Hướng dẫn về việc quy đổi thu nhập để tính thuế thu nhập cá nhân

Tổng cục Thuế đã có công văn hướng dẫn về việc quy đổi thu nhập từ lương NET để tính thuế thu nhập cá nhân.

Tổng cục Thuế đã có Công văn số 5250/TCT-DNNCN về việc quy đổi thu nhập để tính thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Cụ thể, Tổng cục Thuế hướng dẫn về việc quy đổi thu nhập từ lương NET để tính thuế thu nhập cá nhân.

Tổng cục Thuế cho biết, tại Khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính quy định các khoản thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công.

Theo đó, thu nhập từ tiền lương, tiền công là thu nhập người lao động nhận được từ người sử dụng lao động, bao gồm: Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công dưới các hình thức bằng tiền hoặc không bằng tiền....

Khoản 2 Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định giảm trừ đối với các khoản đóng bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện. Các khoản đóng bảo hiểm bao gồm: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số ngành nghề phải tham gia bảo hiểm bắt buộc.

Tại Khoản 1 Điều 14 Thông tư 92/2015/TT-BTCC ngày 15/6/2015 của Bộ Tài chính quy định thu nhập làm căn cứ quy đổi thành thu nhập tính thuế là thu nhập thực nhận (không bao gồm thu nhập được miễn thuế) cộng (+) các khoản lợi ích do người sử dụng lao động trả thay cho người lao động (nếu có) trừ (-) các khoản giảm trừ. ...

Công thức xác định thu nhập làm căn cứ quy đổi: Thu nhập làm căn cứ quy đổi = Thu nhập thực nhận + Các khoản trả thay - Các khoản giảm trừ

Trong đó, thu nhập thực nhận là tiền lương, tiền công không bao gồm thuế mà người lao động nhận được hàng tháng (không bao gồm thu nhập được miễn thuế).

Các khoản trả thay là các khoản lợi ích bằng tiền hoặc không bằng tiền do người sử dụng lao động trả cho người lao động theo hướng dẫn tại điểm đ, khoản 2, Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC và khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 11 Thông tư 92/2015/TT-BTC.

Các khoản giảm trừ bao gồm: giảm trừ gia cảnh; giảm trừ đóng bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện; giảm trừ đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học theo hướng dẫn tại Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC và Điều 15 Thông tư 92/2015/TT-BTC....”.

Tại Điểm đ, Khoản 2, Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thu nhập từ tiền lương, tiền công là thu nhập người lao động nhận được từ người sử dụng lao động, bao gồm: Các khoản lợi ích bằng tiền hoặc không bằng tiền ngoài tiền lương, tiền công do người sử dụng lao động trả mà người nộp thuế được hưởng dưới mọi hình thức:..

Tổng cục Thuế cũng cho biết, về trường hợp tương tự, Bộ Tài chính đã có Công văn 2037/BTC-TCT ngày 16/02/2017. Tổng cục Thuế đề nghị Cục Thuế thành phố Hà Nội nghiên cứu các quy định và tham khảo văn bản hướng dẫn nêu trên, căn cứ trường hợp cụ thể để hướng dẫn đơn vị thực hiện theo đúng quy định.

Lương NET là gì?

Khái niệm về lương NET cũng không được các văn bản phạm luật ghi nhận nhưng lại thường xuyên được doanh nghiệp sử dụng khi thỏa thuận về tiền lương với người lao động. Thuật ngữ này được bắt nguồn từ cụm “net income” trong tiếng Anh, chỉ thu nhập ròng sau khi hạch toán tất cả các chi phí và thuế.

Theo đó, có thể hiểu đơn giản, lương NET là tiền lương thực nhận của người lao động sau khi doanh nghiệp đã trừ hết các loại khoản chi phí đóng bảo hiểm hiểm bắt buộc, thuế thu nhập cá nhân.

Như vậy, người nhận lương NET sẽ được sở hữu luôn số tiền mà doanh nghiệp đã cam kết trả cho mình. Cùng với đó, người này cũng không mất công tính toán và không phải trích đóng các khoản khác.

T.M