Hai doanh nghiệp "họ" Idico đầu tiên báo lãi quý II/2023

Doanh thu cung cấp dịch vụ thu cước đường bộ tăng cao, Hạ tầng Idico báo lãi quý II/2023 khởi sắc so với giai đoạn cùng kỳ năm trước.

Hai công ty đầu tiên của “họ” IDICO mới đây đã công bố kết quả kinh doanh quý II/2023 với một số chỉ tiêu tích cực, lần lượt bão lãi vài chục tỷ đồng.

Cụ thể, CTCP Đầu tư Phát triển Hạ tầng Idico (HoSE: HTI) công bố báo cáo tài chính quý II/2023 với doanh thu gần 111 tỷ đồng, tăng nhẹ 7% so với mức 104 tỷ của cùng kỳ năm trước. Toàn bộ đến từ doanh thu cung cấp dịch vụ, cụ thể là hoạt động thu cước đường bộ của doanh nghiệp.

Doanh thu đi lên kéo theo giá vốn cũng tăng thêm 11% lên gần 63 tỷ đồng, giúp doanh nghiệp đem về lợi nhuận gộp gần 48,3 tỷ - đi ngang so với cùng kỳ năm trước song mức tăng giá vốn mạnh hơn doanh thu nên tỷ suất lợi nhuận gộp giảm nhẹ từ 46% cùng kỳ xuống còn 44%.

Trong kỳ, doanh thu tài chính tăng đột biến gấp gần 3 lần so với cùng kỳ, đạt 570 tỷ đồng nhờ lãi tiền gửi, tiền cho vay.

Trong khi đó các khoản chi phí hoạt động gần như không đổi so với quý II năm trước nên sau khi trừ các khoản thuế phí, Hạ tầng Idico công bố lãi sau thuế 14,8 tỷ đồng, tăng 5,7% so với cùng kỳ và là mức lãi quý cao nhất tính từ đầu năm 2022 đến nay.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Hạ tầng Idico đạt 216,3 tỷ đồng doanh thu và 28,6 tỷ lãi ròng, tăng lần lượt 6% và 4% so với cùng kỳ.

Năm 2023, công ty đề ra kế hoạch doanh thu gần 427 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 70 tỷ đồng. Như vậy so với kế hoạch, doanh nghiệp “họ” Idico đã hoàn thành được khoảng 51% kế hoạch kinh doanh đề ra.

Tính đến cuối quý II/2023, tổng tài sản của Hạ tầng Idico giảm nhẹ 2% về mức 1.487 tỷ đồng, hàng tồn kho ghi nhận không đáng kể, chưa tới 100 triệu đồng.

Đáng chú ý nợ phải trả ghi nhận cao gấp gần 2,3 lần vốn chủ sở hữu, đạt 1.033 tỷ. Nợ ngắn hạn chiếm 15% đạt 159 tỷ đồng, trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn gần 126 tỷ đồng. Còn lại là nợ dài hạn 874 tỷ đồng, với khoản vay và nợ thuê tài chính dài hạn 607 tỷ đồng, dự phòng phải trả dài hạn 267 tỷ đồng.

Năm 2022, Hạ tầng IDICO đã ghi nhận vay và nợ thuê tài chính dài hạn giảm từ 764 tỷ đồng xuống 627 tỷ đồng nhưng vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn lại tăng từ 112 tỷ đồng lên 136 tỷ đồng. Nợ ngắn hạn đóng góp phần lớn khiến Hạ tầng IDICO rơi vào tình cảnh bị công ty kiểm toán đưa ra nhận định có “Khả năng trả nợ yếu”.

Bên cạnh đó, nợ thuế tại công ty cũng tăng vọt. Hồi cuối năm 2022, chỉ tiêu thuế và các khoản phải nộp Nhà nước của doanh nghiệp đạt 16,1 tỷ đồng, tăng 12,7 tỷ đồng, tương đương 374% so với năm 2021. Trong đó, nợ thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất, đạt 14,6 tỷ đồng.

Một doanh nghiệp khác nhóm Idico là CTCP Tư vấn Đầu tư Idico (HNX: INC) cũng vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2023 với doanh thu đạt 7,9 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 1 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, Tư vấn Đầu tư Idico đã đạt 12,1 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận đạt 1,06 tỷ đồng. Tổng tài sản đến cuối tháng 6 ở mức 36,8 tỷ đồng; nợ phải trả hơn 10,3 tỷ.

Ghi nhận kết quả kinh doanh có phần “bé hạt tiêu” bởi doanh nghiệp này hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực tư vấn quản lý thực hiện công trình. Theo báo cáo của doanh nghiệp, tính đến ngày 30/6, tổng số lao động của công ty chỉ có 48 người. Hiện Tư vấn Đầu tư Idico do Tổng Công ty Idico – CTCP sở hữu 70,4%.

PV