Loại rau dại nghe tên đã "bốc mùi" nhưng ăn vừa ngon vừa là vị thuốc

Loại rau này có mùi nồng đặc trưng, đứng từ xa cũng ngửi thấy. Tuy nhiên, nhiều người “nghiện” món rau này, sẵn sàng chi hàng trăm nghìn để mua 1 kg về thưởng thức.

Rau thối hay còn được gọi là rau gai, pắc nam, phắc khỉ là một loại rau dại nay thành đặc sản của núi rừng Tây Bắc.

Đời sống - Loại rau dại nghe tên đã 'bốc mùi' nhưng ăn vừa ngon vừa là vị thuốc

Rau thối là cây dây leo, thân cây dài, có nhiều gai, mọc hoang trong rừng. Sở dĩ gọi rau thối vì rau đúng là có mùi nồng đặc trưng, đứng từ xa cũng ngửi thấy. Tuy nhiên khi đã ăn quen, nhiều người còn thấy “nghiện”, sẵn sàng chi hàng trăm nghìn để mua 1 kg rau thối về thưởng thức.

“Loại rau này không khác gì sầu riêng vậy, nếu không quen sẽ thấy mùi chúng rất khó chịu nhưng chỉ cần thưởng thức một lần là thích ăn ngay và thấy mùi của chúng thơm”, chị Hạnh (Tuyên Quang) chia sẻ.

Năm nào cũng vậy, vào khoảng thời gian này, chị đều tìm mua rau thối về chế biến nhiều món ăn. Dù giá cao hơn các loại rau khác, chị vẫn sẵn sàng chi tiền đặt mua về ăn.

Trước đây, khi mới biết đến rau thối, chị Hạnh thấy mùi của nó rất nồng, khó ngửi nhưng khi ăn quen chị lại thấy vị rau giòn, bùi và đậm đà. Rau thối có thể làm được rất nhiều món ngon như xào thịt bò, xào tỏi, rán trứng, làm nộm, nấu canh…nhưng chị thường đem rau này xào với măng, ăn thơm ngon mà không ngán.

Là người chuyên cung cấp rau rừng, chị Ngô Lý (Hà Nội) cho biết, rau thối rất hút khách. Rau thối không phải lúc nào cũng vì sản lượng ít nên thường không đủ để cung cấp. Hôm nào nhiều thì chị lấy được ba chục cân, có hôm không có cân nào hoặc giá quá đắt, chị không dám nhập về bán.

“Thông thường sau khi mọi người đặt hàng xong thì tôi mới gọi người nhà ở trên vùng cao Sơn La mua đủ số lượng rồi gửi hàng về. Có nhiều hôm số lượng đặt nhiều quá, gom ở chợ không đủ nên phải đặt mối từ bà con ở vùng núi để người ta đi hái. Khách đặt nhiều nhưng đợt này rau thối khan hiếm nên tôi cũng không dám nhận nhiều, chỉ nhận đặt mỗi khách khoảng 1-2 mớ”, chị Lý nói.

Đời sống - Loại rau dại nghe tên đã 'bốc mùi' nhưng ăn vừa ngon vừa là vị thuốc (Hình 2).

Rau thối nhập về được bán theo mớ vì theo chị Lý, rau non, mềm, lá rau thối nhỏ hơn cả lá phượng, dễ rụng, hao hụt nên không ai bán theo cân. Khi mới hái xong dù đứng xa cả mét vẫn còn ngửi thấy mùi hôi của rau. Tuy nhiên khi vận chuyển về đến Hà Nội, rau đã bớt mùi hôi.

“Rau có mùi hôi nhưng khi nấu sẽ bay mùi, đảm bảo ăn ngon, rất dễ ăn. Khách lúc đầu mua cũng chỉ vì tò mò, sau lại thành nghiện”, chị Lý cho hay.

Trước đây rau thối chủ yếu mọc tự nhiên trên rừng nhưng mấy năm nay, người dân đã đem về nhân giống và trồng tại vườn. Loại rau này chăm sóc rất khó, có gai rậm, cành cao, người dân làm cỏ khó và thi thoảng chúng cũng bị sâu tàn phá. Tuỳ thuộc vào thời tiết, loại rau này có năm mất mùa, thu hoạch được rất ít, còn được mùa thì sản lượng cũng khá.

Anh Mai Quang Dương (Hàm Yên, Tuyên Quang) cho biết, rau thối bắt đầu cho thu hoạch khoảng tháng 2-3 Âm lịch đến khoảng tháng 9-10 Âm lịch. Với diện tích 5 sào, anh cho biết vào mùa cứ một tuần anh sẽ thu hoạch một lần. Nếu được mùa, anh sẽ thu được khoảng 10-15kg/1 tuần.

Vì rau này chỉ hái phần ngọn non nên sản lượng không có nhiều, thu không đủ để bán cho các đầu mối các tỉnh. Giá bán sỉ tuỳ thuộc vào số lượng khách lấy, giá bán lẻ tại vườn là 150.000 đồng/kg. Năm nay, anh đã cắt bán được khoảng 30-40kg.

Nếu được mùa, anh thu về được khoảng 50 – 60 triệu đồng/vụ. Theo anh, loại rau này đem lại lợi nhuận hơn trồng chè. Vì vậy, thời gian tới, anh dự định sẽ mở rộng trồng thêm một đồi nữa để tăng sản lượng.

Đặc biệt, rau thối không chỉ để ăn, nó còn được người dân coi là vị thuốc chữa xương khớp hiệu quả. Theo dân gian, rau thối có tác dụng thanh nhiệt, giải độc tốt. Cho nên, loại rau rừng này không chỉ là món ăn ưa thích của bà con vùng cao mà còn hấp dẫn người dân phố thị. Đặc biệt khi vào dịp hè, lượng tiêu thụ rau thối càng nhiều.

Trên thị trường, rau thối có khá ít, người tiêu dùng muốn mua cũng rất khó. Giá rau thối đang được rao bán từ 180.000 – 200.000 đồng/kg.

Minh Hoa (t/h)