Người hỏi: Phương Thảo, Thái Bình
Trả lời:
Cảm ơn Quý độc giả đã gửi câu hỏi đến Tòa soạn Phụ nữ & Pháp luật. Đối với các yêu cầu tư vấn của Quý độc giả, sau khi nghiên cứu các quy định pháp luật liên quan, chúng tôi có một số trao đổi như sau:
[1] Hành vi không cho vợ về nhà mẹ đẻ của mình là hành vi trái pháp luật
Căn cứ theo Khoản 2 Điều 19 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về tình nghĩa vợ chồng thì:
“2. Vợ chồng có nghĩa vụ sống chung với nhau, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc do yêu cầu của nghề nghiệp, công tác, học tập, tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và lý do chính đáng khác.”
Và căn cứ theo Điều 23 Hiến pháp 2013 thì “Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.”
Theo quy định của pháp luật thì vợ chồng phải có nghĩa vụ chung sống với nhau. Tuy nhiên, vợ chồng vẫn có quyền tự do đi lại và cư trú.
Vì vậy, Chị vẫn có quyền về nhà mẹ đẻ của mình và sinh sống ở đó. Do đó, hành vi cấm Chị về nhà mẹ đẻ ở của chồng chị đã vi phạm điểm a Khoản 1 Điều 52 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội và hành vi này có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.
“Điều 52. Hành vi cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý
Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Cấm thành viên gia đình ra khỏi nhà, ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân, bạn bè hoặc có các mối quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh nhằm mục đích cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý đối với thành viên đó”
[2]. Các trường hợp được đơn phương ly hôn theo quy định pháp luật
Căn cứ theo Khoản 1 Điều 51 Luật hôn nhân gia đình 2014 quy định về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn thì Chị có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn.
Và căn cứ theo Khoản 1 Điều 56 Luật hôn nhân gia đình 2014 quy định về các trường hợp ly hôn theo yêu cầu của một bên thì
“1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.”
Do đó, trong trường hợp Chị muốn đơn phương ly hôn thì cần có căn cứ chứng minh được Chồng chị có hành vi bạo lực gia đình, hoặc có những hành vi khiến cho cuộc sống hôn nhân trở nên trầm trọng, không thể kéo dài thêm. Khi đó Chị có thể làm đơn xin ly hôn theo yêu cầu của một bên và gửi cho tòa án có thẩm quyền.
[3]. Hồ sơ xin ly hôn theo yêu cầu của một bên bao gồm:
+ Đơn xin ly hôn;
+ Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn
+ Sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân của vợ, chồng
+ Giấy khai sinh của con chung
+ Các tài liệu, giấy tờ liên quan đến tài sản (nếu có tranh chấp về tài sản như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…)
[4]. Thủ tục ly hôn theo yêu cầu của một bên
Bước 1: Chị nộp hồ sơ khởi kiện về việc xin ly hôn tại TAND cấp quận/huyện nơi Chồng chị đang cư trú, làm việc.
Bước 2: Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn khởi kiện cùng hồ sơ hợp lệ Tòa án sẽ thụ lý giải quyết vụ án và sẽ ra thông báo nộp tiền tạm ứng án phí.
Bước 3: Căn cứ thông báo của Toà án, Chị phải nộp tiền tạm ứng án phí tại cơ quan thi hành án dân sự và nộp lại biên lai tiền tạm ứng án phí.
Bước 4: Tòa án thụ lý vụ án, tiến hành giải quyết vụ án theo thủ tục tố tụng dân sự.
Tư vấn bởi Công ty Luật FDVN