Hà Nội lập danh sách, cho phép 700 shipper được giao hàng trong thời gian giãn cách

Để phòng chống dịch COVID-19, các doanh nghiệp vận tải phải cung cấp danh sách shipper cho cơ quan chức năng. Shipper khi đi giao hàng phải có tin nhắn xác nhận từ sở GTVT.

Theo báo Tri thức trực tuyến, trong thời gian TP Hà Nội siết chặt quy định giãn cách, sở Công Thương và sở Giao thông Vận tải (GTVT) đã cùng nhau phối hợp, đảm bảo phương án vận chuyển, cung ứng hàng hóa thiết yếu lưu thông thuận lợi trên địa bàn thành phố.

Được sự đồng ý của thành phố, sở GTVT thống nhất cho phép nhân viên vận chuyển (shipper) của các cơ quan bưu chính, siêu thị, sàn thương mại điện tử hoạt động. Đây là lực lượng giao nhận nằm dưới sự quản lý, chịu trách nhiệm của công ty, cơ quan chủ quản.

Sở GTVT cũng yêu cầu các ứng dụng công nghệ dừng giao nhận hàng hóa. Các dịch vụ như GrabExpress, GrabMart, AhaMove, J&T... phải dừng hoạt động.

shipper-1627299952179-1627358846714749940267-1627392198.jpg
 

Ngày 26/7, sở Công Thương Hà Nội thông báo đã lập danh sách 700 xe môtô 2 bánh vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp được cấp thẻ vận chuyển gồm: Công ty cổ phần Thực phẩm Hương Sơn với 13: shipper; Công ty cổ phần Sản xuất và thương mại An Việt: 17 shipper; Công ty cổ phần Tiên Viên: 4 shipper; Công ty TNHH Thương mại quốc tế và dịch vụ siêu thị Big C Thăng Long: 49 shipper; Công ty TNHH 2-9 Hà Tây: 8 shipper; Công ty TNHH bán lẻ Fuji Mart Việt Nam: 39 shipper; Công ty TNHH bán lẻ BRG: 182 shipper.

Hệ thống siêu thị Mường Thanh tại Hà Nội: 75 shipper; Công ty TNHH Thương mại Sài Gòn Co.op Hà Nội: 21 shipper; Công ty cổ phần Quốc tế Homefarm: 174 shipper; Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao: 1 shipper; Công ty cổ phần Trung tâm thương mại Lotte Việt Nam: 19 shipper; Chi nhánh Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam tại Hà Nội: 33 shipper; Công ty AEON Việt Nam: 34 shipper; Công ty cổ phần Kinh doanh và chế biến thực phẩm Hà Nội: 2 shipper.

Theo bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc sở Công Thương Hà Nội, các đơn vị, tổ chức sẽ tiến hành đăng ký danh sách thông qua email của sở GTVT, trong đó nêu đầy đủ thông tin như tên, số điện thoại của nhân viên.

Sở GTVT sẽ xác nhận thông tin trực tiếp cho nhân viên vận chuyển bằng tin nhắn. Sau khi nhận được tin nhắn, nhân viên vận chuyển có trách nhiệm chụp lại màn hình tin nhắn xác nhận của Sở và xuất trình khi lực lượng chức năng yêu cầu.

Trong diễn biến liên quan, báo Tiền Phong đưa tin, sở Công Thương Hà Nội cũng đã công bố danh sách các điểm bán hàng tiêu dùng thiết yếu tại hệ thống chợ truyền thống và siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn Hà Nội.

Cụ thể, trên địa bàn Hà Nội sẽ có 8.321 điểm bán hàng hóa tiêu dùng thiết yếu gồm: 7.866 điểm là siêu thị, cửa hàng tiện lợi, quán tạp hóa... và 455 chợ phân bổ khắp các quận, huyện, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân trong thời gian giãn cách xã hội, phòng, chống dịch COVID-19.

Thời gian hoạt động của các điểm cung ứng này chủ yếu từ 6h đến 22h hằng ngày.

Hải Đăng (T/h)