Các hãng dịch vụ tài chính hàng đầu thế giới đến từ Mỹ là JPMorgan và Citigroup đang đưa ra những dự báo rất khác biệt về giá dầu. Các nhà phân tích JPMorgan cảnh báo giá dầu toàn cầu có thể lên tới 380 USD/thùng nếu Nga giảm sản lượng dầu thô nhằm trả đũa lệnh trừng phạt của các nước G7.
Trong khi đó, ở chiều ngược lại, các chuyên gia tại Citigroup cho rằng dầu thô có thể giảm còn 65 USD/thùng vào cuối năm nay và thậm chí xuống 45 USD/thùng vào cuối năm 2023, nếu xảy ra cuộc suy thoái kinh tế làm giảm nhu cầu năng lượng.
Giá dầu đã tăng vọt từ khi xảy ra cuộc xung đột Nga-Ukraine hồi tháng 2 năm nay, thúc đẩy lạm phát tại nhiều quốc gia tăng cao. Trong bối cảnh nhiều ngân hàng trung ương nâng lãi suất để kiểm soát đà tăng giá cả, các chuyên gia phân tích cũng đang cố gắng lập biểu đồ về diễn biến giá dầu.
Tác động từ căng thẳng địa chính trị gần đây đang thúc đẩy dự báo về giá dầu tăng, trong khi những quan ngại về khả năng xảy ra một cuộc suy thoái kinh tế làm dấy lên dự báo về giá đi xuống.
Giá dầu thô tiêu chuẩn đã giảm 1,2% trong ngày 5/7 xuống còn 112,17 USD/thùng do lo ngại về khả năng suy thoái kinh tế toàn cầu và nguồn cung gián đoạn. Tại Mỹ, dầu West Texas International đã tăng 0,7% lên 108,43 USD/thùng trong tuần này, tuy nhiên tháng 6 đã đánh dấu sự sụt giảm giá đầu tiên kể từ tháng 11 năm ngoái.
Dự báo giá vượt 300 USD của JPMorgan
Dự báo về giá dầu của JPMorgan được đưa ra khi nhóm 7 cường quốc kinh tế công nghiệp (G7) đang cân nhắc khả năng áp đặt biện pháp giới hạn giá đối với dầu từ Nga. Biện pháp này nhằm hạn chế nguồn thu của Moscow, nhưng nhiều nhà phân tích lo ngại nó có thể khiến Tổng thống Vladimir Putin trả đũa bằng cách cắt hoàn toàn nguồn cung dầu mỏ cho phương Tây.
Theo mô hình của JPMorgan, việc Nga cắt giảm sản lượng dầu thô ở mức 3 triệu thùng/ngày sẽ đẩy giá dầu thô London tiêu chuẩn lên 190 USD, trong khi tình huống xấu nhất là Nga cắt giảm 5 triệu thùng/ngày có thể đẩy giá lên tới 380 USD.
Các nhà phân tích của JPMorgan viết: “Rủi ro dễ thấy nhất khi áp đặt biện pháp giới hạn giá là Nga có thể trả đũa bằng cách giảm xuất dầu nhằm gây thiệt hại cho phương Tây. Sự thắt chặt của thị trường dầu mỏ toàn cầu phụ thuộc vào phía Nga".
Ông Medvedev, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, nhận định: “Lượng dầu trên thị trường sẽ giảm đi đáng kể và giá tăng hơn nhiều”, trích dẫn dự báo giá ở mức 300–400 USD/thùng, ”
Dự báo giá dưới 100 USD của Citigroup
Thay vì hướng đến những vấn đề ở nước ngoài, Citigroup lại tập trung vào vấn đề trong nước Mỹ. Các nhà phân tích Francesco Martoccia và Ed Morse của Citigroup viết rằng trong trường hợp nhà sản xuất OPEC + không thực hiện bất kỳ can thiệp nào đồng thời đầu tư cho ngành dầu sụt giảm, giá dầu sẽ giảm dần.
Bằng cách so sánh tình hình hiện tại với các cuộc khủng hoảng những năm 1970, Citigroup cho rằng nhu cầu dầu thường giảm khi triển vọng kinh tế xấu đi. Trên thực tế, giá dầu trên thị trường toàn cầu đã bắt đầu giảm, củng cố cho dự báo của Citigroup.
Vào tháng trước, Citigroup dự báo nguy cơ xảy ra một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu lên tới gần 50%. Mặc dù các quốc gia tại châu Âu và Mỹ cắt giảm nhập khẩu năng lượng từ Nga do các lệnh trừng phạt, nhưng Ấn Độ và Trung Quốc đã gia tăng nhập khẩu dầu của Nga với mức chiết khấu cao.