Nếu như Mai Châu những năm gần đây đã dần trở nên quá tải khách du lịch vào những mùa hoa nở thì Pù Luông là địa danh lý tưởng cho du khách tìm đến khám vẻ đẹp mộc mạc, nguyên sơ của núi rừng Tây Bắc.
Pù Luông thuộc địa phận hai huyện Quan Hóa và Bá Thước tỉnh Thanh Hóa, nơi đây được thành lập năm 1999 với diện tích 17.662 ha. Trong đó 13.320 ha là khu vực bảo vệ nghiêm ngặt, còn lại 4.343 ha là khu vực phục hồi sinh thái.
Tên gọi Pù Luông được đặt theo tiếng của đồng bào dân tộc Thái có nghĩa là Đỉnh núi cao nhất trong vùng. Pù Luông được đánh giá là khu bảo tồn thiên nhiên có giá trị khoa học, kinh tế xã hội và du lịch sinh thái. Cùng với Pù Hu, rừng ở khu vực Pù Luông đóng vai trò quan trọng trong việc phòng hộ đầu nguồn sông Mã ở tỉnh Thái Hóa.
Pù Luông với những thửa ruộng bậc thang, núi rừng hoang sơ cùng nếp nhà giản dị nép mình bên sườn đồi từ lâu đã là miền đất hứa của các phượt thủ thích khám phá. Đến với Pù Luông, du khách sẽ thực sự được hòa nhập vào thiên nhiên phóng khoáng, ngủ trong những căn nhà sàn, tách biệt hẳn với thế giới hiện tại. Không có Internet, thậm chí một số nơi còn không có cả điện thoại, cư dân sinh sống ở đây chủ yếu là người dân tộc Thái, vô cùng hiếu khách.
Thời điểm tuyệt nhất để đến thăm Pù Luông là khoảng tháng 6 và tháng 10, khi lúa rộ lên chín vàng trên các thửa ruộng bậc thang bên sườn đồi, điểm tô cho thảm xanh Pù Luông nét vẻ trù phú, yên bình và thơ mộng. Tuy nhiên, du khách có thể đến đây vào bất cứ mùa nào trong năm để thư giãn cùng không gian mát mẻ, quanh năm sương mù bao phủ ở một số bản vùng cao.
Theo những con đường mòn, du khách sẽ tới được các bản Hiêu, Đôn, Kho Mường…, tại đó những nếp nhà sàn thanh bình nằm sát bên nhau, bao bọc xung quanh là những thửa ruộng bật thang tuy không trải dài tới chân trời như Mù Căng Chải song lại có một vẻ đẹp riêng, khiêm nhường, giản dị.
Cư dân trong bản nhiều người không nói thông thạo tiếng phổ thông, các dịch vụ du lịch còn rất ít, chính điều này lại tạo nên sức hấp dẫn cho Pù Luông, khi mà những địa danh như Mai Châu, Hòa Bình, Mù Căng Chải… đã quá đông khách du lịch.
Hành trình được yêu thích nhất khi tới Pù Luông là đi bộ xuyên qua vùng lõi khu bảo tồn, cắm trại ngủ qua đêm ở làng Đôn, tận hưởng vẻ đẹp thanh bình của dòng suối Chăm, chảy giữa thung lũng xa Ban Công và huyện Bá Thước.
Trong khi các vùng núi khác gần như đã không còn thấy xuất hiện các cọn nước thì tại đây cọn nước vẫn ngày đêm cần mẫn quay tròn, đưa nước từ sông lên những dòng kênh đào nhỏ và theo hệ thống dẫn nước bằng tre đổ về những vạt ruộng xa.
Trong những ấn phẩm du lịch, Pù Luông được giới thiệu là vùng sinh thái – nơi sinh tồn của hơn 1.540 loài thực vật và hơn 900 loài động vật. Trong đó, có nhiều loài động, thực vật quý hiếm được đưa vào sách đỏ thế giới như: Thông Pà Cò, nghiến, lan hài, kim tuyến đá vôi, vọoc xám, báo gấm, sơn dương, gấu đen châu Á…
Bên cạnh đó, hệ thống đá Karst của hệ sinh thái đá vôi trong các hang động tại đây cũng vô cùng kỳ vĩ. Ngoài ra, một điểm nữa không thể không nhắc đến, đóng góp phần lớn vào việc tạo nên sức hút cho Pù Luông đó chính là bản sắc văn hóa riêng của đồng bào dân tộc Thái.
Đặc sản của Pù Luông cũng như nhiều khu vực tại vùng rừng núi Tây Bắc có canh rau đắng, gà thả đồi, vị thả suối, rượu cần…Tuy không phải quá đa dạng, khác biệt nhưng thực phẩm tươi sạch, được nuôi thả tự nhiên nên vô cùng hấp dẫn du khách.
Mặc dù chưa có nhiều dịch vụ phục vụ du lịch, điều kiện sinh hoạt vẫn còn thiếu thốn song Pù Luông lại có sức hấp dẫn riêng đối với nhưng người yêu thiên nhiên, thích trải nghiệm cuộc sống của đồng bào dân tộc cũng như tìm hiểu về văn hóa đậm đà bản sắc của dân tộc Thái.
Theo Thanh Hóa News