Hôm nay (2/9), Bình Dương bắt đầu triển khai tiêm 1 triệu liều vắc xin Vero Cell

Tỉnh Bình Dương vừa được phân bổ 1 triệu liều vắc xin Vero Cell của Sinopharm để tiêm cho người dân.

Theo thông tin đăng tải trên báo Tuổi trẻ, sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết đã nhận được những lô vắc xin Sinopharm đầu tiên trong tổng số 1 triệu liều từ TP.HCM và sẽ bắt đầu tiêm từ hôm nay (2/9). Trong đó, hai thành phố sẽ triển khai tiêm đầu tiên là Thủ Dầu Một và Dĩ An.

Ông Nguyễn Hoàng Thao - phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Bình Dương cho biết, trước khi nhận 1 triệu liều Sinopharm từ TP.HCM thì thời gian trước tỉnh đã tiêm loại vắc xin này cho công dân Trung Quốc và người chuẩn bị đi du học Trung Quốc trên địa bàn tỉnh.

Báo cáo kết quả 16.000 người đã tiêm Sinopharm tại Bình Dương đều có sức khỏe ổn định, chỉ có 1 người có phản ứng nhẹ sau tiêm.

20210807114422mp4snapshot001620210901184023-16304964512591315734902-1630541473.jpg
Một người lao động tiêm vắc xin trong khu công nghiệp tại Bình Dương - Ảnh: Tuổi trẻ

Bình Dương đang là địa bàn "nóng" về Covid-19 với tỉ lệ ca mắc rất cao, hiện đã chiếm gần 5% dân số nên rất cần tăng độ phủ vắc xin trong cộng đồng để phòng chống dịch.

Tới nay Bình Dương mới tiêm được gần 1 triệu liều vắc xin, trong đó số người được tiêm hai mũi còn rất ít. Trong khi đó, tổng nhu cầu vắc xin cho 1,5 triệu người độ tuổi trên 18 tuổi là tới 3,2 triệu liều. Ngay cả trong trường hợp có thêm 1 triệu liều Sinopharm thì Bình Dương vẫn còn thiếu vắc xin.

Trong ngày 1/9, Bình Dương tiếp tục ghi nhận thêm 3.440 ca mắc Covid-19 mới, nâng tổng ca mắc lên 118.228 ca, tiếp tục là nơi có tỉ lệ ca mắc trên dân số cao nhất cả nước. Trong đó đã có 936 người tử vong vì Covid-19, riêng trong ngày 1/9 thêm 39 người tử vong.

Thông tin trên báo Chính Phủ cho biết thêm, vắc xin Vero Cell đã được Tổ chức Y tế Thế giới phê duyệt, hiện đã được nhiều nước trên thế giới đưa vào tiêm chủng.

Tại Việt Nam, lô vaccine nhập về đã được Viện Kiểm định quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế (trực thuộc bộ Y tế) kiểm định chất lượng và xác nhận đủ điều kiện để đưa ra sử dụng.

Một số tỉnh, thành đã triển khai tiêm rộng rãi vắc xin Vero Cell cho người dân như Hải Phòng, Đồng Nai (đã tiêm khoảng 3.000 liều), TP. Hồ Chí Minh (đã tiêm hơn 900.000 liều). Tại Bình Dương, 17.000 liều vắc xin Vero Cell cũng đang được tiêm và đến nay đều an toàn.

Tính đến thời điểm này, Việt Nam có 6 loại vắc xin phòng Covid-19 đã được bộ Y tế cấp phép sử dụng, trong đó có vaccine Vero Cell của Sinopharm. Tất cả các thành phần trong vaccine phòng Covid-19 nêu trên đều được nghiên cứu kỹ và thẩm định tính an toàn cho con người.

Theo quy định của Tổ chức Y tế thế giới, vắc xin trước khi đưa vào sử dụng khẩn cấp bắt buộc phải thử nghiệm lâm sàng trên người với 3 giai đoạn, trên nguyên tắc bảo đảm 3 yếu tố: An toàn, sinh miễn dịch và hiệu quả bảo vệ. Kể cả sau khi đã được phê duyệt, các loại vắc xin trên đều phải liên tục bổ sung, cập nhật các thông tin, dữ liệu liên quan đến tính an toàn, hiệu quả của vắc xin trong quá trình sử dụng.

Khi đã được tiêm vaccine phòng Covid-19, với mũi tiêm đầu tiên phải mất ít nhất 14 ngày, cơ thể mới sinh ra kháng thể để tạo hàng rào bảo vệ và hiệu quả bảo vệ lúc này còn thấp. Sau khi tiêm mũi thứ 2 từ 30 ngày trở đi thì vắc xin mới phát huy tác dụng và đạt hiệu quả bảo vệ tối ưu từ 65 % – 90% tùy theo loại vắc xin được tiêm và sự đáp ứng miễn dịch của từng người.

Mặc dù hiệu lực của vắc xin không phải 100% nhưng theo các chuyên gia, đây vẫn là vũ khí hữu hiệu giúp phòng ngừa và tiến tới tạo miễn dịch cho cộng đồng để phòng, chống dịch Covid-19. Vì vậy, mọi người dân hãy tiêm vắc xin ngay khi tới lượt và vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất. Tiêm vắc xin phòng Covid-19 là quyền lợi đối với bản thân, là trách nhiệm đối với cộng đồng.