Hồi ức kinh hoàng thảm họa cháy tòa nhà ITC khiến 60 người chết tại Sài Gòn, cảnh sát PCCC bất lực: “Trời ơi nhiều người chết quá”

CTV
Vụ hỏa hoạn kinh hoàng tại tòa nhà Trung tâm thương mại quốc tế ITC vào năm 2002 cướp đi sinh mạng của 60 người, 70 người bị thương. Đây được xem là thảm kịch làm thay đổi suy nghĩ của người dân và lãnh đạo TP. HCM về công tác phòng cháy chữa cháy.

Những ngày qua khi thông tin về các vụ hỏa hoạn liên tiếp xảy ra với số lượng thương vong lớn thì ký ức về vụ cháy được xem là thảm họa tại Sài Gòn vào đầu những năm 2000 khiến nhiều người vẫn còn hãi hùng khi nhớ lại. Không khí nặng nề, tang tóc bao trùm trung tâm TP. HCM trong khoảng thời gian 20 năm về trước sau khi ngọn lửa hung dữ càn quét tòa nhà ITC.

ITC (viết tắt của International Trade Center - Trung tâm thương mại quốc tế) là tòa nhà văn phòng và trung tâm mua sắm sầm uất bậc nhất Sài Gòn lúc bấy giờ. Tòa nhà nằm ở vị trí đắc địa, có mặt tiền hướng ra nhiều con đường lớn như: Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Lê Lợi, Nguyễn Trung Trực, Lê Thánh Tôn, thuộc Quận 1.

Với 6 tầng lầu, tổng diện tích 6.500 m2, được xây dựng năm 1970 và sửa chữa năm 1985. Tại thời điểm đó, tòa nhà ITC còn có tên là Thương xá Tam Đa hay Crystal Palace.

Khu vực văn phòng có 59 văn phòng cho thuê và khu trung tâm mua sắm có 172 quầy kinh doanh vàng bạc đá quý. Ngoài ra trong tòa nhà còn có một vũ trường tên Blue, sân trượt băng, nhà hàng, căng tin. Nơi khởi nguồn cho đám cháy kinh hoàng xuất phát từ vũ trường Blue nằm trên tầng 3.

Toà nhà ITC từng là trung tâm thương mại sầm uất nằm ở trung tâm Sài Gòn

Buổi chiều định mệnh và khung cảnh kinh hoàng trong đám cháy tòa nhà ITC

Khoảng 13h30 chiều ngày 29/10/2002, khói đen bắt đầu mù mịt, bao trùm cả tòa nhà, tiếng chuông báo cháy vang lên inh ỏi. Nhận thấy được sự nguy hiểm cận kề, nhiều người tìm cách chạy thoát ra khỏi tòa nhà. Đám đông dồn về cầu thang thoát xuống dưới nhưng khói đen từ dưới bốc lên, một số chạy ngược lên tầng thượng.

Ngọn lửa được xác định bắt nguồn từ vũ trường Blue sau đó lan rộng, bao trọn khu vực tầng 2, tầng 3, các tầng 4,5,6 có khói đen mù mịt. Phần tòa nhà hướng mặt đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa chìm trong biển lửa.

“Sau khi có tiếng nổ lớn phát ra, cột khói bốc lên dữ dội từ phía cầu thang bộ. Điện phụt tắt. Lửa bùng lên rừng rực tại tầng 2” - một nhân viên tạp vụ trong tòa nhà mô tả về đám cháy.

Khói lửa mù mịt bao trùm toà nhà ITC sau khi xảy ra hoả hoạn

Khi lửa và khói bắt đầu nuốt chửng tòa nhà 6 tầng, nhiều người hoảng loạn và sợ hãi. Khi không thể chịu đựng được sức nóng của lửa, một số đã quyết định nhảy từ trên tầng cao xuống với hy vọng thoát thân. Người dân xung quanh chứng kiến và tận tai nghe tiếng rơi đánh bụp xuống lòng đường của nạn nhân khi nhảy từ lầu cao.

Sau khi nhận được tin báo, UBND TP. HCM lập tức có mặt tại hiện trường, huy động hơn 50 xe cứu hỏa, hàng trăm người tham gia làm nhiệm vụ. Nhiều xe cứu thương liên tục ra vào đưa nạn nhân đi cấp cứu.

Để khống chế đám cháy, UBND Thành phố đã huy động tiếp viện của lực lượng chữa cháy Quân khu 7, Bộ Tư lệnh quân sự thành phố, Sân bay Tân Sơn Nhất... Gần như xe cứu hỏa khắp nơi trong thành phố đều đổ về ITC. Tận dụng mọi nguồn nước từ Sông Sài Gòn, Dinh Thống Nhất, Bến Bạch Đằng…

Hàng chục vòi cứu hỏa phun nước vào trong nhưng phần lớn văng ra ngoài do phần la phông chắn gió hai bên toà nhà cản nước. Lửa cứ thế bốc lên ngùn ngụt, bao trùm cả khu vực.

Lực lượng PCCC khống chế đám cháy, hỗ trợ đưa người dân thoát ra ngoài toà nhà

Nhiều nạn nhân kêu cứu nhưng bị ngọn lửa nuốt chửng. Chỉ cần một cơn gió quét qua kéo theo lửa và khói, những góc tường có người cầu cứu đều im bặt. Phía bên ngoài, nhiều người chứng kiến cảnh tượng hãi hùng khi thấy những thi thể chết cháy đen bên trong tòa nhà, trên hành lang tầng 4 và tầng 5, phía đường Nguyễn Trung Trực.

Đến 19h, lực lượng cứu hỏa vẫn chưa thể khống chế được toàn bộ khói từ bên trong tòa nhà. Ông Lê Tấn Bửu - Chỉ huy lực lượng Cảnh sát PCCC khi đó đã thành lập 3 đội với 20 chiến sĩ, đập tường khu vực tầng 3 để vào bên trong tìm kiếm nạn nhân. Với ông Bửu, đây là vụ hỏa hoạn mà cả đời ông không bao giờ quên được.

Khi một chiến sĩ cảnh sát PCCC đưa xe thang lên cao để chữa cháy thì phát hiện ở hành lang tầng 5 rất nhiều người nằm chết đè lên nhau, anh đã hét lên: "Trời ơi người chết nhiều quá!".

Người dân chạy lên tầng cao để tìm cách thoát thân

20h, đám cháy được không chế, lực lượng cứu nạn cứu hộ vào bên trong các tầng nhà để tìm và đưa thi thể nạn nhân ra ngoài. Hầu hết các nạn nhân ở tầng 4 và tầng 5. Hiện trường đổ nát sau hoả hoạn ngổn ngang thi thể không còn vẹn nguyên, hoặc co rút, ghì chặt nhau... khiến lực lượng chức năng lẫn người dân đều ám ảnh. 

22h, những thi thể đầu tiên được đưa xuống xe cứu thương và di chuyển đến nhà tang lễ Bộ Quốc Phòng.

Cuộc tìm kiếm diễn ra thâu đêm, đến 9h sáng ngày 30/10 các chiến sĩ cứu nạn vẫn rà từng ngóc ngách trong toà nhà để chắc chắn không có ai bị bỏ sót. Toàn bộ khu vực quanh tòa nhà ITC bị phong toả, các cột khói vẫn bốc lên cao.

Nguyên nhân gây ra thảm kịch hoả hoạn và sự tắc trách của công nhân thi công tại vũ trường Blue

Vụ cháy tòa nhà ITC khiến 60 người chết là tấn thảm kịch, nỗi ám ảnh không bao giờ quên được của người dân Sài Gòn. Nguyên nhân dẫn đến hoả hoạn với thương vong quá lớn này bắt nguồn từ sự tắc trách của công nhân thi công sửa chữa tại vũ trường Blue.

Khi hàn bulong định vị trên trần của vũ trường, thợ hàn đã để vảy xỉ hàn (nhiệt độ khoảng 1.700 độ C) bắn vào xốp cách âm (vật liệu này bắt cháy từ nhiệt độ 300 độ C) gây cháy lan nhanh và lớn.

Điều gây phẫn uất nhất chính là việc khi phát hiện có cháy và không thể kiểm soát được ngọn lửa, thợ hàn đã đóng kín cửa mặc cho đám cháy bùng lên và lan ra nhiều khu vực khác trong toà nhà, hậu quả là 60 sinh mạng ra đi trong đau đớn, để lại nỗi đau trong lòng người thân, gia đình và sự ám ảnh với người dân chứng kiến sự việc.

11 người liên quan đến vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng này đã bị đưa ra xét xử. Trong đó 5 người bị truy tố tội vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy gồm: Nguyễn Văn Phương (Việt kiều Mỹ, chủ vũ trường Blue), Huỳnh Quang (Nhân viên kỹ thuật ánh sáng vũ trường Blue), Lâm Nghĩa Hoà (chủ cơ sở cửa sắt Nam Thông), Nguyễn Phú Tín và Phan Viết Thanh (Thợ hàn của Nam Thông, những người trực tiếp gây ra vụ cháy). 

6 người còn lại bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng gồm: Lê Ngọc Thuỷ (phó ban quản lý Blue), Lưu Nhật Tuấn (tổng quản lý Blue), Nguyễn Trọng Cường (trường ban quản lý Blue), Huỳnh Quý (nhân viên kỹ thuật ánh sáng Blue), Chung Thị Mỹ Lệ (nguyên Giám đốc ITC), Lê Hồng Thăng (nguyên đội trưởng bảo vệ, PCCC ITC). 

Ngoài ra, có một thợ hàn tại vũ trường Blue là Giang Quốc Trung được đình chỉ điều tra do đã chết trong đám cháy.

Lửa và khói đen bao trùm toà nhà ITC trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng với nhiều người chứng kiến

Tại phiên tòa, Nguyễn Phú Tín và Phan Viết Thanh thừa nhận dù biết rõ việc thực hiện các thao tác kỹ thuật hàn trong vũ trường có gắn các miếng mút cách âm rất dễ bắt lửa nhưng họ vẫn vô tâm làm việc, không che chắn gì.

Đứng trước vành móng ngựa, ông chủ tiệm sắt Nam Thông đã bật khóc: “Thấy Thanh đẩy xe về nói đã gây cháy, tôi vội xách xe chạy ngay ra xem sao, không ngờ lại nghiêm trọng quá”.

Nguyễn Văn Phương (chủ vũ trường Blue) thừa nhận đã trang bị các thiết bị cách âm vũ trường không đảm bảo nguyên tắc PCCC.

Trong phiên xét xử phúc thẩm vào tháng 1/2005, các bị cáo bị tuyên án từ 2 - 5,5 năm tù. Các bị cáo Lâm Nghĩa Hòa, ITC và Nguyễn Văn Phương bồi thường cho các gia đình nạn nhân mỗi người hơn 1,3 tỷ đồng.

Những câu chuyện được kể lại

Thời điểm xảy ra vụ hỏa hoạn tại tòa nhà ITC, nhiều người dân Sài Gòn như nín thở chờ đợi thông tin. Không biết bao nhiêu giọt nước mắt đã rơi sau khi ngọn lửa bùng lên. Nhiều người may mắn sống sót sau đám cháy vẫn còn hãi hùng khi nhớ lại khoảnh khắc sinh tử. Và những gia đình không may có người thân tử vong vẫn âm ỉ nỗi đau mỗi khi nhắc về sự việc tại ITC năm nào.

Trong tâm trí của nhiều người dân Sài Gòn, ký ức kinh hoàng về vụ hỏa hoạn tại tòa nhà ITC cướp đi sinh mạng của 60 người có lẽ vẫn không thể quên, gây ám ảnh dai dẳng mãi đến tận bây giờ. Những câu chuyện sau này được kể lại, có một chút sự may mắn, sợ hãi, đau đớn, nuối tiếc, ám ảnh…

“Mình làm ở tầng 2 tòa nhà ITC, vừa rời thang máy vào văn phòng ngồi chưa được 5 phút thì đồng nghiệp chạy đến nói có cháy. Ở 2 đầu thang bộ khói bên dưới bốc lên đen kịt, nhưng mình quyết định chạy xuống và kéo 2 cô bạn đồng nghiệp theo. Cố gắng nín thở chạy xuống dưới. Vừa xuống đến mặt đường Nguyễn Trung Trực thì toàn bộ trần của tầng trệt sụp xuống. Đây là một kỷ niệm đau buồn mà không chỉ đến ngày 29/10 mình mới nhớ mà cứ mỗi lần đi ngang qua đây mình vẫn đau lòng khi nhớ lại cảnh tượng từng ấy con người đứng trên tầng thượng vẫy tay và la hét trong tuyệt vọng.

Gia đình xem TV thấy cháy lớn và không liên lạc được với mình vì lúc nghe cháy là đứng dậy chạy ngay, bỏ quên điện thoại trên bàn làm việc. Một lúc sau khi hoàn hồn, mình mượn điện thoại gọi về báo cho nhà biết là không sao. Lúc đó bà xã mình đang mang thai nhóc đầu lòng. Tối hôm ấy vừa sợ vừa mừng cả đêm không ngủ, sáng 30/10 vợ chuyển dạ sinh luôn thằng nhóc sớm 2 tháng. Với mình, việc thoát chết trong đám cháy này là một điều may mắn, nếu không thì không biết vợ con sẽ ra sao”.

Vụ hoả hoạn 20 năm về trước tại toà nhà ITC khiến 60 người thiệt mạng, 70 người bị thương, thiệt lại khoảng 40 tỷ đồng

“Vợ tôi và nhiều người khác vô tình thoát được hiểm nguy năm đó do cuộc hội thảo trong tòa nhà kết thúc trước vụ cháy khoảng 15 phút. Tôi hối cô ấy ra về sớm thay vì nấn ná ở lại. Chúng tôi cùng chứng kiến vụ hỏa hoạn và cùng khóc”.

“Năm đó, tôi vào trung tâm để mua một đôi giày đi bộ. Tầng trệt lên tầng trên tôi thấy cầu thang để hàng chiếm còn lối nhỏ, buổi trưa hơi ngột ngạt nên tôi quyết định không lên và đi bộ về công ty du lịch gần đấy. Sau đó thấy mọi người la toáng lên là hướng trung tâm ITC có cháy, tôi còn không tin, quay trở lại và chứng kiến, đau lòng lắm các bạn ạ”.

“Tôi lúc đó mới 18 tuổi, đã chứng kiến trực tiếp cảnh tượng khủng khiếp trên. Nhìn trực tiếp từ lầu 4 trường Kỹ thuật Cao Thắng gần đó, tôi thấy con người thật nhỏ bé so với đám cháy. Phút chốc gió đổi chiều, họ bị chìm trong đám khói đen khổng lồ. Rồi gió nhanh chóng đổi chiều ngược lại thì thấy không còn ai. Thật đau lòng và khủng khiếp”.

“Năm đó tôi học lớp 10, trường Gò Vấp 3. Cứ khoảng 30 phút là tôi thấy xe cứu thương chở các thi thể về nhà tang lễ Phạm Ngũ Lão để xác định ADN. Ký ức đó tôi mãi không thể quên được. Xin chia buồn cùng các gia đình nạn nhân và cảm ơn các chiến sĩ PCCC vì dân quên thân phục vụ”.

“Lúc nghe tin về vụ cháy, tôi còn đang ở quê. Đó là cảm giác kinh hoàng nhưng xa xôi. Đến khi đi làm, gặp chị đồng nghiệp, chị ấy kể trong 60 nạn nhân hôm đó có bạn trai cũ của chị. Không ai khác chị là người đi nhận dạng, chân tay anh ấy co quắp. Đó là nỗi ám ảnh cả đời chị. Và hơn lúc nào hết, tôi cảm nhận nỗi đau đó quá lớn và quá gần”.

Từ trung tâm thương mại sầm uất, toà nhà ITC bị thiêu rụi hoàn toàn, phải đập bỏ sau cơn hoả hoạn

Sau vụ cháy toà nhà ITC bị hư hỏng nặng, không thể phục hồi và sau đó bị đập bỏ. Năm 2007, UBND TP. HCM cấp phép Dự án xây dựng tòa tháp SJC trên nền cũ của toà nhà ITC. Tòa tháp SJC cao 208m, gồm 54 tầng cao và 6 tầng hầm, có diện tích gần 4.000 m2, là tổ hợp trung tâm thương mại, văn phòng, căn hộ, nhà hàng…

Tuy nhiên quá trình thi công xây dựng tòa tháp SJC bị đình trệ nhiều năm. Đến tháng 12/2016 mới chính thức khởi công trở lại, dự kiến hoàn thành sau 4 năm. Nhưng đến tháng 8/2022, khu vực xây dựng tòa tháp này vẫn chưa có thay đổi, khu đất bỏ hoang được rào lại tứ phía.