Lăng kính chứng khoán 24/7: Điểm cản mạnh tiếp theo sẽ là mốc 1.220

Nhà đầu tư có thể tin tưởng về xu hướng dài hạn của nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp nhờ sự hồi phục rất tốt và hứa hẹn tăng trưởng trong trung- dài hạn.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có tuần giao dịch tương đối tích cực dù xuất hiện những phiên tăng giảm đan xen. Nhờ lực cầu trở lại mạnh mẽ trong phiên cuối tuần, VN-Index đã bứt tốc để đóng cửa gần ngưỡng 1.190 điểm.

Theo thống kê giao dịch trên sàn HoSE trong vòng 5 phiên vừa qua, chỉ số VN-Index có ba phiên tăng điểm và hai phiên giảm điểm. Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 17,5 điểm, tương đương 1,5% lên 1.185,9 điểm.

Thanh khoản trung bình trên HoSE đạt 89.670,63 tỷ đồng, giảm nhẹ 2,1% so với tuần trước đó; với khối lượng giao dịch tăng nhẹ 0,2% so với tuần trước đó, duy trì vượt mức trung bình, cho thấy dòng tiền vẫn mạnh để tiếp sức cho xu hướng tăng của thị trường.

Nhận định sâu sắc hơn về diễn biến thị trường trong tuần tiếp theo, ông Bùi Khoa Bảo, Trưởng phòng đầu tư, CTCK VPS và ông ông Bùi Thăng Long, Chuyên viên tư vấn đầu tư chứng khoán đều đưa ra nhận định rằng thị trường chứng khoán Việt nam đang đứng trước một cơ hội lớn sau khi tạo đáy thành công và bước vào giai đoạn phát triển trong giai đoạn mới.

Người Đưa Tin (NĐT): Trong 3 tuần liên tiếp VN-Index đều tăng điểm và đóng cửa cao nhất tuần, điều đó cho thấy động lực tăng điểm của thị trường đang mạnh mẽ. Theo ông, thị trường có khả năng vươn đến vùng 1.200 điểm ngay trong tuần tới hay sẽ còn quay về trạng thái điều chỉnh?

Ông Bùi Khoa Bảo: Thị trường đã tăng nóng liên tục với dòng tiền vào đều, đẩy mạnh và dứt khoát. Theo tôi, khi thị trường đang trong uptrend lớn, việc đoán đỉnh là không thể và cũng không nên đoán. Ngoài ra, xét theo yếu tố kĩ thuật, mốc 1.200 điểm không phải là vùng cản kĩ thuật mà nó chỉ là một mốc điểm chẵn cản tâm lý của nhà đầu tư mà thôi.

Điểm cản mạnh tiếp theo của thị trường là ở vùng 1.220 điểm. Theo tôi, khi trong uptrend thường thị trường ủng hộ phe cầm cổ phiếu, còn downtrend ngược lại. Bởi vậy, tôi khuyến nghị nhà đầu tư đã ở trong uptrend thì phải có niềm tin, kiểm soát tốt danh mục cá nhân, không nên nhìn ngắn về các vùng cản tâm lý bởi kể cả thị trường có điều chỉnh thì việc các cổ phiếu phân hóa là bình thường.

Ông Bùi Thăng Long: Chứng khoán Việt Nam hiện đang tiếp đà tăng điểm mạnh. Thị trường dường như suy giảm động lượng tăng điểm quanh vùng 1.175 và kèm cú nhúng phiên đáo hạn phái sinh được "set up" một cách khéo léo để rũ bỏ được bộ phận không nhỏ cổ phiếu nhỏ lẻ.

Vùng giá trị tiềm năng trước mắt VN-Index có thể hướng tới là 1.200. Theo tôi, sau khi rũ bỏ và vượt đỉnh dễ dàng, khả năng thị trường sẽ bước vào nhịp nước rút. Điều này cũng rất hợp lý khi nhiều cổ phiếu bứt phá mạnh và nhóm vốn hóa lớn bắt đầu làm nhiệm vụ kéo (VN30 đã cao hơn VN-Index).

Tài chính - Ngân hàng - Lăng kính chứng khoán 24/7: Điểm cản mạnh tiếp theo sẽ là mốc 1.220

Định giá thị trường trong vòng một năm qua (Nguồn: Fiintrade).

NĐT: Theo ông, số tài khoản mở mới tăng mạnh đang phản ánh tâm lý gì của thị trường?

Ông Bùi Khoa Bảo: Số tài khoản mở mới tăng mạnh thể hiện thị trường chứng khoán đang hấp dẫn được dòng tiền mới, quan trọng nhất là giai đoạn khó khăn nhất của nền kinh tế đã qua. 

Khi các tài khoản chứng khoán mở mới liên tục đồng nghĩa dòng tiền của người dân đã được cải thiện rõ rệt nhờ các yếu tố và phản ứng tốt của Nhà nước trong các chính sách điều hành vĩ mô. Bởi vậy, thị trường đang đứng trước một cơ hội lớn sau khi tạo đáy thành công và bước vào giai đoạn phát triển trong giai đoạn mới.

Ông Bùi Thăng Long: Thị trường bắt đầu tích cực dần từ đầu quý II cho tới hiện tại, có thể thấy VN-Index đã tăng ấn tượng từ 1.050 cho tới 1.180 tuần vừa qua. Cùng với đó, các yếu tố vĩ mô đang ủng hộ sóng tăng của thị trường như NHNN 4 lần hạ lãi suất và Chính phủ thúc đẩy mạnh các gói kích thích kinh tế.

Do vậy, số lượng tài khoản mở mới tăng mạnh đang thể hiện tâm lý lạc quan của giới đầu tư. Tình hình kinh doanh của doanh nghiệp đã trải qua những gì tồi tệ nhất và với trạng thái này, tôi cho rằng giới đầu tư còn hướng tới triển vọng phục hồi của kinh tế và chứng khoán giai đoạn nửa sau 2023. Theo tôi, tâm lý lạc quan là hoàn toàn có cơ sở và là chỉ báo đáng tin cậy cho trạng thái tích cực VN-Index.

NĐT: Nhóm doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp (KCN) hé lộ kết quả kinh doanh tích cực trong 6 tháng đầu năm 2023, ông đánh giá thế nào về ngành này trong thời gian tới, có tiềm năng để đầu tư dài hạn hay không?

Ông Bùi Khoa Bảo: Bất động sản KCN là một ngành có xu hướng lớn tính theo nhiều năm. Đơn cử như việc Hàn Quốc cùng rất nhiều các cheabol tới thăm Việt nam giai đoạn gần đây để tăng cường hợp tác cũng như rót thêm vốn vào Việt Nam. Tuy nhiên, BĐS KCN đã trải qua nhiều sóng lớn nhỏ rồi, do vậy mỗi lần có thông tin mới, nhóm này sẽ không có nhiều mức tăng mạnh bởi giai chiến tranh Mỹ - Trung để khởi tạo câu chuyện làn sóng dịnh chuyển đã qua.

Tài chính - Ngân hàng - Lăng kính chứng khoán 24/7: Điểm cản mạnh tiếp theo sẽ là mốc 1.220 (Hình 2).

Thanh khoản thị trường so với trung bình một tháng trước đó.

Bởi vậy các nhà đầu tư nhỏ lẻ có thể "lướt" theo sóng thị trường chứ không nên mua đuổi, đặc biệt là sau khi các tin tốt đều đã công bố. Về dài hạn, dòng BĐS KCN cũng đã tạo đáy lớn theo VN-Index, nếu xác định cầm theo chu kì quý thì dư địa và tiềm năng của dòng này còn rất lớn, và tương lai sẽ còn nhiều dư địa phát triển.

Ông Bùi Thăng Long: Tính đến ngày 20/6, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 13,43 tỷ USD, bằng 95,7% so cùng kỳ. Sau khi giảm liên tục 5 tháng đầu năm, vốn đầu tư thực hiện của các dự án FDI trong nửa đầu 2023 tăng nhẹ 0,5% so với cùng kỳ, đạt khoảng 10,02 tỷ USD.

Thời gian qua 205 doanh nghiệp Hàn Quốc đã tháp tùng Tổng thống Yoon Suk Yeol đến Việt Nam, theo tôi điều này sẽ mở ra làn sóng đón đại bàng tới Việt Nam.

Từ những số liệu trên, tôi cho rằng, nhóm BĐS KCN đang có sự hồi phục rất tốt và hứa hẹn tăng trưởng trong trung dài hạn. Cá nhân tôi kỳ vọng các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp ở miền Bắc sẽ hưởng lợi nhiều từ nguồn vốn FDI tăng mạnh và chuyển dịch của nhà xưởng nhờ vị trí chiến lược (gần Trung Quốc), cơ sở hạ tầng tốt, chi phí thuê thấp hơn và nguồn đất sạch lớn hơn so với khu vực miền Nam.

Cùng với đó, việc Chính phủ đẩy mạnh quyết liệt giải ngân đầu tư công 2023-2024 sẽ góp phần cải thiện hạ tầng, đường xá làm điểm tựa thu hút FDI nước ngoài. Tuy nhiên cần lưu ý Chính sách về thuế tối thiểu toàn cầu được yêu cầu áp dụng ngay từ ngày 1/1/2024 có thể làm giảm tính hấp dẫn của môi trường đầu tư ở Việt Nam.

PV