Thị trường bất động sản đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức khi tình hình dịch bệnh kéo dài. Nhận định về thị trường BĐS phân khúc căn hộ bán ở Hà Nội và Tp. HCM, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam cho rằng, trong tương lai và triển vọng ngắn hạn phụ thuộc lớn vào khả năng kiểm soát dịch bệnh COVID-19; thứ hai là tốc độ tiêm vắc xin.
Tại tọa đàm trực tuyến về bất động sản mới đây, bà Dung viện dẫn thông tin Tp. HCM đã tiêm vắc-xin Covid-19 cho hơn 5 triệu người trên 18 tuổi, đạt tỷ lệ hơn 71% dân số ở độ tuổi này. Việc đạt tốc độ tiêm như vậy đã trùng với kế hoạch tiêm chủng của chính quyền thành phố nên hy vọng dịch bệnh sẽ được kiểm soát cuối tháng 9, đầu tháng 10.
Do đó, bà Dung đã đưa ra hai dự báo kịch bản đối với thị trường căn hộ bán cuối năm nay. Cả hai kịch bản đều cho thấy thị trường căn hộ có sự suy giảm mạnh mẽ về nguồn cung chào bán, số căn hộ bán được nhưng giá bán trung bình lại tăng.
Với kịch bản đầu tiên, theo bà Dung, dịch bệnh sẽ được kiểm soát vào tháng 10/2021, nguồn cung chào bán căn hộ tại Tp. HCM sẽ đạt 13.000 căn, giảm 29% so với năm 2020; tại Tp. Hà Nội con số sẽ đạt 17.000 căn, giảm tỉ lệ 5%.
CBRE dự báo số căn bán được sẽ chỉ đạt 12.600 căn tại Tp. HCM cho thấy mức giảm 20% so với năm 2020, con số tại Hà Nội sẽ là 17.000 căn và chứng kiến tỷ lệ suy giảm là 8%.
Theo kịch bản này, giá bán căn hộ trung bình cho cả Tp. HCM và Hà Nội đều tăng ở tỷ lệ 5% so với năm 2020.
Còn kịch bản thứ hai, dịch bệnh được kiểm soát vào tháng 12/2021. Nguồn cung chào bán cả 2 thành phố lớn sẽ cho thấy đà giảm mạnh đạt tỷ lệ 54% và 19% so với năm 2020 tại Tp. HCM và Hà Nội tương đương số lượng 8.396 căn và 14.500 căn.
Trong khi đó, số căn bán được tại Tp. HCM là 8.426 căn giảm 47% so với năm 2020, còn tại Tp. Hà Nội số căn hộ bán là 14.300 căn, tỷ lệ giảm 23%.
Tuy nhiên, theo Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam, dù số lượng bán giảm nhiều nhưng giá bán bình ổn, không giảm. Giá bán dự kiến sẽ được các chủ đầu tư tăng 4% đối với dự án cao cấp.
Bà Dung nhận định: "Cho dù sắp tới đây dịch bệnh được kiểm soát thì các địa phương có thể vẫn áp dụng biện pháp giãn cách, chỉ nới lỏng nên không được tổ chức các sự kiện quá đông người, số căn hộ bán được vì vậy cũng sẽ giảm nghiêm trọng.
Các môi giới cũng sẽ khó khăn tiếp cận khách hàng cho dù giao dịch trực tuyến. Bởi muốn chốt giao dịch vẫn phải lên công chứng, lên ngân hàng. Chính vì vậy dù nhu cầu mua có nhưng do ảnh hưởng bởi dịch chứ không phải do người mua nhà giảm đi".
Nhận định trên cũng nhận được sự đồng tình của ông Nguyễn Quốc Anh - Phó tổng giám đốc trang web bán hàng batdongsan.com.vn - khi mà qua dữ liệu cho thấy độ quan tâm thông qua lượng truy cập của khách hàng không suy giảm nhiều.
Ông Quốc Anh cho hay: Đã có sự ảnh hưởng lớn từ lượng truy cập của khách hàng khi các đợt dịch thứ 1 (tháng 4/2020), đợt 2 (tháng 7/2020), đợt 3 (đầu năm 2021), nhưng đợt dịch thứ 4 này độ quan tâm có giảm nhưng không nhiều. Ông Quốc Anh nhận định thực tế thị trường vẫn có nhu cầu nhưng không có sự đa dạng nguồn cung hàng cho người mua.
Do đó, theo vị chuyên gia này, các công ty bất động sản từ chủ đầu tư đến môi giới cần thay đổi và thích ứng để chuẩn bị sự trở lại mạnh mẽ hơn nữa, tạo sự trải nghiệm mới, tạo thói quen mới thông qua đẩy mạnh tương tác, giao dịch bất động sản trực tuyến, áp dụng công nghệ tăng cường trải nghiệm khách hàng, công nghệ số hóa hình ảnh dự án trong không gian 360 độ trực quan sinh động, các hoạt động trực tuyến cần phát triển mạnh hơn nữa.
Vũ Long - Người Đưa Tin Pháp Luật