Làm gì để an toàn trước nỗi lo với siêu biến chủng nguy hiểm Omicron?

Những ngày qua, thông tin về biến chủng mới nhất của virus Sars-CoV-2 gây đại dịch Covid-19 (tên Omicron) đang được dư luận đặc biệt quan tâm, vì một nguy cơ mới đặc biệt nguy hiểm. ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga vẫn còn nhiều trăn trở khi còn những người dân đang chủ quan, lơ là, quay trở lại cuộc sống bình thường cũ, chưa đặt mình vào bối cảnh dịch bệnh, lo ngại có thể gây nguy cơ rất lớn.

Siêu biến chủng Omicron có thể sẽ dẫn tới quá tải hệ thống y tế?

Trước sự xuất hiện của biến chủng Sars-CoV-2 mới (Omicron), chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần chủ động giám sát và duy trì biện pháp phòng dịch để hạn chế nguy cơ.

Trước sự xuất hiện của biến chủng mới, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) cũng đánh giá: “Chúng ta phải xác định cuộc chiến này vẫn còn lâu dài, khi cứ hết biến chủng này lại xuất hiện một biến chủng khác, và cũng phải xác định rằng càng ngày, mức độ nguy hiểm của các biến chủng mới càng tăng lên. Xác định như vậy để không có bất kỳ ai trong chúng ta được phép lơ là, chủ quan, thì mới có thể sớm đẩy lui đại dịch”.

Trao đổi với PV Phụ nữ và Pháp luật về biến chủng Omicron, PGS.TS Trần Đắc Phu (Cố vấn cao cấp trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam) cho biết, WHO đưa biến chủng Omicron vào biến thể đáng quan ngại cùng với những biến thể Alpha, Beta, Gamma và Delta vì dự đoán nó nguy hiểm do đột biến trên protein gai quá nhiều, gấp đôi so với biến thể Delta.

bien-chung-moi-1638209759.JPG
Hình ảnh so sánh các đột biến trên biến chủng Omicron và Delta. Ảnh: RT.

Theo ông Phu, những đặc điểm của biến chủng Omicron nêu trên dự báo biến chủng này lây lan nhanh hơn nhiều lần biến thể Delta.

“Biến thể mới nếu vô hiệu hóa các vắc-xin phòng Covid-19 hiện nay và mức độ lây lan nhanh thì sẽ rất nguy hiểm. Tuy nhiên, việc khẳng định mức độ lây lan, mức độ vô hiệu hóa vắc-xin còn tiếp tục nghiên cứu”, PGS.TS Trần Đắc Phu cho hay.

Đồng thời, vị cố vấn cao cấp trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cũng cho biết thêm, hiện chưa có kết luận về mức độ nặng do biến thể mới Omicron gây ra với con người. Nhưng, nguy cơ lây lan nhanh, vắc-xin không còn tác dụng sẽ có nhiều người nhiễm thì có thể sẽ dẫn tới quá tải hệ thống y tế.

241491837-4432974943446325-7125202994363798109-n-1638209759.jpg
PGS.TS Trần Đắc Phu phân tích mức độ nguy hiểm của siêu biến chủng mới.

Phòng dịch tốt nhất vẫn là ở con người

Trước lo ngại của người dân trong nước về biến chủng mới Omicron có tốc lây lan nhanh gấp nhiều lần, PGS.TS Trần Đắc Phu nhận định: “Cách phòng bệnh tốt nhất là dừng các chuyến bay tới các nước châu Phi đang có dịch; tăng cường kiểm soát dịch bệnh biên giới, cửa khẩu. Đặc biệt, cần phải lưu ý người ở châu Phi đi qua nước thứ 2 rồi mới về Việt Nam”.

Bên cạnh đó, ông Phu cũng cho rằng, cần làm các xét nghiệm trong nước, lấy mẫu, điều tra dịch tễ, giải trình tự gen.

“Chúng ta phải luôn nâng cao cảnh giác, không phải lệnh giãn cách diện rộng như trước đây nhưng càng hạn chế tụ tập đông người càng tốt. Đồng thời, luôn thực hiện tốt thông điệp 5K theo khuyến cáo của bộ Y tế thì nguy cơ sẽ càng thấp”, PGS.TS Trần Đắc Phu đề cập.

Đồng quan điểm với ý kiến trên, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga nhìn nhận: “Trong tất cả các giải pháp phòng chống, khống chế dịch bệnh, thì hiệu quả cao nhất vẫn phải tác động từ chính nhân tố con người. Đây là lúc chúng ta phải nâng nhận thức và ý thức của mỗi người lên cao nhất. Bởi, theo quan sát của tôi, vẫn còn tình trạng một bộ phận người dân lơ là chủ quan khi thấy “làn sóng” dịch lần thứ 4 tại TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam dần lắng xuống. Họ cứ nghĩ rằng “bão tan” rồi, nên có những người có tư tưởng quay trở lại cuộc sống bình thường cũ.

Ngay lúc này, chúng ta cần phải làm mạnh mẽ hơn nữa, tuyên truyền nhận thức và siết chặt những chế tài, phải xử phạt hết sức nghiêm minh để người dân không còn vô tình tạo ra những “lỗ hổng” để vi-rút có cơ hội tấn công, làm hỏng thành quả chống dịch”.

Vị ĐBQH cũng bày tỏ thêm: “Và có một vấn đề mà bản thân tôi vẫn nhận thấy và vô cùng trăn trở. Đó là, hiện tại, một số người dẫn vẫn còn tâm lý “ham vui”, muốn tụ tập, gặp gỡ đông người, muốn đi du lịch, đi lễ hội...

nguyen-thi-viet-nga-1638209782.jpeg
ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga trăn trở khi thấy một số địa phương xây dựng các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội như chưa đặt vào bối cảnh dịch bệnh, lo ngại có thể gây nguy cơ rất lớn.

Bằng chứng là qua phương tiện thông tin đại chúng, tôi thấy có những người vẫn đổ xô đi chụp ảnh, du lịch… Tôi xin lưu ý rằng, giữa bối cảnh như hiện nay, nếu chỉ thỏa mãn những nhu cầu rất nhỏ của con người, những nhu cầu chốc lát ấy sẽ gây ra hệ quả rất lớn, có thể phải trả giá bằng tiền bạc, công sức, thậm chí cả tính mạng của nhiều người… Vừa mất thời gian, tổn thương sức khỏe lại vô cùng lãng phí.

Chính vì vậy, chúng ta phải luôn thường trực ý nghĩ trong đầu rằng, hiện nay đang nằm trong bối cảnh dịch bệnh, chứ không phải vô tư như thời kỳ chưa có dịch, bởi, thời gian này, vẫn còn tồn tại rất nhiều nguy cơ. Có thể sẽ phải hy sinh thêm thời gian 1-2 năm nữa, để một là Việt Nam có độ tiêm phủ vắc-xin an toàn, hai là có thuốc điều trị hoặc may mắn hơn là chúng ta hoàn toàn đẩy lui được dịch bệnh, thì lúc đó có thể thoải mái đi du lịch, thoải mái tham gia các lễ hội, các sự kiện này bù lại. Đừng nôn nóng chuyện đó quá!”.

“Thực ra, để thỏa mãn nhu cầu về văn hóa tinh thần là rất cần thiết với con người. Tuy nhiên, thay vì đi du lịch, thay vì đến tham gia vào các lễ hội lớn nhỏ, tạm thời, chúng ta hãy tận hưởng và thưởng thức các giá trị văn hóa, thỏa mãn tinh thần qua các hình thức du lịch trực tuyến, các buổi biểu diễn văn nghệ trực tuyến hay các chương trình truyền hình… Ngay lúc này, chúng ta cần những hình thức giải trí phù hợp với thời kỳ dịch bệnh, phải quán triệt thật nghiêm, thật cẩn trọng và chưa thể lạc quan ngay được. Bởi, chắc chắn, trong một thời gian tới đây, cũng chưa xuất hiện “phép màu” nào để dập dịch hoàn toàn, nên nếu cứ tiếp tục lơ là, chủ quan như vậy, chỉ càng làm chúng ta trở nên bị động và lãng phí hơn”, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh.

Thời gian qua, số ca mắc Covid-19 mới tại Hà Nội tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Trong nhiều ngày, số ca mắc Covid-19 tới con số gần 300 ca. Dữ liệu mới nhất từ trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, ngày 29/11, Hà Nội ghi nhận 390 ca dương tính với Sars-CoV-2, trong đó có 220 ca cộng đồng, 109 trong khu cách ly và 61 ca tại khu phong tỏa; Số ca ghi nhận ngày 28/11 của Hà Nội là 301, trong đó: cộng đồng (141), khu cách ly (133), khu phong tỏa (27).

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, số ca mắc tăng rất nhanh là điều đã được lường trước. Song, Hà Nội cần có chiến lược phù hợp hơn khi số ca mắc có thể lên đến 4 con số mỗi ngày. Ông lưu ý, Hà Nội cần lường trước tình huống số ca mắc vượt 1.000 ca mỗi ngày, và khi đó cần chuyển sang trạng thái điều trị F0 nhẹ, không triệu chứng tại nhà. “Bộ Y tế đã hướng dẫn quy trình điều trị F0 tại nhà, cơ chế quản lý, giám sát sẽ phân cấp triệt để cho địa phương, tổ Covid-19 cộng đồng, trạm y tế lưu động”, PGS.TS Trần Đắc Phu phân tích.