Mẹ và những chiến binh không đầu hàng
Đằng sau mỗi người mẹ đang chiến đấu với ung thư là cả một mái ấm đang được giữ vững bằng tình yêu và nghị lực.
Ngồi trong không gian ấm cúng của chương trình “Đồng hành cùng chiến binh K - Lần thứ 12” tại lầu 7 Trung tâm Ung bướu - Bệnh viện Chợ Rẫy, lắng nghe tiếng nhạc nhẹ nhàng hòa cùng giọng đọc đều đều kể về một người mẹ tảo tần. Nhiều bệnh nhân bỗng im lặng, ánh mắt rưng rưng, bởi trong mỗi câu chuyện xa lạ ấy, dường như ai cũng thấy thấp thoáng bóng hình của chính mình những ngày có mẹ kề bên.
Nghe chuyện đọc về mẹ, nhiều bệnh nhân không kìm được nước mắt.
Nghe những trang sách kể về tình mẹ, nước mắt cô Nguyễn Thị Minh Thuận (sinh năm 1969, Kiên Giang) lăn dài trên mặt lúc nào không hay. "Mẹ tôi mất rồi mà sao tôi vẫn nhớ, nhớ hoài, như mới hôm qua thôi. Giờ ngồi đây, nghe chuyện về mẹ, tôi thấy mình như quay lại những ngày cũ, nhớ mẹ đến nao lòng”, cô Thuận nghẹn lời.
Cô Thuận kể, cô là mẹ đơn thân, một mình nuôi con gái khôn lớn. Trong những năm tháng chông chênh nhất của đời mình, mẹ là người luôn lặng lẽ bên cạnh. Những ngày mẹ còn khỏe, buổi chiều hai mẹ con thường ngồi bên nhau trước hiên nhà, kể nhau nghe đủ thứ chuyện. Năm 2021, mẹ cô qua đời, nỗi mất mát ấy, đến giờ vẫn chưa thể nguôi ngoai.
Nhắc về mẹ, cô Thuận lại quay sang nhớ đến con gái đang ở nhà. Từ đầu năm 2025 đến giờ, cô thường xuyên nhập viện điều trị ung thư tuyến vú tại Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Chợ Rẫy. Số ngày cô nằm viện còn nhiều hơn ở nhà. Những cuộc gọi video ngắn ngủi, đôi dòng tin nhắn vội vàng là cách hai mẹ con giữ liên lạc. Dù biết con gái đã trưởng thành, có thể tự chăm sóc cho mình, nhưng nỗi lòng của người mẹ vẫn khiến cô lo lắng không thôi.
“Cả đời tôi làm tất cả vì hai người: mẹ và con. Giờ mẹ mất rồi, con là động lực lớn nhất để tôi cố gắng mỗi ngày. Tôi chỉ mong sao mình khỏe lại, để sớm được về nhà, làm mẹ trọn vẹn lần nữa”, cô Thuận tâm sự.
Cô Thuận không kiềm được nước mắt khi nhớ đến những ngày có mẹ ở bên.
Cùng ngồi ở hàng ghế phía trong, chị Lê Thị Ngọc Chi (39 tuổi, Long An) cũng chợt thấy nghèn nghẹn: “Chị nghe mà thương mẹ, rồi lại nhớ con”. Chị Chi là bệnh nhân ung thư tuyến vú. Căn bệnh được phát hiện hơn một năm trước, mang theo những ngày nằm viện triền miên và những đêm dài trằn trọc vì lo, không chỉ cho chính mình, mà còn cho những người chị thương nhất: mẹ già và con thơ.
Từ ngày nhập viện, mẹ chị khăn gói theo con lên TP.HCM, túc trực bên giường bệnh không rời nửa bước. Dù đã là người phụ nữ gần 40 tuổi, chị Chi vẫn thấy mình bé nhỏ khi mẹ lặng lẽ đắp lại chăn, pha cho ly nước ấm, ngồi bên xoa lưng mỗi khi chị đau.
Làm mẹ rồi, chị mới hiểu hết lòng mẹ. Hiểu sao ngày xưa mẹ hay lặng lẽ đứng đợi trước cổng, chỉ vì sợ con về trễ không thấy ai đón. Hiểu sao mẹ ít nói, nhưng luôn biết con mình cần gì. Hiểu sao một bát cơm canh đơn sơ, có bàn tay mẹ nấu, lại khiến người ta thấy ấm lòng đến vậy.
Càng hiểu chị lại càng cảm thấy day dứt: “Nhiều lúc tôi thấy có lỗi với mẹ, mẹ già rồi mà còn phải chăm sóc tôi. Nghĩ mà thương mẹ đứt ruột”.
Thương mẹ già, nhớ con nhỏ, chị Chi chỉ mong sớm khỏe mạnh để về nhà.
Giữa lúc yếu đuối nhất đời mình, chị Chi không chỉ là một người con cần mẹ chở che mà còn là một người mẹ đang nhớ con đến quặn lòng. Hai đứa con nhỏ của chị ở quê đang gửi người thân chăm hộ, mong ngóng mẹ về từng ngày.
Một nửa là mẹ ở đầu giường bệnh, một nửa là con nơi quê nhà, tất cả đều là lý do khiến chị Chi chưa bao giờ cho phép mình gục ngã. Mẹ đã già, đâu theo chị mãi. Con còn nhỏ, còn cả chặng đường dài phía trước cần mẹ chở che. Giữa lằn ranh của đau đớn và hy vọng, chị gồng mình chống lại bệnh tật chỉ với một ước mong: “Muốn mau khỏe để về nhà còn lo cho con, rồi phụng dưỡng cho mẹ".
Bên kia giường bệnh
Không chỉ người bệnh trông ngóng ngày hết bệnh, cách khu điều trị chỉ vài dãy nhà, Nhà nghỉ cho thân nhân của Bệnh viện Chợ Rẫy là nơi những người con, người chồng, người cha cũng đang ngày đêm chờ cửa phòng bệnh. Trong một góc phòng ở khu nhà nghỉ, chị Phan Thị Tiền (32 tuổi, quê Bến Tre) ngồi lặng lẽ. Trước mặt chị là tô cháo còn nghi ngút khói, dành phần cho mẹ vừa phẫu thuật. Chị Tiền cho biết, mẹ chị là bà Trần Thị Phương (52 tuổi) mắc bệnh ung thư màng não, vừa phẫu thuật vào tháng 4/2025, hiện đang trong giai đoạn xạ trị để tránh tái phát.
Từ ngày mẹ nhập viện điều trị, chị Tiền gác lại công việc ở quê, để con nhỏ cho chồng chăm, khăn gói theo mẹ vào viện. Hơn một tháng nay, đều đặn mỗi sáng chị đưa mẹ đến phòng xạ trị, chiều lại dìu mẹ về nhà nghỉ, lau người, đút cháo, xoa bóp tay chân cho mẹ dễ ngủ. Những hôm mẹ mệt, ăn uống kém, chị ngồi bên kể chuyện quê, kể chuyện cháu ngoại ở nhà, mong mẹ bớt mỏi lòng.
Chị nhớ những ngày đầu, hai mẹ con chưa biết có nhà nghỉ hỗ trợ, để tiết kiệm tiền chi trả viện phí, mẹ và chị phải ngủ tạm trong khuôn viên bệnh viện. Chị lấy áo khoác che cho mẹ. Đêm thành phố lạnh, chị nằm nghiêng canh chừng mẹ, chỉ sợ mẹ trở bệnh giữa khuya.
“Tôi sao cũng được, miễn mẹ có chỗ nằm đàng hoàng, ăn được miếng cơm cháo nóng. Nhìn mẹ mệt, tôi chỉ ước mình mệt thay”, chị Tiền tâm sự
Có hôm chị mệt đến rã rời, nhưng chị vẫn cố ngồi thẳng lưng, gượng cười. “Tôi không dám yếu, không muốn mẹ thấy tôi đang lo”, chị nói.
Chị Tiền túc trực bên mẹ không quản ngày đêm, chỉ mong mẹ sớm khỏi bệnh.
Trên vai chị giờ là cả gia đình, vừa chăm mẹ, vừa ngóng con, vừa lo chạy vạy chi phí điều trị. Mỗi phần cháo phát miễn phí, mỗi suất cơm từ thiện đều trở thành một sự an ủi giữa thành phố đắt đỏ và đầy những âu lo.
“Tôi không mong gì hơn là mẹ xạ trị xong, bệnh đừng tái phát lại để mẹ sống khỏe, sống bình an bên con cháu”, chị Tiền nói mà mắt đỏ hoe.
Ở khu nhà nghỉ này, chị Tiền không phải là người duy nhất cỗ gắng giữ mẹ lại với cuộc đời. Có hàng chục người mẹ, người vợ đang nằm viện và bên cạnh họ là những người con, người chồng, người cháu âm thầm gánh vác, thương yêu.
Giữa trưa, khu vực tầng trệt của Nhà nghỉ cho người thân của Bệnh viện Chợ Rẫy vắng tiếng người. Dưới băng ghế dài, anh Trần Bạch Hổ (49 tuổi, quê Cần Thơ) ngồi im, tay phe phẩy chiếc quạt giấy. Mỗi nhịp quạt là một lần anh nhìn về phía vợ - chị Nguyễn Thị Ánh Nguyệt đang ngủ sau buổi truyền thuốc mệt lả.
Anh Hổ cho biết, vợ anh đang điều trị ung thư ống mật, căn bệnh phát hiện tình cờ sau một ca phẫu thuật ở quê. Từ đó đến nay, gần một năm, anh theo vợ đi viện không biết bao nhiêu lần. Hóa trị, tái khám, nằm viện, phục hồi chức năng, từng chặng anh đều có mặt.
Thương vợ cả đời vất vả, giờ lại mắc bệnh, anh Hổ cố gắng chăm sóc vợ tốt nhất có thể.
Anh kể, vợ anh là người đàn bà tảo tần, làm vợ, làm mẹ suốt mấy mươi năm. Từ khi có con, bà gần như không có ngày nghỉ. Bán buôn, cơm nước,... chuyện lớn nhỏ gì cũng tới tay.
“Vợ tôi lo cho chồng con cả đời. Giờ mới có lúc nằm nghỉ, mà là nằm bệnh viện”, anh Hổ ngậm ngùi nói.
Chi phí điều trị đã ngốn gần 300 triệu đồng, toàn bộ số tiền tiết kiệm. Do đó, anh không dám thuê trọ riêng vì không kham nổi. Cũng may, nhà nghỉ dành cho thân nhân của bệnh viện có thể lưu trú hoàn toàn miễn phí. Anh trải chiếu ngủ dưới đất. Gói cơm nguội, chỗ nằm nhà nghỉ, vài chuyến xe khách đi về, anh không nề hà.
“Tôi đâu dám mong gì nhiều. Tôi chỉ mong vợ tôi khỏe lại, ráng qua được hết mấy đợt thuốc men này. Miễn vợ tôi khỏe mạnh, cực mấy tôi cũng chịu”.
Anh không nói nhiều, nhưng từng câu, từng chữ như đã gói cả một đời người của một người phụ nữ làm mẹ, làm vợ và của một người đàn ông thương vợ theo cái cách mà chỉ thời gian và tình nghĩa mới có thể giữ gìn được.
Từ phòng bệnh lầu 7 đến khu nhà nghỉ dành cho thân nhân, từ ánh mắt người mẹ nhìn con, đến dáng ngồi người chồng cạnh vợ, tất cả đều là những lát cắt giản dị mà chân thành về tình cảm gia đình - nơi mẹ là trung tâm, là người giữ lửa. Và khi mẹ yếu đi, chính tình yêu ấy lại trở thành ngọn lửa giữ mẹ lại với cuộc đời.
Ngày 17/5/2025, tại lầu 7 Trung tâm Ung bướu – Bệnh viện Chợ Rẫy, chương trình “Đồng hành cùng chiến binh K” lần thứ 12 đã diễn ra với chủ đề “Tháng 5 của Mẹ – Tháng của yêu thương và hy vọng”. Sự kiện do Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy phối hợp cùng Khoa Tuyến vú và các tình nguyện viên tổ chức định kỳ 2 tháng/lần. Ngoài các hoạt động định kỳ như nhạc nhẹ, yoga, đọc sách và tặng quà, kỳ này có thêm hai điểm nhấn đặc biệt, bao gồm: tặng sách dinh dưỡng giúp bệnh nhân hiểu rõ nên ăn gì, tránh gì trong quá trình điều trị, từ đó giảm lo lắng, tăng sự chủ động và thêm vững tin vào hành trình hồi phục. Bên cạnh đó, bệnh nhân còn được thưởng thức bữa trưa vui vẻ với 200 suất cơm do nhà tài trợ trao tặng. Ngoài chương trình “Đồng hành cùng chiến binh K”, Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy còn tổ chức nhiều chương trình và hoạt động khác nhằm hỗ trợ bệnh nhân như: Chủ nhật chia sẻ yêu thương, Bếp yêu thương, các chương trình đồng hành cùng bệnh nhân suy thận,... |