Nỗi lo từ thuế
Từ ngày 1/7/2020, Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14 có hiệu lực, mức giảm trừ gia cảnh được điều chỉnh và áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020 được điều chỉnh theo hướng tăng mức giảm trừ từ 9 triệu lên 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng. Với việc điều chỉnh này, khoảng 1 triệu người đang phải nộp thuế thu nhập cá nhân ở mức đầu tiên sẽ không phải nộp nữa.
Nhưng nếu tính thêm vào những khoản tiền thưởng Tết, khả năng phải nộp những khoản thuế “khủng” vẫn là nỗi lo canh cánh. Bởi lẽ, dù trừ khoản giảm trừ gia cảnh như đã nói trên thì theo Thông tư 111/2013/TT-BTC thu nhập từ tiền lương, tiền công là thu nhập người lao động nhận được từ người sử dụng lao động bao gồm các khoản thưởng bằng tiền hoặc không bằng tiền dưới mọi hình thức, kể cả thưởng bằng chứng khoán đều phải chịu thuế thu nhập cá nhân, trừ các khoản tiền thưởng kèm theo giấy khen, bằng khen, huy chương, giải thưởng được Nhà nước phong tặng. Như vậy, người lao động được thưởng Tết và lương tháng 13 phải chịu thuế thu nhập cá nhân.
Việc người lao động bị trừ thuế nặng vì thưởng Tết là do quy định hiện nay, thuế suất thuế thu nhập cá chia làm 7 bậc, từ 5% đến 35% là rất cao so với nhiều nước trong khu vực.
Do đó, nhiều chuyên gia nhận định cần phải sửa lại các mức này, giảm thuế suất, gia tăng mức giảm trừ gia cảnh để nuôi dưỡng nguồn thu, tránh vắt kiệt sức của người lao động thì thuế thu nhập cá nhân mới công bằng và bền vững.
Theo đó, mức thuế suất áp dụng tối đa chỉ nên là 20% thay vì 35% như hiện nay. Trước đây, thuế doanh nghiệp từng đóng 30-50% nhưng giờ cũng đã giảm xuống, như vậy thuế thu nhập cho cá nhân cũng chỉ nên tối đa ở mức 20%.
Đặc biệt, dịch COVID-19 hoành hành cả năm nay đã khiến cả doanh nghiệp và người lao động thiệt hại nặng thì dịp nghỉ Tết chính là cơ hội để nhiều ngành, nghề kích cầu. Bởi vậy, khi bị áp thuế như vậy và việc COVID-19 còn nhiều diễn biến phức tạp trong năm 2021, việc thắt chặt chi tiêu là dễ xảy ra.
Khi thưởng Tết bằng hiện vật?
Ngoài chế độ lương, nâng bậc, phụ cấp, trợ cấp theo quy định, người sử dụng lao động còn có thể thưởng thêm cho người lao động.
Tại Điều 104 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định, thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
Tuy nhiên, luật lại không bắt buộc người sử dụng lao động phải có thưởng Tết và nếu có thì cũng không nhất thiết phải là tiền mặt. Người sử dụng lao động, có thể lựa chọn thưởng Tết cho người lao động bằng nhiều hình thức như các chuyến tham quan du lịch, vé tàu, xe để về quê hoặc các hiện vật khác...
Quy chế thưởng sẽ do người sử dụng lao động quyết định sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở và phải được công khai tại nơi làm việc.
Do đó, người lao động sẽ được thưởng Tết nếu có thỏa thuận trong hợp đồng lao động, theo quy chế nội bộ doanh nghiệp về thưởng Tết, thỏa ước lao động tập thể và phụ thuộc phần lớn vào doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp và năng suất, hiệu quả công việc của người lao động.
Trên cơ sở đó, nhiều doanh nghiệp đã chuẩn bị thưởng cho người lao động “lương tháng 13” bằng tiền thì sẽ quy ra hiện vật, trong đó có hiện vật là sản phẩm của chính doanh nghiệp.
Theo thông tin từ ban Chính sách - Pháp luật của LĐLĐ, dù các doanh nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long như: An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp,... chưa chốt thưởng Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, nhưng khả năng cao là sẽ có không ít doanh nghiệp sẽ có khả năng trả thưởng bằng hiện vật.
Trước đợt nghỉ Tết Âm lịch khá dài sắp tới, bằng đúng 1 tuần lao động, điều khiến người lao động trông chờ đó là khoản tiền thưởng Tết để lo chi tiêu, mua sắm.
Chị Nguyễn Thị Dung, người lao động tại quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội), cho biết: "Nếu các doanh nghiệp chỉ thưởng quần áo, tivi… cho tất cả công nhân thì theo tôi là không phù hợp. Vì vậy, tốt nhất là thưởng Tết cho công nhân bằng tiền để công nhân có nhu cầu gì sẽ chủ động mua sắm".