Tại xã Hương Giang, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh xảy ra vụ việc bé trai 2 tháng tuổi bị chém nhiều lần vào người khiến bé tử vong. Sáng 5/2, khi người thân phát hiện thi thể cháu bé thì người mẹ không ở đó và được phát hiện ngoài bờ sông trong tình trạng hoảng loạn. “Nguyên nhân ban đầu xác định, người mẹ nghi bị trầm cảm sau sinh, nên đã dùng dao sát hại con trai 2 tháng tuổi”, lãnh đạo UBND xã Hương Giang thông tin với VietNamNet. Lãnh đạo Công an huyện Hương Khê cũng xác nhận thông tin trên và cho biết, người mẹ bị trầm cảm sau sinh nên đã dùng dao sát hại con mình.
Đến chiều ngày 5/2, tại TP.HCM cũng ghi nhận vụ việc tại phố Lê Đình Cẩn, phường Tân Tạo, quận Bình Tân, người mẹ đã tử vong trong tư thế treo cổ tại nhà trọ. Người dân tới ứng cứu thì phát hiện thêm một trẻ 7 tháng tuổi đã tử vong trong máy giặt.
Công an quận Bình Tân đã phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ Công an Tp.HCM tiếp tục lấy lời khai các nhân chứng, điều tra làm rõ vụ việc. Thông qua lấy lời khai các nhân chứng ban đầu, được biết người mẹ có biểu hiện trầm cảm sau khi sinh.
Ngày 25/1/2022 tại Vĩnh Phúc cũng có một trường hợp bà mẹ trẻ nhảy cầu tự tử do bị trầm cảm sau sinh. Người mẹ ra đi để lại bé trai mới 4 tháng tuổi. Trước đó trên trang cá nhân, người mẹ này thường xuyên đăng tải các trạng thái buồn rầu, chán nản.
Thực tế, trong những năm gần đây, "trầm cảm sau sinh" là cụm từ được nhiều người nhắc tới và phụ nữ bị trầm cảm sau sinh nếu không được can thiệp kịp thời có thể gây ra những hậu quả đau lòng như trong những câu chuyện trên.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Dân Việt, bác sĩ La Đức Cương – nguyên Giám đốc Bệnh viện Tâm thần T.Ư 1 cho biết, trầm cảm sau sinh là do phụ nữ sau khi sinh có sự thay đổi đột ngột của các loại hormone như: Mất đi hormone nhau thai HCG (tạo điều kiện cho niêm mạc tử cung để thai nhi phát triển). Ngoài ra, quá trình tiết sữa, cơ thể cũng bị giảm đột ngột estrogen và progestrogen... Đặc biệt là sự giảm mạnh hormone tuyến giáp, gây cảm giác mệt mỏi và trầm cảm. Điều này khiến phụ nữ sau sinh thường bị rối loạn cảm xúc, bao gồm hưng cảm, trầm cảm hoặc là lưỡng cực (vừa hưng cảm, vừa trầm cảm).
Bác sĩ Hoàng Tú Anh - Phó Giám đốc Trung tâm sáng kiến sức khoẻ dân số CCHIP, cũng cho rằng, trầm cảm sau sinh là vấn đề khá nghiêm trọng và phổ biến. Việt Nam chưa có số liệu quốc gia về trầm cảm sau sinh nhưng hiện nay vấn đề này chưa được nhìn nhận và đánh giá đúng. Các nghiên cứu trên phạm vi nhỏ cho thấy khoảng 8-20% phụ nữ mắc trầm cảm sau sinh.
Tuy nhiên, con số thực tế có thể cao hơn nhiều vì phụ nữ Việt Nam chịu rất nhiều yếu tố nguy cơ với trầm cảm trong và sau mang thai như bạo lực tinh thần, thiếu được chăm sóc... "Theo nhiều nghiên cứu, phụ nữ bị bạo hành trong khi mang thai có nguy cơ bị trầm cảm cao sau sinh hơn 6 lần so với phụ nữ không bị bạo hành", bác sĩ Tú Anh cho biết.
Còn về phần tâm lý, phụ nữ mang thai, sinh con gặp nhiều chuyện khiến tâm lý mệt mỏi, căng thẳng như kiêng cữ sau sinh, nghỉ làm dài ngày, ít tiếp xúc, trò chuyện với mọi người, con quấy khóc, thiếu ngủ, không được chồng chăm sóc để cảm thấy sự quan tâm, yêu thương của chồng nên lo lắng chồng ngoại tình, chồng chán ghét mình…
Lý giải thêm về trầm cảm sau sinh, TS-bác sĩ Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD), cho biết, sự thay đổi mạnh mẽ về nội tiết là nguyên nhân quan trọng gây ra những rối nhiễu tâm lý, trầm cảm của người mẹ.
"Càng phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa càng có nguy cơ bị rối nhiễu tâm lý khi mang thai hoặc trầm cảm sau sinh do chế độ dinh dưỡng kém, ốm yếu, thiếu vi chất. Đồng thời, mâu thuẫn gia đình, bạo lực gia đình, áp lực kinh tế cũng nhiều hơn. Tuy nhiên, các dự án chăm sóc sức khỏe sinh sản chưa hề đề cập đến vấn đề này", TS Trần Tuấn cho hay.
Theo TS.Tuấn, nếu các vấn đề trầm cảm của thai phụ không được phát hiện và điều trị thì sau sinh sẽ càng trầm trọng hơn: "Hậu quả là người mẹ bị rối nhiễu tâm lý nặng sẽ dẫn đến các hành vi nguy hiểm như ghét con, chối bỏ con, gây gổ với gia đình, tự sát hoặc giết con. Còn nếu nhẹ cũng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ như giảm tình thương với con, hay đánh con, gây gổ xung đột với chồng và gia đình…".
Có thể thấy, trầm cảm sau sinh vô cùng nguy hiểm đối với sức khỏe, tính mạng của người mẹ và đứa con. Do vậy, bản thân mỗi bà mẹ hay người thân cần nhận biết sớm để có cách ứng phó hoặc tìm kiếm sự trợ giúp từ thầy thuốc.
Theo ThS. BS Vương Thị Thủy - Giảng viên Bộ môn Tâm thần - Trường Đại học Y Hải Phòng, những dấu hiệu nhận biết phụ nữ bị trầm cảm sau sinh bao gồm:
-Trầm uất: Bạn cảm thấy mệt mỏi, buồn bã, hay muốn khóc phần lớn thời gian trong ngày. Ở một vài thời điểm nhất định như buổi sáng hoặc buổi tối bạn có thể cảm thấy tệ hơn nhiều. Người nhà có thể dễ dàng nhận ra dấu hiệu này thông qua vẻ mặt buồn rầu, ủ rũ của bệnh nhân.
-Cáu gắt: Bạn cảm thấy mình dễ nổi giận, hay gắt gỏng với chồng, con bạn hay những người khác, một số bà mẹ không kiềm chế được cảm xúc, đánh con sau đó lại cảm thấy mình vô dụng.
-Mệt mỏi: Trầm cảm có thể khiến bạn cảm thấy hoàn toàn kiệt sức và thiếu năng lượng, thậm chí việc chăm sóc con, chăm sóc bản thân, cũng trở nên quá sức.
-Mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều: Mất ngủ thường gặp ở người mới sinh con. Mặc dù rất mệt mỏi nhưng bạn không thể ngủ được, bạn nằm đó thao thức và lo lắng đủ thứ, ngủ không sâu giấc, hay giật mình tỉnh giấc hoặc dậy rất sớm. Một số trường hợp có thể ngủ rất nhiều.
-Bồn chồn: Bạn vẫn thấy bồn chồn không yên, không thể ngồi yên một chỗ mà phải đi lại, tuy vậy chỉ một vài cử động nhỏ cũng khiến bạn cảm thấy mất nhiều sức lực.
-Thay đổi khẩu vị: Bạn không muốn ăn uống hoặc mất khẩu vị, quên ăn. Một số người ăn để xả stress nhưng lại lo lắng nhiều việc mình có thể tăng cân.
-Không thích thú bất kỳ thứ gì: Bạn cảm thấy không thích thú hay tận hưởng bất kỳ điều gì. Bạn có thể không cảm thấy vui sướng khi ở chung với con của mình.
-Mất hứng thú với tình dục: Trầm cảm sau sinh có thể lấy đi bất kỳ sự ham muốn nào, có thể là vì quá đau hay bạn quá mệt mỏi. Người bạn đời có thể không hiểu điều này nếu bạn không chia sẻ cảm xúc thực của mình và cảm thấy bị bỏ rơi.
-Suy nghĩ tiêu cực và hay cảm thấy tội lỗi: Trầm cảm có thể tác động đến cách suy nghĩ của bạn theo chiều hướng tiêu cực, chẳng hạn: Bạn có thể muốn gây tổn thương bản thân hoặc con hoặc cả hai; Bạn có thể có những suy nghĩ như "mình không phải là người mẹ tốt" hay "con mình không thương mình"; Bạn có thể cảm thấy có lỗi vì nghĩ như vậy hoặc cho rằng mọi vấn đề đều do lỗi của bạn;...
-Lo âu quá mức: Cảm giác lo lắng mọi thứ khi mới làm mẹ là điều bình thường. Tuy nhiên nếu bạn mắc trầm cảm sau sinh, nỗi lo sợ này có thể trở nên quá mức chịu đựng. Bạn có thể lo lắng: Con mình quá yếu; Cân nặng của con không đủ; Con khóc quá nhiều và bạn không thể làm con nín khóc; Con quá im ắng và có thể ngừng thở; Bạn có thể tổn thương con; Bạn gặp vấn đề về sức khỏe,...
-Tránh né những người khác: Bạn lựa chọn tránh gặp gỡ gia đình, bạn bè hoặc cảm thấy khó khăn khi phải đi gặp những nhóm hỗ trợ giúp trầm cảm sau khi sinh.
-Tuyệt vọng: Mọi chuyện bế tắc với bạn và sẽ chẳng bao giờ khá hơn. Bạn cũng có thể cảm thấy cuộc sống này chẳng đáng nữa, thâm chí bạn có suy nghĩ về gia đình sẽ tốt hơn khi bạn không còn.
-Suy nghĩ tự tử: Ở trầm cảm sau sinh thường có những ý định và hành vi tự sát, cùng hành vi giết đứa con, điều này rất nguy hiểm.
Nếu bạn bắt đầu có những suy nghĩ muốn tổn thương bản thân hoặc người khác thì bạn nên đi gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.