Hoại tử nặng do tiêm thuốc tan mỡ không rõ liều lượng và loại dung dịch gì

Mới đây một cô gái tại TP. HCM đã bị nhiễm trùng nặng, hoại tử bụng, lưng và hông do tiêm thuốc tan mỡ.

Báo VnExpress đưa tin, theo lời cô gái trên, vào hồi tháng 5, cô muốn giảm mỡ bụng nhanh, nhân viên một thẩm mỹ viện ở quận 1 tư vấn dùng thuốc tan mỡ nhập từ Anh, tiêm một đợt, ba tháng sẽ có vòng eo đẹp. Cô mua gói dịch vụ hơn 13 triệu đồng, được tiêm dung dịch pha loãng vào bốn vị trí ở bụng, hông, không rõ liều lượng và loại dung dịch gì.

Coi chừng nhiễm trùng nặng do tiêm thuốc tan mỡ. Ảnh minh họa

Sau khoảng 10 ngày, vùng tiêm bắt đầu sưng tấy. Theo liệu trình, cô trở lại cơ sở thẩm mỹ để massage bụng "giúp tăng hiệu quả". Sau đó, tình trạng nặng dần, phía thẩm mỹ viện đưa bệnh nhân đến bệnh viện khác điều trị. Trong hai tháng, cô phải phẫu thuật 5 lần ở 3 bệnh viện. Lần mổ thứ 5, bệnh nhân mất máu quá nhiều, nguy kịch, các bác sĩ chỉ khâu vết thương. "Rất đáng sợ, tôi tuyệt vọng", cô gái chia sẻ. Cô được gia đình đưa vào Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu, đầu tháng 7.

Tiến sĩ, bác sĩ Ngô Đức Hiệp, Trưởng Khoa Phỏng Phẫu thuật Tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết bệnh nhân nhập viện với những vết thương hở, những ổ áp xe rất lớn, chảy mủ và máu liên tục. Các bác sĩ đánh giá đây là trường hợp hoại tử "khủng khiếp chưa từng thấy". Thông thường, vết thương khâu một tuần sẽ lành, còn bệnh nhân này vết thương sau khi khâu xong liên tục bung ra, không thể lành lặn.

"Thuốc không chỉ làm tan tế bào mỡ mà còn phá hủy luôn màng tế bào của các tổ chức mạch máu, thần kinh nằm trong vùng ảnh hưởng của thuốc, bao gồm các chất giúp lành thương nên vết thương rất chậm hồi phục, hoại tử ngày càng lan rộng, ăn sâu vào bên trong", bác sĩ Hiệp phân tích và cho rằng "thuốc di chuyển rất khó kiểm soát, sức tàn phá còn hơn cả silicone". Thuốc ban đầu được tiêm ở hông và bụng, hiện lan ra cả phần lưng, lấn vào cơ quan sinh dục.

Ngoài một cuộc ca đại phẫu, các bác sĩ thực hiện vô số lần tiểu phẫu, rạch mủ cho đến khi hết dịch, dùng các loại gạc tiên tiến để thấm hút. Bệnh nhân nhiễm trùng nặng, sức khỏe suy kiệt, mất máu nhiều nên phải thường xuyên truyền bù máu, bù đạm.

Theo bác sĩ Hiệp, sau khoảng hai tuần tiếp nhận cô gái, một bệnh nhân khác, 38 tuổi, tình trạng tương tự - cũng được đưa vào viện. Nhờ nhập viện sớm, bệnh nhân thứ hai này được ra viện hôm 5/8, sau 10 ngày điều trị.

"Hiện không biết cơ sở làm đẹp đã tiêm thuốc gì cho bệnh nhân, nhưng đến nay Việt Nam chưa cho phép sử dụng thuốc tiêm tan mỡ để giảm cân", bác sĩ Hiệp chia sẻ.

TS.BS Hiệp thông tin thêm trên báo Thanh Niên, thuốc tan mỡ thành phần chính là phosphatidylcholine (PPC) được hòa tan nhờ deoxycholate (DC) - một loại muối mật. Tên thương mại như Lipostabil, Dermaheal LL hoặc Liponsaure.

Năm 1975, 3 vị bác sĩ người Đức công bố nghiên cứu “viêm phổi sau thuyên tắc béo được điều trị bằng Lipostabil” và khẳng định thuốc thiếu an toàn, hiệu quả kém. Nhưng thuốc vẫn lưu hành ở một số nước châu Âu để điều trị sử dụng thuyên tắc phổi do rối loạn mỡ và rối loạn lipid máu.

Khi tan thuốc Lipostabil vào mô mỡ thì sẽ dần phá hủy tế bào mỡ, biến tế bào mỡ thành dạng huyết tương. Tuy nhiên, nó bên cạnh phá hủy tế bào mỡ, Lipostabil còn phá hủy luôn màng tế bào của tổ chức mạch máu, thần kinh nằm trong vùng bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, tế bào mỡ sau khi bị phá vỡ, sẽ giải phóng ra triglyceride chất béo ở dạng nhũ tương. Cơ thể giải quyết lượng nhũ tương ấy bằng cách huy động các đại thực bào và bạch cầu đa nhân trung tính đến "ăn" phần nhũ tương và các tế bào chết. Như vậy, sẽ có một lượng lớn các hạt mỡ nằm trong các bạch cầu và đại thực bào đi vào máu, rồi đến gan, thận để đào thải ra ngoài. Tuy nhiên, biện pháp ấy của cơ thể không thể giải quyết ngay được một số lượng lớn triglyceride ứ đọng. Tạo u mỡ tại chỗ, viêm mô tế bào, sẹo vĩnh viễn, đau nhức, thậm chí hoại tử da, gây ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe và để lại di chứng thẩm mỹ.

Theo TS.BS Hiệp, lợi dụng đặc điểm của Lipostabil, một số cơ sở săn sóc sắc đẹp, thẩm mỹ viện đã quảng cáo Lipostabil như một loại "thần dược" làm tan mỡ.

Năm 2010, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), Bộ Y tế Pháp, Anh, Đức, Bỉ, Ý, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Đan Mạch, Úc… cảnh báo và cấm sử dụng Lipostabil với mục đích làm tan mỡ. Theo FDA, mọi hành vi quảng cáo, mua bán, lưu hành Lipostabil (thuốc tan mỡ) trên lãnh thổ Mỹ đều bị coi là chống lại luật pháp Mỹ.

Theo Chất lượng Việt Nam