Mặc cho dòng thép và đầu tư công xanh tím hàng loạt, thị trường vẫn giảm điểm kết phiên bởi áp lực từ nhóm cổ phiếu nhà Vingroup.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần ngày 16/12, VN-Index giảm 2,84 điểm, tương đương 0,27% xuống 1.052,48 điểm. Toàn sàn có 208 mã tăng, 195 mã giảm và 85 mã đứng giá.
HNX-Index tăng 0,04 điểm, tương đương 0,02% lên 212,99 điểm. Toàn sàn có 90 mã tăng, 69 mã giảm và 64 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,4 điểm còn 72,19 điểm. Riêng rổ VN30 ghi nhận 15 mã tăng giá.
Thanh khoản có phần khá hơn so với phiên trước. Tổng giá trị khớp lệnh trong phiên hôm nay đạt 17.403 tỷ đồng, tăng 25% so với phiên trước, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE tăng 25,7% lên 15.508 tỷ đồng. Tại nhóm VN30, thanh khoản đạt 6.965 tỷ đồng.
Quá trình thăm dò cung cầu chưa có dấu hiệu kết thúc
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC): Trạng thái thị trường vẫn chưa có nhiều thay đổi trong phiên giao dịch hôm nay. VN-Index đóng cửa giằng co dưới cản 1.065 điểm và dòng tiền tiếp tục phân hóa mạnh mẽ giữa các nhóm ngành. Như vậy, quá trình thăm dò cung cầu của thị trường chưa có dấu hiệu kết thúc và có thể sẽ còn tiếp diễn trong thời gian gần tới trước khi có tín hiệu xu thế cụ thể.
Do đó, nhà đầu tư vẫn nên quan sát diễn biến cung cầu để đánh giá lại trạng thái của thị trường, đồng thời vẫn cần cân nhắc chốt lời hoặc cơ cấu danh mục theo hướng giảm thiểu rủi ro khi thị trường tiến đến vùng cản. Đối với vị thế mua mới nên ưu tiên một số mã có cơ bản tốt và có nền tích lũy tích cực hoặc lùi về nền tích lũy.
Thị trường vẫn giữ xu hướng phục hồi ngắn hạn
Chứng khoán Phú Hưng: Theo quan điểm kỹ thuật, VN-Index giảm điểm trở lại. Khối lượng giao dịch tuy có gia tăng nhưng vẫn ở dưới mức bình quân 10 và 20 phiên, hàm ý áp lực bán không quá mạnh.
Thêm vào đó, chỉ số vẫn đóng cửa trên MA5, cùng với đường MA20 vẫn ở trạng thái hướng lên tích cực, cho thấy xu hướng chính vẫn là phục hồi, phiên giảm điểm vừa qua có thể chỉ mang tính rung lắc kỹ thuật. Không những vậy, đường MACD nằm trên Signal duy trì tín hiệu mua ngắn hạn và đường +DI nằm trên –DI cho thấy tín hiệu tích cực vẫn hiện hữu, và chỉ số có thể vẫn còn cơ hội tiến lên thử thách ngưỡng đỉnh cũ quanh vùng tâm lý 1.100 điểm.
Nhìn chung, thị trường vẫn giữ được xu hướng phục hồi ngắn hạn sau phiên giảm 16/12. Do đó, nhà đầu tư nên tận dụng các phiên rung lắc kỹ thuật để tái cơ cấu lại danh mục lướt sóng, với mục tiêu là các cổ phiếu có cơ bản tốt và có dự báo kinh doanh quý 4 khả quan.
Nhà đầu tư giữ tỉ trọng cổ phiếu ở mức vừa phải
Chứng khoán BOS: VN-Index giảm nhẹ trong phiên giao dịch ETFs khi sự bùng nổ của các cổ phiếu thép không thắng được mức giảm mạnh của các cổ phiếu họ VIC và MSN.
Về kỹ thuật, VN-Index vẫn duy trì vùng giá đi ngang khi điểm số chỉ giảm nhẹ. Mức giá đóng cửa vẫn nằm trên MA5 để duy trì xu hướng. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch tăng lên trong trong bối cảnh điểm số suy giảm trong phiên là tín hiệu cảnh báo rủi ro đáng chú ý. Vùng 1.030 của MA20 sẽ là hỗ trợ trong trường hợp có sự điều chỉnh đầu tuần tới. Nhà đầu tư giữ tỉ trọng cổ phiếu ở mức vừa phải.
Vùng 1.030 được xác định là ngưỡng hỗ trợ của thị trường
Chứng khoán VCBS: Dưới góc nhìn kỹ thuật, VN-Index vẫn đang giằng co tích lũy quanh mốc 1.050 điểm. Các chỉ báo ngắn hạn vẫn đang có xu hướng bẻ ngang trung lập thể hiện sự lưỡng lự, trung lập. Mặc dù lực cầu vần chưa trở lại nhưng VN-Index vẫn đang nằm trong sóng phục hồi nên sẽ cần thêm thời gian tích lũy để quay trở lại đà tăng, hướng lên các vùng điểm cao phía trên.
Nếu áp lực bán bất ngờ xuất hiện, vùng điểm 1.030 vẫn được xác định là ngưỡng hỗ trợ đáng tin cậy của thị trường. Nhóm phân tích khuyến nghị các nhà đầu tư tiếp tục kiên nhẫn, có thể bán lướt sóng các cổ phiếu đã có nhịp tăng tốt, nâng cao tỷ trọng tiền mặt để chờ đợi cơ hội giải ngân ở vùng giá tốt hơn khi thị trường rung lắc.