Loại nước nhiều người cố uống buổi sáng để thải độc, nạp vitamin C nhưng quên một điều thì dễ hại dạ dày

CTV
Theo bác sĩ Hưng, với những người khỏe mạnh, không có bệnh lý, uống nước chanh rất tốt. Nhưng ai đang mắc bệnh về dạ dày, trào ngược dạ dày... thì không nên uống loại nước này vào sáng sớm hoặc khi đang đói bụng.

Chanh là loại quả được trồng rất nhiều ở nước ta, với cách dùng phổ biến nhất hiện nay là pha nước uống.

Thông thường, chanh vắt hoặc ép lấy nước kết hợp với mật ong, đường, nước đá, gừng, lá bạc hà… để pha uống vào buổi sáng, tối trước khi đi ngủ hay thời điểm nào trong ngày đều được. 

Nước chanh có nhiều vitamin C nên rất tốt cho cơ thể. Ảnh minh họa.

Theo TS.BS Nguyễn Trọng Hưng, Trưởng khoa Khám và Tư vấn người lớn, Viện Dinh dưỡng quốc gia, nước chanh chứa rất nhiều chất chống oxy hóa, nhiều vitamin C, cung cấp nước cho cơ thể, giúp giải nhiệt khi thời tiết nắng nóng... 

Nước chanh cũng là liều thuốc rất tốt để phòng chống và chữa những bệnh do cảm lạnh. Ngoài ra, trong nước chanh cũng chứa khá nhiều kali giúp kiểm soát huyết áp, có tác dụng kích thích não bộ và các chức năng thần kinh khác. 

Hiệp hội Tiểu đường Mỹ coi chanh và các trái cây có múi là "siêu thực phẩm dành cho bệnh tiểu đường", bởi nó có chỉ số đường huyết GI thấp, ít khả năng làm tăng lượng đường trong máu.

Các bằng chứng khoa học cho thấy, uống nước chanh có thể khiến quá trình chuyển đổi carbohydrate thành đường chậm hơn, do đó ngăn ngừa lượng đường trong máu tăng đột biến. Ngoài ra, nước chanh còn có các dụng khác như: 

Nước chanh là món nước được nhiều người thích uống. Ảnh minh họa.

Giúp kiểm soát cân nặng

Chanh được xem là một loại thực phẩm giảm cân vì chất xơ pectin hòa tan trong chanh giúp mở rộng trong dạ dày của bạn, giúp bạn cảm thấy no lâu hơn.

Uống nước nóng với chanh sẽ giúp bạn giảm cân sau khi bạn ăn vì trong chanh có nhiều vitamin C và một số hợp chất thực vật có lợi có thể làm giảm cholesterol.

Ngăn ngừa sỏi thận

Axit citric có trong chanh giúp ngăn ngừa sỏi thận bằng cách tăng lượng nước tiểu và tăng pH nước tiểu, tạo môi trường ít thuận lợi hơn cho sự hình thành sỏi thận. Chỉ cần 1/2 cốc nước chanh mỗi ngày có thể cung cấp đủ axit citric để giúp ngăn ngừa sự hình thành sỏi ở những người đã có chúng.

Chanh kết hợp với gừng, sả uống sẽ rất thơm giúp ngừa bệnh cảm lạnh và giúp ấm họng. Ảnh minh họa.

Cải thiện sức khỏe tiêu hóa

Chanh được tạo thành từ khoảng 10% carbs, chủ yếu ở dạng chất xơ hòa tan và đường đơn giản.Chất xơ chính trong chanh là pectin, một dạng chất xơ hòa tan có thể cải thiện sức khỏe đường ruột và làm chậm quá trình tiêu hóa đường và tinh bột. Tác dụng này có thể dẫn đến giảm lượng đường trong máu.

Duy trì một làn da khỏe mạnh

Vitamin C có trong canh đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành collagen, giúp bảo vệ da. Khi ăn thức ăn có chứa chanh hoặc bôi kem thì lượng vitamin C từ chanh có thể giúp chống lại tổn thương da do ánh nắng mặt trời và ô nhiễm, giảm nếp nhăn và cải thiện kết cấu da tổng thể.

Tăng cường chức năng phục hồi, giúp hơi thở thơm mát

Chanh có thể chữa lành khi da bị viêm, nổi đỏ. Bên cạnh đó, lượng vitamin C có trong chanh không chỉ đem lại cảm giác thoải mái khi uống mà còn giúp cho hơi thở thơm mát, ngăn ngừa hôi miệng. Uống nước chanh còn giúp thải các chất độc có trong thận, lợi tiểu và làm sạch thận. Tuy nhiên, bạn không nên lạm dụng nước chanh quá nhiều trong một ngày nhé.

Tuy nhiên, bác sĩ Hưng lưu ý, nước chanh sẽ tốt với người khỏe mạnh, không có bệnh lý, còn với một số người có bệnh lý về dạ dày như viêm loét dạ dày, hay trào ngược dạ dày thì không nên dùng nước chanh vào thời điểm sáng sớm, chưa ăn sáng.

Bác sĩ Hưng lý giải chanh có tính axit, vào buổi sáng khi chưa ăn, dịch vị dạ dày tiết ra nhiều và có tính axit. Chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy việc uống nước chanh vào thời điểm sáng sớm, khi chưa ăn để dung hòa dịch vị axit trong dạ dày, thậm chí, điều này còn có thể gây tổn thương thêm cho dạ dày.