Món đặc sản đại bổ cả năm chỉ có một mùa, ăn dễ "nghiện" nhưng người này tuyệt đối đừng đụng đũa

Khi chế biến món ăn liên quan đến rươi, mà trực tiếp là chả rươi thì vỏ quýt là nguyên liệu không thể thiếu. Vậy việc kết hợp này có lợi ích gì với sức khỏe, hay chỉ để dậy mùi món ăn?

Hiện bắt đầu vào mùa thu hoạch rươi, vì thế trên mạng xã hội nhiều người chia sẻ hình ảnh về món đặc sản được chế biến từ rươi, trong đó phổ biến nhất là chả rươi. Không những thế, trên nhiều hội nhóm các chị em còn hướng dẫn cách chế biến để món ăn vừa ngon, vừa bắt mắt.

Theo đó, khi chế biến món chả rươi, ngoài nguyên liệu chính là rươi, trứng gà, thịt băm… một nguyên liệu dù không cần dùng nhiều nhưng cũng không thể thiếu là vỏ quýt. Thế nhưng, nhiều người thắc mắc rằng không biết vỏ quýt kết hợp với rươi mang lại tác dụng gì, liệu có làm phá hỏng vị của món ăn hay không?

Trước câu hỏi trên, lương y Bùi Đắc Sáng cho biết, đây là sự kết hợp đã được truyền lại qua nhiều thế hệ, nó làm tăng mùi vị, độ ngon của món ăn lên rất nhiều. Còn xét dưới góc độ y học cổ truyền, sự kết hợp này còn mang lại nhiều lợi ích tốt với sức khỏe, đó được coi như là một vị thuốc.

Việc kết hợp rươi với vỏ quýt không chỉ làm tăng hương vị, mà còn là vị thuốc rất tốt cho sức khỏe. Ảnh minh họa. 

Theo ông Sáng, rươi với vỏ quýt có những điểm tương đồng nhất định, đặc biệt vỏ quýt giúp khắc chế được điểm yếu của rươi, từ đó khiến cho món ăn ngon miệng và an toàn hơn. Theo đó, dược tính của rươi tương tự như vỏ quýt khi mang vị cay, đắng, the, mùi thơm, tính ấm... Trong đông y, rươi là vị thuốc được hỗ trợ điều trị một số bệnh, giúp nâng cao sức đề kháng và thuyên giảm bệnh tật, rất tốt cho sức khỏe vào mùa đông khi miễn dịch bị suy giảm. Tuy có hương vị thơm ngon và giàu giá trị dinh dưỡng, nhưng nếu chế biến rươi không đúng cách, không đảm bảo an toàn thực phẩm thì dễ gây dị ứng, rối loạn tiêu hóa và ngộ độc.

Vỏ quýt là vị thuốc đã được sử dụng lâu đời trong đông y. Vỏ quýt có vị cay, đắng, tính ôn, tác dụng vào tỳ và phế. Loại vỏ này có tác dụng làm ấm dạ dày, lý khí, hóa đờm, kiện tỳ, chỉ khái và tiểu tích, thường được sử dụng trong những trường hợp đầy tức bụng ngực, ăn kém chậm tiêu và nôn, viêm khí phế quản và ho có đờm nhiều.

Rươi là loài nhuyễn thể, sống dưới nước, tiếp xúc với nhiều bùn đất nên dễ nhiễm chất độc từ môi trường, khi ăn dễ bị lạnh bụng, rối loạn tiêu hóa, vì thế việc kết hợp với vỏ quýt sẽ giúp ấm bụng, phòng ngộ độc, thậm chí là giải độc. Tuy nhiên khi kết hợp chỉ cho lượng vừa đủ để không làm món ăn bị quá đắng”, ông Sáng cho hay.

Rươi là loài nhuyễn thể, dễ bị thối rữa nên cần kiểm tra trước khi chế biến món ăn. Ảnh minh họa. 

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (chuyên gia về công nghệ thực phẩm) cũng cảnh báo, dù là thực phẩm giàu dinh dưỡng nhưng ăn rươi có thể gây dị ứng, ngộ độc thực phẩm vì thế mọi người cần chú ý. Rươi là loài nhuyễn thể, quá trình thu hoạch, vệ sinh và vận chuyển nếu không đảm bảo sẽ dễ nhiễm vi khuẩn Salmonella, E.coli gây tiêu chảy.

Với những người lần đầu ăn rươi không nên ăn nhiều, nên ăn thử miếng nhỏ để xem có bị dị ứng không. Với những người có tiền sử dị ứng với một số thức ăn giàu đạm như hải sản, nhộng... không nên ăn rươi. Đặc biệt, phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ không nên ăn rươi, vì rươi nhiều đạm, khi ăn dễ gây tình trạng đầy bụng, khó tiêu, kể cả khi đã kết hợp với vỏ quýt. 

LÊ PHƯƠNG.