Imexpharm: Lợi nhuận đi lùi 3 quý liên tiếp

Do biến động giá nguyên liệu đầu vào, giảm sản lượng sản xuất khiến lợi nhuận sau thuế của Imexpharm giảm 17% xuống gần 66 tỷ đồng trong quý II/2024

Công ty Cổ phần Dược phẩm Imexpharm (HoSE: IMP) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2024 với doanh thu thuần đạt 517,1 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, đà tăng của giá vốn hàng bán mạnh hơn đà tăng của doanh thu nên biên lãi gộp thu hép từ 43,9% xuống 39,8% ở kỳ này; lãi gộp ghi nhận ở mức 200,6 tỷ đồng.

Trong khi đó, chi phí bán hàng tăng 18% lên 83,5 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 22% so với cùng kỳ năm trước lên 31,2 tỷ đồng.

Kết quả, Imexpharm ghi nhận lợi nhuận sau thuế gần 66 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ và là quý thứ 3 liên tiếp tăng trưởng âm của công ty.

Giải trình về biến động này, Ban lãnh đạo Imexpharm cho biết, lợi nhuận giảm do biến động giá nguyên liệu đầu vào, giảm sản lượng sản xuất tại nhà máy IMP 1 do thị trường OTC tăng trưởng chậm và nhà máy IMP 4 chính thức đi vào hoạt động (từ quý III/2023) kéo theo chi phí khấu hao và vận hành tăng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Imexpharm ghi nhận doanh thu thuần tăng 10% lên 1.008 tỷ đồng. Cấn trừ đi các chi phí, lợi nhuận sau thuế của công ty giảm 19% xuống 128 tỷ đồng và mới thực hiện được 30% kế hoạch đề ra.

Tính đến 30/6/2024, tổng tài sản của Imexpharm chạm mốc 2.505 tỷ đồng, tăng 5% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, doanh nghiệp có 258,5 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi, tăng 30% so với đầu năm.

Giá trị hàng tồn kho tăng nhẹ lên 713 tỷ đồng; chủ yếu là nguyên vật liệu với gần 440 tỷ đồng và hơn 212 tỷ đồng thành phẩm.

Thời điểm cuối quý II/2023, Imexpharm có 427,3 tỷ đồng nợ phải trả, tăng 39% so với đầu năm và toàn bộ là nợ ngắn hạn. Vay nợ thuê tài chính ngắn hạn của doanh nghiệp tăng gần gấp đôi lên 96,4 tỷ đồng, đây là khoản vay Ngân hàng Shinhan Bank.

Trên thị trường chứng khoán, sau khi lập đỉnh lịch sử ở mốc 93.400 đồng/cổ phiếu vào ngày 16/7 vừa qua, mã IMP đã có liên tiếp 4 phiên điều chỉnh về mức giá 78.900 đồng/cổ phiếu. Sang phiên sáng ngày 23/7, sau khi công bố báo cáo tài chính thì thị giá IMP đã tăng 3,7% lên quanh vùng 84.000 đồng/cổ phiếu.

Nhìn xa hơn, từ đầu năm đến nay cổ phiếu này đã tăng hơn 65%, từ vùng giá 51.000 đồng/cổ phiếu lên mức giá hiện tại. Tuy nhiên, thanh khoản chỉ khoảng 48.000 đơn vị/phiên.

Imexpharm: Lợi nhuận đi lùi 3 quý liên tiếp- Ảnh 1.

Diễn biến thị giá cổ phiếu IMP (Nguồn: FireAnt).

Phiên hôm nay (23/7) cũng là ngày Imexpharm thực hiện trả cổ tức bằng tiền cho cổ đông hiện hữu với tỉ lệ 10%. Ngoài ra, trong thời gian tới (muộn nhất là quý IV) công ty cũng thực hiện trả cổ tức bằng cổ phiếu theo tỉ lệ 10%.

Về cơ cấu cổ đông, hiện SK Investment Vina III đang nắm giữ 64,8% vốn tại Imexpharm, tương đương gần 50 triệu cổ phiếu IMP. SK Investment Vina III đầu tư vào Imexpharm từ cuối tháng 5/2020 sau khi nhận chuyển nhượng 12,3 triệu cổ phiếu IMP, tương đương 24,9% vốn điều lệ công ty từ các quỹ thuộc nhóm Dragon Capital cùng với CAM Vietnam Mother Fund, Kingsmead, Mirae Asset. Từ đó đến nay, quỹ này cũng liên tục rót vốn vào Imexpharm để tăng tỉ lệ sở hữu.

SK Investment Vina III Pte Ltd là quỹ thành viên của SK Group đến từ Hàn Quốc. SK Group là một trong những tập đoàn đa ngành lớn nhất Hàn Quốc, với các lĩnh vực hoạt động như viễn thông, công nghệ, điện tử, năng lượng, logistics và dịch vụ.

Cổ đông lớn kế tiếp là Tổng Công ty Dược Việt Nam – CTCP (UCCoM: DVN) và CTCP Đầu tư Bình Minh Kim sở hữu lần lượt 22,03% và 9,75% vốn điều lệ Imexpharm, tương đương nắm giữ gần 17 triệu và 7,5 triệu cổ phiếu IMP.

Với các tỉ lệ sở hữu trên, ước tính SK Investment Vina III sẽ nhận gần 50 tỷ đồng, Dược Việt Nam nhận gần 17 tỷ đồng và Bình Minh Kim nhậnn 7,5 tỷ đồng từ đợt trả cổ tức bằng tiền mặt này.

 
Trần Thị Tú Anh/Người đưa tin