văn Dũng là người duy nhất của lực lượng Cảnh sát Quản lý trại giam được vinh dự tặng thưởng danh hiệu Chiến sỹ thi đua Toàn quốc.