Luật Thủ đô (sửa đổi): Xây dựng mạng lưới y tế phục vụ cả nước

Theo ĐBQH và chuyên gia y tế, trong Luật Thủ đô (sửa đổi), vấn đề về sức khỏe đã được quan tâm đúng mức, đã định hướng sự phát triển đồng bộ, cân đối.

Mạng lưới y tế không chỉ phục vụ riêng Hà Nội

Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Quốc hội biểu quyết thông qua ngày 28/6, các ĐBQH đều đánh giá việc thông qua Luật Thủ đô lần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Trong lĩnh vực y tế, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã định hướng sự phát triển đồng bộ, cân đối và đảm bảo tính kết nối cao, tương tác hiệu quả giữa mạng lưới cơ sở y tế quốc gia và mạng lưới cơ sở y tế địa phương.

Trao đổi với Người Đưa Tin, ĐBQH Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cho biết, trong Luật Thủ đô (sửa đổi) có thể thấy vấn đề về sức khỏe đã được quan tâm đúng mức.

Được thể hiện đó là việc tổ chức một mạng lưới y tế phục vụ không chỉ cho chính Tp.Hà Nội hoặc khu vực miền Bắc mà còn cho cả nước.

Thực tiễn cho thấy, địa bàn Hà Nội ngoài các bệnh viện lớn của Hà Nội phục vụ người dân Thủ đô như Xanh Pôn, Thanh Nhàn… thì có những bệnh viện lớn khác của quốc gia, của các trường đại học đóng trên địa bàn Hà Nội.

“Luật Thủ đô (sửa đổi) đã luật hóa, xây dựng hệ thống mạng lưới y tế phục vụ cho cả nước”, ông Trí nói.

Đối thoại - Luật Thủ đô (sửa đổi): Xây dựng mạng lưới y tế phục vụ cả nước

ĐBQH Nguyễn Anh Trí nhìn nhận vấn đề về sức khỏe đã được quan tâm đúng mức trong Luật Thủ đô (sửa đổi).

Ông Trí cho hay, về mặt quy hoạch sẽ có 3 cấp y tế, cấp thứ nhất là cấp của các cơ sở y tế rất lớn tập trung lại thành các trung tâm y khoa. Trong Trung tâm y khoa có nhiều viện và bệnh viện chuyên khoa. Như vậy, có tính độc lập tương đối, khi cần có sự hỗ trợ lẫn nhau tạo ra được sự hợp lực rất mạnh. Trên thế giới, các nước rất phát triển đang đi theo xu hướng này.

“Các trung tâm đó không cần nằm ở giữa trung tâm thành phố, ra ngoại thành cũng được nhưng ở chỗ phải thuận lợi về giao thông kể cả đường bộ, đường sắt, đường hàng không. Trong phát biểu trên nghị trường tôi đã đề nghị phải trang bị những sân bay trực thăng để vận chuyển kịp bệnh nhân”, ông Trí chia sẻ.

Tầng cấp thứ hai là các bệnh viện khoảng 300-500 giường bệnh đóng tại các quận, huyện nơi có nhu cầu.

Ba là mạng lưới các phòng khám đa khoa thì nằm rải rác trong dân. Bám vào những khu vực dân cư đông, càng gần dân càng tốt. Thí dụ như sốt, tai nạn bỏng… thì đến chỗ cấp cứu gần nhất, đây là chăm sóc sức khỏe ban đầu, nặng hơn một chút thì đến các bệnh viện quận, huyện. Còn bệnh vô cùng nặng, khó điều trị thì được điều trị tại các Trung tâm y khoa lớn.

Với Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này, ông Trí kỳ vọng hệ thống y tế sẽ được đầu tư về mặt chuyên môn y khoa, bao gồm nhân lực, trang thiết bị y tế, các hoạt động nghiên cứu khoa học chuyên sâu để tìm kiếm những phác đồ điều trị những bệnh khó, bệnh mới nổi…

Y học gia đình - xu thế của thời đại

Tại Điều 26 phát triển y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân cũng quy định về nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh và năng lực của hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở, mạng lưới khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình.

Về vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Anh Trí cho rằng phải giải quyết thật tốt tổ chức hệ thống khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình. Bởi đây là xu thế của thời đại, song song với đó cần thực hiện chuyển đổi số thật tốt.

Đối thoại - Luật Thủ đô (sửa đổi): Xây dựng mạng lưới y tế phục vụ cả nước (Hình 2).

Đảm bảo tính kết nối cao, tương tác hiệu quả giữa mạng lưới cơ sở y tế quốc gia và mạng lưới cơ sở y tế địa phương.

PGS.TS. Phan Lê Thu Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) nhìn nhận, với lĩnh vực y tế Luật Thủ đô (sửa đổi) đã định hướng sự phát triển đồng bộ, cân đối và đảm bảo tính kết nối cao, tương tác hiệu quả giữa mạng lưới cơ sở y tế quốc gia (do Bộ Y tế quản lý) và mạng lưới cơ sở y tế địa phương (do Tp. Hà Nội quản lý).

Hà Nội được xem là trung tâm y tế lớn nhất cả nước, trong đó trên địa bàn Thủ đô có mạng lưới các bệnh viện chuyên sâu tuyến cuối do Bộ Y tế quản lý.

Các bệnh viện bao gồm 4 bệnh viện đa khoa và 15 bệnh viện chuyên khoa. Bên cạnh đó, còn có các bệnh viện thực hành thuộc trường đại học và học viện.

Đây là những bệnh viện chuyên khoa, đa khoa thuộc cấp chuyên sâu và đáp ứng tiêu chí là bệnh viện đầu ngành, đảm nhận vai trò quốc gia trong hệ thống y tế cả nước.

Trong tổng thể hệ thống y tế quốc gia, các bệnh viện tuyến Trung ương do Bộ Y tế quản lý có vai trò rất quan trọng, đặc biệt trong việc cung ứng dịch vụ y tế tuyến cuối cho người dân trên cả nước; chỉ đạo tuyến, hỗ trợ kỹ thuật cho các bệnh viện tuyến dưới, góp phần nâng đỡ sự phát triển của hệ thống y tế các địa phương, nhất là các khu vực khó khăn, phát triển dịch vụ kỹ thuật chuyên sâu mang tính đầu ngành, tiếp nhận và làm chủ các dịch vụ kỹ thuật y tế tiên tiến trên thế giới.

Các bệnh viện này còn đóng vai trò trung tâm thực hành kiểu mẫu, giúp Bộ Y tế xây dựng các quy định về chuyên môn kỹ thuật, tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn trong khám bệnh, chữa bệnh; xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật, làm cơ sở xác định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Đối thoại - Luật Thủ đô (sửa đổi): Xây dựng mạng lưới y tế phục vụ cả nước (Hình 3).

PGS.TS. Phan Lê Thu Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế).

Đồng thời, điều phối đảm bảo an ninh y tế, vốn được xem là vai trò không thể thay thế trong bối cảnh hiện nay, khi nguy cơ xuất hiện và bùng phát các dịch bệnh mới nổi đe dọa an ninh y tế ngày càng lớn, số lượng đơn vị hành chính tuyến tỉnh của nước ta khá lớn trong khi năng lực của hệ thống y tế tỉnh không đồng đều và năng lực liên kết giữa các tỉnh còn ở mức rất khiêm tốn.

Ngoài ra, các bệnh viện này còn hỗ trợ công tác đào tạo chuyên khoa, là cơ sở thực hành chuyên sâu của các trường đại học khối ngành sức khỏe trọng điểm quốc gia của cả nước.

Bên cạnh đó, trong Luật Thủ đô (sửa đổi) có quy định về việc mở rộng ưu tiên cho một số lĩnh vực của hệ thống y tế vốn được đánh giá có thể mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe của nhân dân trong tình hình mới, nhưng trước đây chưa có điều kiện quan tâm đúng mức. Đó là phát triển mạng lưới khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình và hệ thống cấp cứu ngoại viện.

Liên quan đến phát triển mạng lưới khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình, bà Phan Lê Thu Hằng cho rằng, khám chữa bệnh y học gia đình là mô hình cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu được minh chứng rất có hiệu quả về cả về kỹ thuật và chi phí tại nhiều quốc gia.

Tuy nhiên, việc phát triển mô hình này đòi hỏi nguồn nhân lực được đào tạo đầy đủ về y học gia đình, cơ chế tài chính phủ hợp để đảm bảo sự duy trì bền vững cũng như một số yếu tố hỗ trợ thiết yếu khác.

Do vậy, việc phát triển mạng lưới khám chữa bệnh y học gia đình cần có lộ trình phù hợp, ưu tiên trước tại những khu vực có nhiều điều kiện thuận lợi như Hà Nội, Tp.HCM.

“Chúng ta hy vọng rằng với Luật Thủ đô (sửa đổi), mạng lưới khám chữa bệnh y học gia đình sẽ có những điều kiện thuận lợi để phát triển và duy trì bền vững trên địa bàn Thủ đô, tạo nền tảng cho việc phát triển trên phạm vi cả nước”, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính nói thêm với Người Đưa Tin.  

Luật Thủ đô (sửa đổi) gồm 7 chương, 54 điều (tăng 3 chương, 27 điều so với Luật Thủ đô năm 2012). Luật đã bám sát 5 quan điểm chỉ đạo xây dựng dự thảo và 9 nhóm chính sách đã được Quốc hội quyết định. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025; có 7 quy định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.
Hoàng Thị Bích/Người đưa tin