Loại ký sinh trùng chỉ có ở châu Âu bỗng phát hiện ở Việt Nam: Chúng nguy hiểm thế nào?

Chuyên gia báo động nhiều người mắc giun đầu rồng - loại ký sinh trùng chỉ có ở châu Âu, bởi hiện chưa có phương pháp chẩn đoán sớm và không có thuốc đặc hiệu.

Ông B.V.S (45 tuổi, ở Văn Yên, tỉnh Yên Bái) có sở thích ăn các món tái như gỏi cá, tiết canh, ếch nhái chưa nấu chín… Một thời gian sau, ông thấy bị tê đùi trái hơn chục ngày, trên đùi xuất hiện mụn nhỏ, kèm sưng nóng, đỏ, đau. Ông nặn ra một đầu trắng và kéo được đoạn dài chừng 10cm thì đứt. Ngạc nhiên và lo sợ nên ông đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Yên Bái để khám.

Tại đây, bác sĩ đã phát hiện trong đùi ông S vẫn còn một đoạn màu trắng thò ra ngoài khoảng 1cm, nên dùng kẹp kéo ra. Kết quả xét nghiệm xác định người đàn ông này bị nhiễm giun rồng. Ông S cho biết trước đó hay ăn gỏi cá, ếch nhái chưa nấu chín kỹ, tiết canh và không tẩy giun, sán nhiều năm.

Mẫu bệnh phẩm được lấy trên người bệnh nhân
Mẫu bệnh phẩm được lấy trên người bệnh nhân

TS. Hoàng Đình Cảnh, Viện trưởng Viện Sốt rét - ký sinh trùng và côn trùng Trung ương cho biết, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và CDC Hoa Kỳ đã có chương trình thanh toán bệnh giun rồng trên toàn cầu vào năm 2030. Hiện, mỗi năm thế giới chỉ phát hiện khoảng 30-40 người mắc, chủ yếu tại 4 nước quá nghèo ở châu Phi.

Từ 2020 đến nay, Việt Nam đã có hơn 20 ca mắc, tập trung chủ yếu ở các tỉnh: Yên Bái, Phú Thọ, Thanh Hoá, Lào Cai. Các mẫu bệnh được WHO xét nghiệm khẳng định cùng giống với giun rồng ở châu Phi nhưng không cùng loài Dracunculus mendinensis.

“Đây là điều cần được báo động, bởi bệnh giun rồng hiện chưa có phương pháp chẩn đoán sớm và không có thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh nhân thường bị viêm dị ứng rất mạnh, tổn thương nóng, đỏ, đau tại nhiều vị trí. Cách điều trị duy nhất hiện nay đối với bệnh giun rồng, đó là lôi giun ra hoặc giun sẽ có xu hướng chui ra từ những tổn thương như mụn vỡ và chảy nước vàng trên da”, TS Cảnh nhấn mạnh.

Giun đầu rồng nguy hiểm thế nào?

Viện trưởng Viện Sốt rét - ký sinh trùng và côn trùng Trung ương cho biết thêm, giun đầu rồng thường khu trú dưới các cơ vân trên cơ thể người, nếu giun chui vào cột sống hoặc khớp và chết tại đó, sẽ gây cứng khớp, thoái hoá khớp, thoái hoá cột sống, vôi hoá cơ. 

Thông thường, trong vòng 1 năm mắc bệnh, bệnh nhân không có biểu hiện lâm sàng, chỉ đến khi giun chui ra bằng cách trên thì mới biết bệnh nhân nhiễm giun rồng.

Triệu chứng của mắc giun rồng thường là bị viêm dị ứng rất mạnh, tổn thương nóng, đỏ, đau tại nhiều vị trí. Giun đầu rồng thường khu trú ở các cơ vân trên cơ thể người, nếu giun chui vào cột sống hoặc khớp và chết tại đó, sẽ gây cứng khớp, thoái hoá khớp, thoái hoá cột sống, vôi hoá cơ, làm tê liệt tủy sống, liệt nửa người.

Đường lây nhiễm của giun rồng do ăn phải ấu trùng giun rồng ở nước khi tắm bể, ao hồ hoặc uống phải nước lã có ấu trùng giun này; do ăn phải động vật nhiễm ấu trùng giun rồng nhưng chưa được nấu chín như rắn, ếch, chim, cá…

TS. Hoàng Đình Cảnh, Viện trưởng Viện Sốt rét - ký sinh trùng và côn trùng Trung ương
TS. Hoàng Đình Cảnh, Viện trưởng Viện Sốt rét - ký sinh trùng và côn trùng Trung ương

WHO không khuyến cáo điều trị giun rồng bằng việc mổ để lấy ra khỏi người, vì không hiệu quả và vết mổ rất khó liền. Có bệnh nhân từng mổ dọc theo đường đi của giun rồng nhưng sau 2-3 tháng vẫn chưa lành vết mổ.

Đặc biệt, nếu giun chui ra khỏi người mà không diệt sạch, vứt xuống nước thì hàng triệu ấu trùng giun sẽ lan ra môi trường, ao hồ, khiến người và vật lây nhiễm khi uống nước, hoặc người ăn phải rắn, ếch, chim, cá nhiễm ấu trùng giun rồng mà chưa nấu chín cũng có thể mắc bệnh này…

Chính vì thế, các bác sĩ khuyến cáo một số người bệnh tự kéo làm đứt nửa chừng sẽ khiến ấu trùng giun và các chất độc lây lan, làm cho tình trạng viêm nhiễm trầm trọng hơn, có thể dẫn đến các biến chứng như viêm nhiễm, nhiễm trùng huyết, viêm cứng khớp, áp xe…

Để phòng bệnh giun rồng, TS Cảnh khuyến cáo mọi người ăn chín, uống chín, vệ sinh môi trường sạch sẽ. Nấu chín kỹ các thực phẩm thủy sinh như ếch, cá, tôm.... Dùng riêng các dụng cụ để chế biến thực phẩm chín và sống như thớt, dao, máy xay, bát, đĩa và vệ sinh tay sau khi chế biến thực phẩm sống. Không cho chó, mèo ăn sống các thực phẩm thủy sinh (ếch, cá, tôm...) chưa được nấu chín.

Xem thêm: Nhiều học sinh ở Nha Trang nhập viện nghi ngộ độc, một em tử vong chưa rõ nguyên nhân