Cú hích từ làng nghề hoa – cây cảnh
Vừa chăm chú cắt tỉa những cây hoa giấy lâu năm để tham gia trưng bày tại lễ hội Gióng đền Phù Đổng, huyện Gia Lâm năm 2022, ông Lê Thanh Cao, thôn Phù Đổng 1, xã Phù Đổng vừa cho biết: “Năm nay, chương trình hội Gióng có rất nhiều nội dung giới thiệu, quảng bá sản phẩm đặc sắc của địa phương như: Hội chợ cây cảnh, hoa giấy Phù Đổng; trưng bày các sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề truyền thống của địa phương; giới thiệu, xúc tiến quảng bá du lịch của Gia Lâm và Hà Nội. Tôi chuẩn bị một số cây đẹp nhất, độc đáo nhất để mang ra lễ hội”.
Vào nghề từ năm 2014 với 3 sào ruộng của gia đình, đến nay ông Lê Thanh Cao đã mở rộng sản xuất hoa giấy ra 4 khu ruộng với tổng diện tích gần 5 mẫu, bằng hình thức thuê ruộng của những người dân xung quanh. Hiện tại, gia đình ông có khoảng 4.000 cây hoa thành phẩm các loại như: Tím Huế, Thái, đỏ, vàng, hồng; cùng khoảng 5.000 cây giống. Với giá bán từ 40.000 đồng đến 10 triệu đồng/cây hoa thành phẩm và 10.000 đồng/bầu giống, mỗi năm trừ chi phí, gia đình ông thu lãi khoảng 300 triệu đồng.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Lê Thanh Cao không giấu nổi niềm tự hào về nghề trồng hoa giấy truyền thống trên quê hương Phù Đổng. Ông mong muốn, với sự quan tâm của các cấp, ngành, đặc biệt là UBND huyện Gia Lâm, thời gian tới, nghề trồng hoa giấy xã Phù Đổng sẽ có nhiều cơ hội vươn xa, được nhiều người biết đến, đem lại giá trị kinh tế cao, góp phần vào những sản phẩm đặc sắc của Thủ đô và cả nước.
Theo Chủ tịch UBND xã Phù Đổng Trần Xuân Tĩnh, cuối năm 2020, xã Phù Đổng được UBND TP công nhận “Làng nghề hoa giấy Phù Đổng”. Ngay sau đó, UBND xã Phù Đổng đã xây dựng thương hiệu tập thể “Hoa giấy Phù Đổng” và đề xuất UBND TP đánh giá là sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Từ năm 2021 đến nay, xã Phù Đổng tiếp tục quy hoạch xây dựng những mô hình chuyển đổi điểm gắn với phát triển du lịch sinh thái vườn đồng, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu gắn với các tiêu chí thành lập phường.
Đặc biệt, thực hiện “Đề án Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo vùng nông nghiệp chuyên canh xã Phù Đổng giai đoạn 2021-2025” của UBND huyện Gia Lâm, năm 2021, UBND xã Phù Đổng đã chuyển đổi được 30ha (đạt 150% chỉ tiêu Nghị quyết HĐND xã giao) từ đất trồng lúa, màu kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, hoa cây cảnh và mô hình VA. Bên cạnh đó, xã đã triển khai thực hiện mô hình thí điểm vườn cà gắn với truyền thuyết Thánh Gióng - Phù Đổng Thiên Vương và mô hình sản xuất rau an toàn tại thôn Đổng Viên; các ban ngành, đoàn thể xây dựng các mô hình chuyển đổi vườn đồng phục vụ phát triển du lịch.
Kết quả đến hết năm 2021, diện tích chuyển đổi của các hộ dân xã Phù Đổng là 258,89ha, trong đó có 116,36ha trồng hoa, cây cảnh; 142,53ha trồng cây ăn quả. Trong năm, đã có 17,42ha được chuyển đổi sang VA. Giá trị thu nhập đối với hoa, cây cảnh đạt 780 triệu đồng/ha/năm; cây ăn quả đạt 290 triệu đồng/ha/năm. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã Phù Đổng năm 2021 ước đạt 69,3 triệu đồng/người/năm. Xã đã hoàn thành 6/9 tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu; đạt 12/16 tiêu chí xây dựng xã thành phường. Tháng 11/2021, xã Phù Đổng được UBND TP Hà Nội ban hành quyết định công nhận điểm du lịch Phù Đổng.
Những điểm mới của Lễ hội Gióng đền Phù Đổng năm 2022
Lễ hội Gióng đền Phù Đổng năm 2022 diễn ra trong 4 ngày, từ ngày 6 - 9/5/2022 (tức ngày mùng 6 đến mùng 9 tháng Tư năm Nhâm Dần), tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt đền Phù Đổng và các điểm du lịch xung quanh Khu di tích, do UBND huyện Gia Lâm tổ chức.
Theo ông Nguyễn Đức Hồng – Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm, Lễ hội Gióng đền Phù Đổng năm 2022 sẽ bao gồm phần lễ và phần hội đan xen nhau, với đầy đủ các nội dung của lễ hội truyền thống. Riêng năm 2022, do là lễ hội chính được mở (5 năm 1 lần) nên UBND huyện Gia Lâm tổ chức với quy mô đặc biệt lớn, có rất nhiều điểm mới.
Theo đó, phần lễ bao gồm Lễ hội Gióng đầy đủ với các hoạt động: Tế Thánh, ngoại đàn tại sân Đền Thượng; rước khám đường; rước cỗ về Đền Mẫu; kén Tướng; khao quân và đặc biệt là hội trận truyền thống tại hai địa điểm Đống Đàm và Soi Bia diễn ra vào ngày 9/4 Âm lịch. Phần hội bao gồm các hoạt động: Trưng bày giới thiệu các sản phẩm OCOP, sản phẩm văn hóa du lịch; các hoạt động văn hóa, văn nghệ truyền thống (hát tuồng, chèo, quan họ, múa rối nước, giao lưu văn nghệ giữa các CLB văn nghệ); các hoạt động thể dục thể thao (thi đấu giải cầu lông, bóng chuyền, cờ tướng, vật dân tộc…)
Đến nay, công tác chuẩn bị cho Lễ hội Gióng đền Phù Đổng năm 2022 của UBND xã Phù Đổng đã được thực hiện khá chu đáo. Trong đó, các vai tham gia lễ hội được chuẩn bị từ trước hơn 1 tháng, bao gồm: Ông Hiệu Cờ - người thôn Đổng Xuyên; ông Hiệu Trung Quân - người thôn Phù Đổng; ông Hiệu Chiêng - người thôn Phù Dực; ông Hiệu Trống - người thôn Đổng Viên; ông Hiệu Tiểu cổ - 2 người thôn Phù Đổng; ông Tiên Nghiêm - người thôn Đổng Xuyên.
Đặc biệt, do là lễ hội chính nên năm nay, Lễ hội Gióng đền Phù Đổng có 28 Cô Tướng đến từ các thôn và đội quân Phù Giá 74 người, trong đó có 4 xướng xuất là người được chọn trong đội Phù Giá. Đoàn Ải Lao 27 người; Làng áo Đỏ 34 em; Làng áo Đen 40 người; Bát tiên 8 người...
Các vai tham gia Lễ hội đều được lựa chọn trong các gia đình đảm bảo những tiêu chuẩn nhất định. Cá nhân người tham gia các vai trong Lễ hội phải là người địa phương, đảm bảo các tiêu chuẩn như: Có sức khỏe tốt, đủ điều kiện đáp ứng nhiệm vụ phục vụ Lễ hội; có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước.
Để công tác tổ chức Lễ hội Gióng đền Phù Đổng được đảm bảo an toàn, trang nghiêm, UBND huyện Gia Lâm đã ban hành kế hoạch tổ chức Lễ hội Gióng năm 2022 và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng phòng, ban, đơn vị và các xã liên quan. Lễ hội Gióng đền Phù Đổng năm 2022 hứa hẹn là điểm đến đặc biệt hấp dẫn với du khách gần xa khi đến tham quan, trẩy hội.
Theo Kinh tế Đô thị