Không kiểm định chất lượng đại học: Dễ xuất hiện nhiều tiêu cực như trường đại học Đông Đô

Hiện nay, vẫn còn rất nhiều cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm chưa tham gia kiểm định chất lượng. Vì sao các trường không mấy “mặn mà” với việc khẳng định chất lượng này?

Khi lợi ích lấn át văn hóa chất lượng

Theo số liệu thống kê từ cục Quản lý chất lượng (bộ GD&ĐT), đến ngày 30/6/2021, có 160 cơ sở giáo dục đại học và 10 trường cao đẳng sư phạm được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục. Trong khi đó, cả nước có 242 trường đại học và 236 trường cao đẳng, như vậy, còn nhiều cơ sở giáo dục đại học chưa tham gia kiểm định chất lượng giáo dục.

Trao đổi về vấn đề này, GS.TS Võ Tòng Xuân (Nhà giáo nhân dân) cho rằng: “Về việc kiểm định chất lượng giáo dục của trường đại học, phần lớn các trường đại học tại các quốc gia tiên tiến được kiểm định, là những ngôi trường chất lượng có thành tích về giáo dục, nghiên cứu khoa học, đóng góp cho thế giới. Thứ nhất là nhà nước có sự tin tưởng, nhà trường được tin cậy, mà nếu có thiếu sót thì nhà nước sẽ tham gia giúp đỡ để đạt tiêu chuẩn. Quan trọng hơn là để cho người học và phụ huynh tin tưởng khi lựa chọn môi trường này sẽ học được những gì tốt nhất trong ngành của mình, và khi ra trường, đóng góp vào nguồn nhân lực chất lượng...

Nếu tất cả các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam đều có thể làm được như vậy thì đất nước sẽ phát triển giàu mạnh”.

Trước đó, bộ GD&ĐT cũng từng nhiều lần công bố mục tiêu đến năm 2020, 100% cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm được kiểm định. Luật Giáo dục đại học năm 2019 cũng quy định rõ, các chương trình đào tạo không được kiểm định sẽ dừng tuyển sinh. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn khá nhiều cơ sở giáo dục đại học chưa được kiểm định, số lượng chương trình đào tạo được kiểm định chiếm tỉ lệ nhỏ so với số lượng chương trình đang tuyển sinh đào tạo. Thực trạng “né” kiểm định chất lượng là do đâu?

img0469-1628762634.jfif
Tính đến ngày 30/6/2021, có 160 cơ sở giáo dục đại học và 10 trường cao đẳng sư phạm được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục.

TS. Lê Viết Khuyến (nguyên Vụ phó vụ Giáo dục đại học, bộ GD&ĐT) bày tỏ: “Theo tôi, thực tế, việc triển khai hoạt động đánh giá kiểm định chất lượng đã được tuyên truyền và thực hiện từ lâu lắm rồi. Bộ GD&ĐT cũng đã có những quy định về kiểm định chất lượng, tuy nhiên, việc công bố công khai những thông tin về kiểm định của từng cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng cho xã hội nắm được thì lại chưa làm được.

Chính vì vậy, một số ít các trường cảm thấy chưa “mặn mà”, chưa có sự tích cực tham gia vào hoạt động này. Mà nói chính xác hơn, là chưa đủ “uy lực” để khiến các trường thấy là dứt khoát phải tuân theo”.

Cụ thể, TS. Lê Viết Khuyến phân tích thêm: “Trên thực tế, nếu chỉ trông chờ vào sự tự giác của các cơ sở giáo dục, thì một số trường hợp tuy hoạt động của nhà trường chưa thực chất lượng lắm, nhưng họ cũng không cảm thấy có vấn đề gì. Bản thân các trường không thấy nhức nhối đối với chất lượng thì đâu thể thấy được tầm quan trọng của kiểm định chất lượng mà phát huy, làm tốt hơn được?

Có thể lấy ví dụ bê bối trong một số chương trình đào tạo của trường đại học Đông Đô (cũng như một số cơ sở giáo dục khác), khi người học cũng không có nhu cầu học chất lượng, chỉ chăm chăm vào việc học nhanh, lấy bằng, chăm chăm vào lợi ích cá nhân, và phía nhà trường cũng làm chuyện gian dối như vậy nhưng không thấy nhức nhối gì, nhà trường chỉ cần thu được tiền...

2-4-1628762634.jpg
Theo TS. Lê Viết Khuyến, khi các cơ sở giáo dục không muốn tham gia kiểm định, tức là còn bị lợi ích lấn át văn hóa chất lượng, sẽ còn nhiều tiêu cực nhưu sai phạm của trường đại học Đông Đô.

Như vậy, về mặt nhận thức từ phía xã hội, từ phía nhà trường cũng còn có nhiều vấn đề. Nếu chúng ta chỉ trông chờ vào sự hợp tác của bản thân mỗi nhà trường, trông chờ vào sự tự giác của các nhà trường để hình thành lên văn hóa chất lượng thì thực sự rất khó. Ở Việt Nam, văn hóa chất lượng là “đích đến”, nhưng còn lâu mới đạt được. Bởi, khi cả xã hội, từ nhà trường đến người học đều không cảm thấy nhức nhối khi tham gia vào những chương trình đào tạo không chất lượng, tức là thấy cái lợi trước mắt đã lấn át đi sự cần thiết phải có văn hóa chất lượng”.

Đồng tình với ý kiến trên, GS.TS Võ Tòng Xuân cũng nhấn mạnh: “Một số cơ sở giáo dục có uy tín thì rất quan tâm đến việc kiểm định chất lượng, để chứng minh chất lượng với toàn xã hội, để thu hút người học; còn với những cơ sở giáo dục chưa có thực chất thì thường “né” kiểm định và đưa ra những lời chiêu sinh rất thu hút, nhưng thực tế lại không đáp ứng được bao nhiêu”.

Tính chuyên nghiệp chưa cao do thiếu lực lượng kiểm định viên

Bên cạnh đó, cũng có một số nguyên nhân khách quan khiến việc kiểm định chất lượng giáo dục tại các cơ sở giáo dục đại học còn “ì ạch”. Theo TS. Lê Viết Khuyến, có một loại kiểm định mà thực tế xã hội rất cần, đó là kiểm định chương trình. Tuy nhiên, mỗi cơ sở giáo dục có thể có vài chục chương trình, thậm chí hàng trăm chương trình, vậy nên số lượng chương trình cần kiểm định là rất lớn.

“Chuyện này Việt Nam làm còn rất chậm. Và tôi vẫn có một cảm nhận là nếu có làm thì chúng ta mới chỉ làm mang tính chất hình thức. Tại sao tôi nói là hình thức? Là bởi, muốn kiểm định chương trình thì phải có các chuẩn chương trình, giống như một thước đo để đánh giá một chương trình tốt hay không... Mà trách nhiệm xây dựng chuẩn chương trình là do bộ GD&ĐT ban hành, tuy nhiên, hiện nay, hầu hết các chương trình đều chưa có chuẩn. Nếu chưa có chuẩn chương trình mà kiểm định thì thực chất là chỉ mang tính hình thức”, nguyên Vụ phó vụ Giáo dục đại học nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông cũng chỉ ra: “Đối với kiểm định chương trình, giống như ở các nước, phải do các hiệp hội nghề nghiệp, gồm những chuyên gia của từng lĩnh vực chuyên môn đứng ra tổ chức. Nếu ở Việt Nam làm được như thế thì tốt. Nhưng các hiệp hội nghề nghiệp ở Việt Nam hiện nay chưa làm được những chức năng như vậy. Một phần cũng là do không đủ các nhà chuyên môn với vai trò là các kiểm định viên. Chính vì vậy, tính chuyên nghiệp trong kiểm định chương trình của các tổ chức kiểm định hiện nay chưa cao”.

Để siết chặt chất lượng giáo dục tại các nhà trường, nguyên Vụ phó vụ Giáo dục đại học cũng đề cập: “Từ trước đến nay, để công nhận một trường hay một ngành đào tạo, vẫn phải thông qua bộ GD&ĐT, nên nếu khâu này làm không tốt sẽ xuất hiện nhiều chương trình dởm.

Ngay cả phía cơ quan quản lý cũng xuất hiện xu hướng “hạ chuẩn”, tạo ra một cuộc chạy đua theo số lượng mà bỏ quên chất lượng, vô tình lại “tiếp tay” cho các cơ sở giáo dục dựa vào đó để “hợp thức hóa”.

Trước hết, cần để các trường được tự chủ nhưng vẫn phải chấp nhận sự giám sát từ phía các cơ quan quản lý nhà nước. Nếu làm tốt vấn đề này thì tiêu cực sẽ rất khó xảy ra, hoặc có xảy ra cũng rất hãn hữu, còn nếu không làm tốt, mà “thả nổi” thì chuyện này sẽ thành phổ biến, tràn lan”.

GS.TS Võ Tòng Xuân cũng cho rằng, bộ GD&ĐT nên quản lý bằng “cán” chứ dừng quản lý bằng “lưỡi”. “Một trong những điểm quan trọng là siết tiêu chuẩn chất lượng đầu ra cho sinh viên. Khi sinh viên học một ngành gì thì khi tốt nghiệp, phải qua bài thi nghề nghiệp do hiệp hội nghề nghiệp trong lĩnh vực đó.

gs-ts-ngnd-vo-tong-xuan-1628762634.png
GS.TS Võ Tòng Xuân cũng cho rằng, bộ GD&ĐT nên quản lý bằng “cán” chứ dừng quản lý bằng “lưỡi”.

Nhà nước không yêu cầu nhưng phía nhà trường phải tự trang bị và các hiệp hội để giữ uy tín cho ngành thì phải tự mình làm nghiêm để đảm bảo chất lượng.

Nếu trường nào đào tạo ra nhiều sinh viên không qua được kỳ kiểm tra cuối, tức là chất lượng đào tạo không đảm bảo, sẽ phải giải tán”.

Cơ sở giáo dục cần thấy được tầm quan trọng để “bước chân” vào kiểm định

Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ (nguyên Thứ trưởng bộ GD&ĐT), việc kiểm định chất lượng giáo dục tại các cơ sở giáo dục trước hết phải trở thành căn cứ để người học lựa chọn đăng ký tuyển sinh. Như vậy, các cơ sở giáo dục mới thấy được tầm quan trọng và “bước chân” vào tham gia kiểm định chất lượng.

“Hiện nay, việc một số cơ sở giáo dục còn “né” kiểm định chất lượng, một phần do chi phí. Nên chăng, cơ quan quản lý Nhà nước hãy đưa ra chủ trương, yêu cầu tất cả các cơ sở giáo dục phải tham gia kiểm định chất lượng, và bản thân mỗi cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm khi hoạt động sẽ phải đóng khoản quỹ kiểm định (tùy theo quy mô của nhà trường) để khi cơ sở nào tham gia kiểm định, sẽ trích từ quỹ đó ra, vậy thì sẽ khiến các cơ sở có thêm “ràng buộc” để tham gia”, nguyên Thứ trưởng chia sẻ.

Liên quan đến vấn đề này, PV đã liên hệ với bộ GD&ĐT, tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa nhận được phản hồi.

Theo nhìn nhận của đại diện Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên & Nhi đồng của Quốc hội, kiểm định chất lượng đối với cơ sở giáo dục đại học là một trong những vấn đề được xem là “xương sống” của ngành, liên quan đến nhiều nội dung, cần nhìn nhận tổng thể, để có giải pháp, chứ không thể giống như nhiều “bệnh” ở “gốc” nhưng lại chữa ở “ngọn” thì khó “lành”. Trong thời gian tới, Ủy ban sẽ có buổi làm việc với bộ GD&ĐT về vấn đề kiểm định chất lượng giáo dục và tự chủ đại học.