Cá rất giàu axit béo omega-3, tốt cho não và tim mạch. Ngoài ra, cá còn cung cấp nhiều canxi và các chất dinh dưỡng khác. Chính vì thế, các chuyên gia khuyến nghị, nên ăn cá ít nhất hai lần mỗi tuần để đảm bảo dinh dưỡng, phù hợp với chế độ ăn uống lành mạnh. Tuy nhiên, khi sử dụng cũng cần phải lưu ý, bởi một số loại cá có thể có hàm lượng thủy ngân cao, đây là một chất độc thần kinh, gây hại cho cơ thể.
Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ, cá ngừ cỡ lớn đứng đầu trong danh sách những loại cá có chứa hàm lượng thủy ngân cao, tiếp sau đó là cá mập, cá kiếm, cá cờ xanh, cá thu vua… Dù cá ngừ đứng đầu danh sách nhiễm thủy ngân, nhưng chúng lại được nhiều người ưa chộng, có giá đắt đỏ và rất hay được ăn sống.
Việc ăn sống cá ngừ sẽ khiến kim loại nặng đi vào cơ thể nhanh hơn. Ảnh minh họa.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia về Công nghệ sinh học và thực phẩm cho biết, cá ngừ có chứa hàm lượng thủy ngân cao là do chúng sống ở tầng đáy, tiếp xúc với bùn trong thời gian dài nên nguy cơ nhiễm thủy ngân cao hơn các loại cá khác. Đặc biệt, nếu cá sống ở môi trường đất, nước bị ô nhiễm thì nguy cơ nhiễm các loại kim loại nặng càng cao hơn. Ngoài ra, cá ngừ thường ăn các loại cá nhỏ khác, khi ăn vào hàm lượng thủy ngân từ cá nhỏ sẽ tích tụ trong cơ thể, khiến hàm lượng thủy ngân trong cá ngừ cao hơn.
“Dù có nguy cơ cao bị nhiễm thủy ngân, nhưng mọi người vẫn có thể sử dụng cá ngừ làm thực phẩm, tuy nhiên không nên ăn quá thường xuyên”, ông Thịnh khuyến cáo. Ngoài ra, rất nhiều người có thói quen ăn cá ngừ sống, điều này là không nên vì như vậy các kim loại nặng, trong đó có thủy ngân sẽ trực tiếp đi vào cơ thể. Việc chế biến và nấu chín cá cũng phần nào làm giảm hàm lượng kim loại nặng nếu có ở trong cá, như vậy sẽ an toàn hơn.
Việc ăn cá bị nhiễm thủy ngân có thể không gây ra ngộ độc cấp tính, tuy nhiên chất này sẽ tích tụ trong cơ thể và gây hại từ từ với sức khỏe. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc tiếp xúc thường xuyên với thủy ngân sẽ tăng nguy cơ mắc các bệnh Alzheimer, Parkinson, tăng nguy cơ gây nên các bệnh về huyết áp cao, tăng nguy cơ đau tim và cholesterol.
Để chọn được cá biển tươi, ngon không nhiễm độc mọi người cần chú ý quan sát phần mang cá. Ảnh minh họa.
Để phòng tránh nguy cơ nhiễm thủy ngân từ việc ăn cá, PGS Nguyễn Duy Thịnh khuyến cáo, mọi người nên chọn những loại cá có hàm lượng thủy ngân thấp như cá hồi, tôm, cá tuyết và cá mòi. Tránh hoặc hạn chế ăn các loại cá có hàm lượng thủy ngân cao như cá ngừ, cá mập, cá kiếm.
Về cách chọn cá tươi ngon, PGS Nguyễn Duy Thịnh tư vấn nên chọn cá còn tươi, sống. Đối với cá biển, cần kiểm tra mang cá, nếu mang còn đỏ là cá tươi nhưng nếu nó trắng bệch hoặc thâm là cá ươn. Mắt cá còn trong suốt, vảy cá không rời ra, mang cá còn hồng, bỏ cá vào nước thì cá chìm xuống, đó là con cá tươi.
Để phân biệt cá có bị nhiễm độc hay không, mọi người cần quan sát kỹ phần mang cá, vì đây là bộ phận hô hấp của cá, giống như buồng phổi của con người, phần lớn chất độc có lẽ tập trung tại đây. Mang cá nhiễm độc không sáng trơn, hơi thô và có màu hồng thâm đậm. Cá bị nhiễm độc nặng thì mình cá không còn nguyên, đầu to đuôi nhỏ, lưng cong gù thậm chí có u.
Mắt cá bị nhiễm độc thường bị đục, mất vẻ tinh anh bình thường, có con thậm chí mắt còn lồi ra ngoài. Con cá bình thường có mùi tanh, cá bị nhiễm độc sẽ có những mùi bất thường như mùi tỏi, mùi dầu hôi…