Không có CSGT đi cùng, công an xã được dừng xe xử phạt các lỗi gì?

Nội dung này được ghi nhận cụ thể tại điểm c khoản 2 Điều 33 Thông tư 32/2023/TT-BCA. Thông tư 32/2023/TT-BCA có hiệu lực từ ngày 15/9/2023.

Theo đó, trường hợp không có lực lượng CSGT đi cùng thì Công an xã vẫn được thực hiện việc tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch đã được phê duyệt, sau đó phải báo cáo tình hình, kết quả hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm cho lực lượng CSGT.

Công an xã chỉ được tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến đường xã và đường khác thuộc địa bàn xã quản lý.

Cũng theo Thông tư 32/2023/TT-BCA, công an xã được dừng xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe thô sơ để xử phạt các lỗi bao gồm:

Thứ nhất, không đội mũ bảo hiểm theo quy định.

Thứ hai, chở quá số người quy định.

Thứ ba, chở hàng hóa cồng kềnh, quá kích thước giới hạn quy định.

Thứ tư, dừng, đỗ xe không đúng quy định.

Thứ năm, phóng nhanh, lạng lách, đánh võng.

Thứ sáu, không có gương chiếu hậu ở bên trái.

Thứ bảy, sử dụng ô (dù).

Thứ tám, chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện.

Ngoài ra, nếu phát hiện phương tiện giao thông vi phạm nghiêm trọng về trật tự, an toàn giao thông, an ninh, trật tự xã hội mà không ngăn chặn kịp thời sẽ gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội thì cũng được xử lý theo quy định.

Trong quá trình xử lý vi phạm, nếu phát hiện hành vi vi phạm khác thì được xử lý theo thẩm quyền, nếu vượt quá thẩm quyền thì công an xã lập biên bản và báo cáo cấp có thẩm quyền ra quyết định xử phạt.

CSGT mặc thường phục được dừng xe ngăn chặn vi phạm

Căn cứ Điều 11 Thông tư 32/2023/T-BCA, Tổ CSGT được bố trí một bộ phận cán bộ hóa trang (mặc thường phục), phối hợp với bộ phận cán bộ tuần tra, kiểm soát công khai để thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm.

Tuy nhiên, bộ phận hoá trang và bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai phải giữ một khoảng cách thích hợp bảo đảm việc xử lý vi phạm kịp thời, đúng pháp luật.

CSGT mặc thường phục có nhiệm vụ trực tiếp quan sát, sử dụng phương tiện, thiết bị nghiệp vụ giám sát giao thông, phát hiện vi phạm.

Nếu phát hiện vi phạm thì phải thông báo ngay cho bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai để dừng xe xử lý theo quy định.

Đặc biệt, khi phát hiện hành vi vi phạm nghiêm trọng về giao thông đường bộ, an ninh, trật tự xã hội, nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội, làm thiệt hại đến tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân, tổn hại đến tính mạng, sức khỏe của người tham gia giao thông thì CSGT mặc thường phục được sử dụng Giấy chứng minh Công an nhân dân để thông báo, vận động nhân dân phối hợp, ngăn chặn ngay hành vi vi phạm.

Sau đó, thông báo và phối hợp với CSGT thuộc bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai để giải quyết tại nơi phát hiện vi phạm hoặc đưa đối tượng vi phạm về trụ sở Công an gần nhất để giải quyết.

Theo đó, CSGT mặc thường phục cũng có thể dừng xe để ngăn chặn các vi phạm nghiêm trọng về giao thông có khả năng gây ra hậu quả nguy hiểm nếu không ngăn chặn chịp thời.

Tuy nhiên, chiến sĩ CSGT không được trực tiếp xử phạt vi phạm mà phải phối hợp với lực lượng CSGT tuần tra, kiểm soát công khai để xử lý người vi phạm.

Không nộp phạt giao thông bị gửi thông báo cho cơ quan Đăng kiểm

Khoản 4 Điều 27 Thông tư 32/2023/TT-BCA quy định, trường hợp người vi phạm không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc đã quá thời hạn hẹn đến giải quyết vụ việc vi phạm ghi trong biên bản vi phạm hoặc văn bản thông báo mà chủ phương tiện, người vi phạm chưa đến giải quyết, xử lý thì với các phương tiện phải kiểm định, CSGT sẽ gửi thông báo cho cơ quan Đăng kiểm để phối hợp xử lý theo quy định.

Theo đó, nếu người vi phạm không nộp phạt vi phạm giao thông trong thời hạn quy định, phía CSGT sẽ gửi thông báo về phương tiện vi phạm tới cơ quan đăng kiểm. Điều này sẽ khiến phương tiện gặp rất nhiều bất tiện trong quá trình đi đăng kiểm.

Tuệ Minh