Lý giải nguyên nhân độ chênh giữa điểm học bạ và thi tốt nghiệp

Chênh lệch điểm thi và học bạ do việc dạy học và kiểm tra, đánh giá trong trường phổ thông chưa tương đồng với thi tốt nghiệp THPT. Các địa phương cần điều chỉnh việc kiểm tra, đánh giá trong quá trình dạy học bảo đảm sát hơn với năng lực của học sinh.

Tối 27/7, bộ GD&ĐT công bố báo cáo so sánh trung bình điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021 và trung bình điểm học bạ lớp 12 theo từng môn của từng địa phương.

Theo đó, về cơ bản trung bình điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021 và trung bình điểm học bạ lớp 12 theo từng môn học có sự tương đồng và khoảng cách được thu hẹp hơn so với năm 2020.

Nhiều môn ở nhiều tỉnh/thành phố có chênh lệch chỉ trên dưới 1 điểm. Điều đó cho thấy việc dạy học và kiểm tra, đánh giá ở các trường phổ thông về cơ bản đáp ứng yêu cầu đánh giá đúng năng lực của học sinh, theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình

Cụ thể, trung bình điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021 của hầu hết các môn thấp hơn trung bình điểm học bạ lớp 12.

Riêng môn Giáo dục công dân có điểm trung bình thi tốt nghiệp cao hơn điểm trung bình học bạ lớp 12 ở hầu hết các tỉnh/thành phố.

anh-1-nguyenvong-1627393708.jpg
Điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm học bạ có độ chênh do do việc dạy học và kiểm tra, đánh giá trong trường phổ thông chưa tương đồng với kỳ thi.

Đối với các môn có kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021 còn thấp, như Tiếng Anh, Lịch sử, mức chênh lệch giữa điểm học bạ và điểm thi có phần cao hơn các môn khác. Điều đó có nghĩa, việc dạy học và kiểm tra, đánh giá trong trường phổ thông chưa tương đồng với thi tốt nghiệp THPT.

Qua đó thấy rằng, kết quả học tập môn Tiếng Anh và môn Lịch sử của học sinh còn hạn chế; quá trình kiểm tra, đánh giá các môn này trong trường phổ thông có phần “rộng” hơn.

Đây là lý do dẫn tới độ chênh giữa trung bình điểm học bạ lớp 12 và trung bình điểm thi tốt nghiệp THPT môn Tiếng Anh, Lịch sử cao hơn các môn khác.

Từ kết quả thi tốt nghiệp THPT và đối sánh trung bình điểm thi với trung bình điểm học bạ lớp 12, nếu môn nào, ở tỉnh nào kết quả còn thấp và có sự chênh lệch lớn thì cần tiếp tục điều chỉnh việc dạy học để nâng cao chất lượng.

Đồng thời, sở GD&ĐT và các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh đó cần điều chỉnh việc kiểm tra, đánh giá trong quá trình dạy học bảo đảm sát hơn với năng lực của học sinh.

Trước đó, bộ GD&ĐT đã lý giải về phổ điểm “lạ” của môn Tiếng Anh và Giáo dục công dân trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay: môn Tiếng Anh có 2 đỉnh và môn giáo dục công dân thiên lệch hoàn toàn về bên phải.

Theo đó, môn Giáo dục công dân có số điểm 10 tăng đột biến do đề giảm ghi nhớ máy móc, tăng câu hỏi vận dụng trong đời sống. Còn phổ điểm “lạ” của môn Tiếng Anh lại “phản ánh điều kiện dạy học của các nhà trường là khác nhau, nơi nào có điều kiện dạy học tốt, có truyền thống học tập thì điểm cao hơn”.

Tuệ Linh