Một cách tránh thai tệ nhất nhiều phụ nữ trẻ chọn - bác sĩ cảnh báo “nguy đủ đường”

CTV
Nhiều người thích áp dụng các biện pháp tránh thai kiểu “tự nhiên” như xuất tinh ngoài, tính ngày rụng trứng,… hoặc nếu lỡ có bầu thì sẽ phá thai. Vậy đâu là cách tránh thai tệ nhất, không nên áp dụng.

Thời nay, dù ngoài xã hội hay trong gia đình, người phụ nữ đều tự tin, cởi mở hơn và sẵn sàng trải nghiệm những điều mới mẻ, thử thách. Trong đời sống lứa đôi, chị em cũng không ngại thể hiện những khao khát rất đời, biết trân trọng bản thân và chủ động bảo vệ mình để "yêu" an toàn và không để lại những hậu quả đáng tiếc.

Tuy nhiên, quan hệ tình dục thế nào để an toàn, lựa chọn biện pháp tránh thai ra sao cho phù hợp, hiệu quả lại không ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản và đời sống tình dục là thắc mắc của không ít chị em.

Để giúp chị em tháo gỡ những băn khoăn, lo lắng trong việc lựa chọn, áp dụng các biện pháp tránh thai phù hợp, xử trí các tình huống liên quan tới việc bảo vệ sức khỏe sinh sản và tình dục, Tạp chí điện tử Phụ nữ và Pháp luật kết hợp với Trang tin điện tử Eva.vn tổ chức Livestream "Tránh thai - Giải đáp những điều ngại hỏi" với sự tham gia của Thạc sĩ - Bác sĩ Phan Chí Thành, Bệnh viện Phụ sản Trung ương.

Bác sĩ Phan Chí Thành, khách mời đã có mặt cùng MC Minh Phương sẵn sàng tham gia buổi giao lưu trực tuyến.

Mời quý độc giả ấn F5 để tiếp tục cập nhật thông tin buổi livestream

Phần 1: KIẾN THỨC CHUNG

MC: Thưa bác sĩ Phan Chí Thành, tránh thai là một nhiệm vụ không thể né tránh của các đôi lứa yêu nhau, muốn làm "chuyện ấy" nhưng không muốn lên chức làm cha mẹ hoặc chưa mong có thêm con. Bác sĩ có thể giới thiệu đôi chút về các biện pháp tránh thai được sử dụng với cả hai giới và ưu cũng như nhược điểm của từng cách?

BS Phan Chí Thành: Tránh thai được chia ra làm 2 mảng đó là cho nam và cho nữ.

- Ở nam giới: Tránh thai có hai biện pháp chính đó là đeo bao cao su khi quan hệ và thắt ống dẫn tinh (triệt sản). Tuy nhiên, trong thực tế rất nhiều anh em còn sáng tạo nhiều biện pháp khác như xuất tinh ngoài, tính ngày rụng trứng. Tuy nhiên, đây đều là những biện pháp không an toàn.

- Ở nữ giới: Tránh thai cho nữ có 2 mảng chính. Thứ nhất là dùng bao cao su màng ngăn cho nữ giới, ngăn chặn tinh trùng không cho gặp trứng. Thứ hai là thắt ống dẫn trứng lại để gây tắc nghẽn, tránh tinh trùng không gặp trứng.

Ngoài ra, chị em còn có nhiều biện pháp khác như dùng thuốc tránh thai, cấy que, đặt vòng. Điều này khiến các chị em cũng không biết nên vui hay buồn và đặt ra câu hỏi: Vì sao nam giới ít biện pháp tránh thai vậy, dường như trách nhiệm tránh thai đổ dồn lên chị em phụ nữ.

MC: Nếu như vậy phụ nữ có vẻ như bị thiệt thòi khi luôn phải tìm cách bảo vệ, tránh thai cho mình. Điều này có đáng suy ngẫm gì không, thưa bác sĩ?

BS Phan Chí Thành: Trong xã hội hiện nay, trách nhiệm tránh thai dường như đang đổ dồn lên vai phụ nữ. Thậm chí, khi hậu quả xảy ra ngoài ý muốn thì mọi điều tiếng chị em đều hứng chịu. Ở đây có sự không cân bằng giữa nam và nữ, trong khi trách nhiệm đáng ra phải sẻ đều cho cả hai giới. Bởi khi chúng ta tham gia hoạt động tình dục thì trách nhiệm phải từ 2 phía.

Có những số liệu báo động về việc các bạn trai đề nghị không sử dụng bao cao su, không sử dụng biện pháp tránh thai khi quan hệ tình dục. Điều này khiến cho chị em phụ nữ rơi vào tình huống rất khó xử.

Đã có bạn gái chia sẻ rằng, khi yêu cầu bạn trai dùng bao cao su thì bạn trai cho rằng người bạn gái không tin mình và trách đó là sự không tôn trọng. Điều đó khiến chị em nể nang, bước vào cuộc tình dục không an toàn, dễ để lại hậu quả.

Như vậy có thể thấy rằng, chúng ta không thể để sự nể nang hay tránh thai bằng niềm tin, mà phải có phương pháp khoa học cụ thể.

MC: Thưa bác sĩ, vậy với phụ nữ, khi lựa chọn biện pháp tránh thai, chị em nên dựa trên những tiêu chí nào hay cần lưu ý điều gì?

BS Phan Chí Thành: Điều đầu tiên phải phụ thuộc vào lứa tuổi, mối quan hệ của các bạn. Với các bạn chưa lập gia đình thì tránh thai là điều tiên quyết, vì giúp các bạn không có thai ngoài ý muốn, tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục ví dụ như HIV, viêm gan B, lậu…

Bởi khi mắc các bệnh này sẽ ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe của chị em. Đây cũng là nguyên nhân gây vô sinh với chị em phụ nữ. Do vậy, việc tránh thai chính là bảo vệ cơ quan sinh sản.

Với các trường hợp này thì phương pháp tránh thai phù hợp đó là dùng bao cao su. Đây là phương pháp rất tốt cho việc tránh thai và tránh bệnh lây truyền qua đường tình dục. Thông tin cho rằng dùng bao cao su không thật, giảm ham muốn là sai lầm.

Các bao cao su hiện nay rất thật, rất mỏng và không làm giảm ham muốn, cảm giác của các bạn. Thậm chí, dùng bao cao su còn làm thăng hoa hơn cuộc quan hệ. Bởi khi dùng thì sẽ cởi bỏ được tâm lý mang bầu, dính bệnh và từ đó cuộc yêu diễn ra tự nhiên, nhiệt tình và chất lượng quan hệ tình dục sẽ tăng lên.

Tiêu chí quan trọng khi lựa chọn biện pháp tránh thai là phụ thuộc vào lứa tuổi, mối quan hệ.

MC: Một số người rất dễ áp dụng các biện pháp tránh thai nhưng một số khác thử cách nào cũng không hợp? Tại sao lại như vậy thưa bác sĩ? Với những trường hợp quá khó khăn trong việc lựa chọn cách tránh thai phù hợp, lời khuyên của bác sĩ là gì?

BS Phan Chí Thành: Thực ra, chúng ta chưa hình dùng hết sức mạnh của các biện pháp tránh thai. Thậm chí các bạn còn không biết bao nhiêu cách tránh thai, do vậy việc cần bác sĩ có chuyên môn tư vấn rất quan trọng.

Việc dùng biện pháp tránh thai cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ, ví dụ như trường hợp dị ứng khi dùng bao cao su. Dị ứng ở đây là do chất latex để bảo quản bao cao su, với trường hợp này khi khám phụ khoa chúng tôi cũng không dùng găng tay cao su có chất latex. Thay vào đó có thể dùng bao cao su chất liệu nilon thông thường, không chứa bột latec.

Ngoài ra, có thể sử dụng các biện pháp khác như thuốc tránh thai. Chúng tôi luôn ưu tiên thuốc tránh thai hàng ngày, chứ không phải khẩn cấp. Vì thuốc tránh thai khẩn cấp sẽ bị động, nguy cơ có bầu rất lớn.

MC: Thưa bác sĩ, giữa phụ nữ đã sinh con với những người chưa từng mang thai, sinh nở thì khi lựa chọn, sử dụng các biện pháp tránh thai có gì khác biệt?

BS Phan Chí Thành: Đối với các bạn chưa có gia đình, việc quan hệ tình dục đa số mang tính thời điểm, sự vụ, vì thế thời điểm quan hệ mới dùng biện pháp tránh thai.

Còn đối với người đã có gia đình, việc quan hệ tình dục như cơm ăn, nước uống hàng ngày, quan hệ với tần suất nhiều lần/tuần. Do vậy, nếu khi nào quan hệ mới tránh thai thì chi phí sẽ cao. Hơn nữa như vậy cuộc yêu sẽ không sẵn sàng, vì không thể khi đang chuẩn bị thì đi tìm biện pháp tránh thai. Do vậy, với người đã có gia đình sẽ tìm những biện pháp tránh thai ổn định như uống thuốc tránh thai hàng ngày, đặt vòng, cấy que…

MC: Không ít cặp đôi không muốn dùng các biện pháp tránh thai kiểu can thiệp bên ngoài (như dùng bao, uống thuốc, đặt vòng, cấy que…) mà muốn áp dụng các cách “tự nhiên” như tính ngày quan hệ, xuất tinh ngoài… Hiệu quả của những cách này ra sao và ai có thể dùng, ai không nên áp dụng?

BS Phan Chí Thành: Rất nhiều các cặp đôi sáng tạo trong việc tránh thai, ví dụ như canh ngày rụng trứng, quan hệ ngày đèn đỏ, quan hệ gần xuất tinh thì đeo bao, quan hệ xong thì thụt rửa âm đạo… Tất cả những trường hợp này đều không đạt hiệu quả cao và thực tế nhiều trường hợp vẫn bị vỡ kế hoạch, có thai ngoài ý muốn.

Có nhiều trường hợp canh ngày rụng trứng để quan hệ nhưng vẫn có thai. Lý do vì ngày rụng trứng của phụ nữ có 2 yếu tố, đầu tiên đó là cứ đến ngày thì rụng trứng. Thứ hai là khi quan hệ dữ dội thì quả xanh cũng rụng, chứ không phải quả chín. Mà khi thăng hoa trong quan hệ, việc dùng lại giữa chừng là không thể. Do vậy, những biện pháp như canh ngày, xuất tinh ngoài là không an toàn.

Hơn nữa, việc quan hệ tình dục không phải một năm chỉ làm một hai lần, mà nó có thể diễn ra hàng ngày nên xác suất sẽ cao hơn vì “đi đêm lắm có ngày gặp ma”. Trường hợp có thai ngoài ý muốn, chính chị em cũng phải học cách thông báo cho người yêu, phụ huynh hay lựa chọn như thế nào khi có thai cũng là vấn đề rất quan trọng.

Đặc biệt, chúng tôi cảnh báo về quan điểm cho rằng phá thai là tránh thai. Điều này là rất nguy hiểm để lại nhiều hậu quả cho sức khỏe. Thực tế qua thăm khám tôi đã gặp những trường hợp bị hỏng cả tử cung, vòi trứng vì phá thai không an toàn.

MC: Việc áp dụng các biện pháp tránh thai có ảnh hưởng (cả tích cực và tiêu cực) thế nào tới sức khỏe cũng như cuộc sống, đời sống chăn gối của phụ nữ?

BS Phan Chí Thành: Việc dùng các biện pháp tránh thai nghiêm túc, chúng ta sẽ lựa chọn được thời điểm sinh sản thích hợp cho bản thân mình. Khi nào mình mong muốn có thai, mình phải chuẩn bị mọi thứ trước khi mang bầu. Bởi mang thai thời nay không phải là hứng lên quan hệ, rồi có bầu mà nó phải có sự chuẩn bị từ tinh thần, sức khỏe người mẹ, điều kiện kinh tế khi sinh con và sau khi con chào đời.

Khi chuẩn bị được mọi thứ như vậy, chúng ta mới không bị nhỡ nhàng, các con đến với gia đình trong sự chào đón của mọi người. Trường hợp mang thai ngoài ý muốn sẽ khiến cho em bé không được chào đón, thậm chí có bạn còn tự phá thai khi thai to, hoặc đau đớn hơn là kết thúc cuộc đời của hai mẹ con.

Ngoài ra, khi có thói quen tình dục an toàn, tránh thai lành mạnh, chúng ta sẽ bảo vệ được tài sản sinh sản của chính bản thân mình. Tài sản của nữ giới đó là vòi trứng, buồng trứng, tử cung. Còn ở nam giới là ống dẫn tinh, tinh hoàn. Nếu chúng ta không bảo vệ sẽ gây nên tình trạng viêm nhiễm ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản, thậm chí vô sinh.

Việc dùng các biện pháp tránh thai nghiêm túc, chúng ta sẽ lựa chọn được thời điểm sinh sản thích hợp.

MC: Trong số các biện pháp tránh thai, theo bác sĩ, đâu là cách tệ nhất, mà chỉ trong tình huống bất đắc dĩ, không thể áp dụng các phương pháp khác mới nên dùng? Bác sĩ có thể chia sẻ một số tình huống từng tư vấn cho các chị em lỡ “gặp nạn" khi sử dụng cách này?

BS Phan Chí Thành: Cách tệ nhất tránh thai là coi phá thai là tránh thai. Tức là hậu quả xảy ra rồi mới tìm phương án giải quyết. Đây là biện pháp cần phải tránh.

Tuy nhiên, nếu giả sử mang bầu ngoài ý muốn, các bạn không nên suy nghĩ tiêu cực vì bên cạnh vẫn còn có gia đình, nhà trường, nhân viên y tế và nhiều giải pháp khác để hỗ trợ. Không nên có suy nghĩ đó là đường cùng, tìm mọi cách để phá thai không an toàn, hủy hoại sức khỏe mình.

Tôi khám về hiếm muộn, vô sinh và gặp rất nhiều các bạn trẻ trước đây có thai ngoài ý muốn và đình chỉ thai nghén khi thai đã khá lớn. Khi lập gia đình các bạn vẫn rất tự tin vì mình còn trẻ, ngày trước dễ mang bầu nên chờ đến 2-3 năm sau mới dự định có con. Thế nhưng mãi không có con, lúc đó mới giật mình đi khám và phát hiện quá nhiều bệnh lý ở đường sinh sản. Cụ thể đó là sẹo chằng chịt trong buồng tử cung.

Trong tử cung có một lớp niêm mạc mà chúng tôi gọi là lớp đất màu mỡ để phôi thai làm tổ. Tuy nhiên, quá trình phá thai, “lớp đất” ấy đã được cạo sạch sẽ nên bề mặt chỉ còn sỏi đá cằn cỗi.

Từ trường hợp trên, chúng tôi luôn tư vấn các bạn ấy về việc tránh thai an toàn để bảo vệ cơ quan sinh dục. Ngoài ra, không nên coi phá thai là biện pháp duy nhất, mà còn nhiều biện pháp, lựa chọn khác nữa để chúng ta cùng bàn bạc.

Lựa chọn ở đây là chúng ta dạy các bạn trẻ tránh thai. Khi có thai ngoài ý muốn thì thông báo tin này thế nào. Bởi nếu thông báo không tế nhị, bạn trai sốc sẽ gây hậu quả đáng tiếc, thậm chí bạo hành hoặc có người sẽ phủi trách nhiệm.

Do vậy, chúng ta luôn phải suy nghĩ gia đình là số một và khi khó khăn như vậy chúng ta cần tìm đến, chia sẻ với người thân yêu. Tuy nhiên, trong suy nghĩ nhiều người luôn sợ hãi câu nói “có thai bố mẹ “giết” nên không dám nói. Thực tế đó là câu nói cửa miệng, chứ không bố mẹ nào khi các con rơi vào tình thế đó mà lại bỏ rơi, ruồng rẫy.

Lựa chọn tiếp theo các bạn có thể làm mẹ, dù rất nhiều áp lực. Và cuối cùng là khi mang thai ngoài ý muốn, vẫn có hiệp hội nhận con nuôi để hỗ trợ. Còn trường hợp bắt buộc phải đình chỉ thai thì tốt nhất nên thực hiện trước 6 tuần.

Phần 2: TƯƠNG TÁC ĐỘC GIẢ

MC: Chị Như Trang (Quận 12, TPHCM): Bác sĩ ơi, em mới sinh mổ lần 2 và không có ý định sinh thêm em bé (ít nhất trong vài năm tới). Em nên dùng biện pháp tránh thai nào là tốt nhất? Vợ chồng em có từng dùng bao cao su nhưng cả hai đều cảm thấy không thoải mái nên muốn chọn biện pháp khác.

BS Phan Chí Thành: Chị đã mổ đẻ 2 lần, nếu hai vợ chồng kiên định không có con thứ 3 thì biện pháp tốt nhất là trong lúc mổ đẻ thắt ống dẫn trứng luôn. Việc làm này không ảnh hưởng đến buồng trứng, nội tiết. Thậm chí nó giúp cuộc yêu thăng hoa hơn vì không nghĩ đến chuyện sẽ mang thai ngoài ý muốn.

Tuy nhiên, trường hợp của chị đã mổ đẻ xong rồi, không kịp để triệt sản nữa nên dùng biện pháp tránh thai lâu dài như cấy que tránh thai hoặc đặt vòng. Tuy nhiên, tôi không khuyến cáo đặt vòng vì đã có sẹo mổ, vòng dễ đi vào vết sẹo, dễ ra máu bất thường.

MC: Chị Ngọc Trâm (Lò Đúc, Hà Nội): Vợ chồng tôi mới cưới, định kế hoạch khoảng 1-2 năm vì đang có hướng phấn đấu trong sự nghiệp trước khi sinh con. Tôi có được bạn hướng dẫn cách tránh thai tự nhiên là tính ngày kinh nhưng vòng kinh của tôi không đều thì có áp dụng được không? Ngoài ra, tôi có nghĩ tới việc dùng thuốc tránh thai nhưng cũng băn khoăn sợ ảnh hưởng tới khả năng sinh con sau này. Nhờ bác sĩ giải đáp thêm.

BS Phan Chí Thành: Trường hợp của chị Ngọc Trâm rất điển hình, nhất là ở các bạn trẻ. Đó là tránh thai khi mới cưới để ổn định rồi mới có con. Tuy nhiên, khi muốn có con thì lại tìm không thấy và sau đó là hành trình đi tìm con cũng sẽ rất dài.

Vì thế, tôi khuyên các bạn trẻ phải có kế hoạch sinh sản dựa trên thông tin khoa học. Việc tạm thời chưa mang thai hay mang thai sớm thì phải được thăm khám và bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên. Thực tế thăm khám hiện nay, nhiều bạn còn rất trẻ đã bị suy buồng trứng, chất lượng buồng trứng kém và chúng tôi khuyến cáo phải có thai ngay lập tức, sinh con càng sớm càng tốt.

Tôi đã có một bệnh nhân là nữ y tá lấy nhau xong thì kế hoạch để thi vào công chức, sau gần 3 năm muốn có con nhưng đợi mãi không có tin vui nên đi khám và lúc đó buồng trứng đã suy hết, gần như không còn cơ hội mang thai.

Vì vậy, đứng trước quyết định mang thai, tránh thai, phải có lời khuyên của bác sĩ vì nó dựa vào tuổi tác, tình trạng sức khỏe. Ví dụ có trường hợp 30-35 rồi vẫn bảo đợi vài năm nữa mới sinh con thì không được. Vì sinh con không phải như mua mớ rau ngoài chợ, muốn mua lúc nào cũng được.

Ngoài ra, trường hợp bạn có kinh nguyệt không đều cần đi khám ngay, vì kinh nguyệt là tấm gương phản chiếu sức khỏe của người phụ nữ. Do vậy tốt nhất nên đi khám, tránh trường hợp sau đó mất rất nhiều thời gian mà việc có con vẫn không thành.

Với việc tính ngày rụng trứng, tôi đã phân tích nhiều ở phần trên, đây là cách tránh thai tôi không khuyến cáo chị em thực hiện.

Cuối cùng đó là biện pháp tránh thai như thuốc tránh thai, hiện nay có nhiều quan điểm sai lầm đó là thuốc tránh thai gây ảnh hưởng chất lượng buồng trứng, khả năng sinh con sau này. Các nghiên cứu chứng mình, thuốc tránh thai không làm ảnh hưởng đến việc sinh con sau này, nên chị em không phải lo.

Việc tạm thời chưa mang thai hay mang thai sớm thì phải được thăm khám và bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên.

MC: Thu Hằng (Bắc Ninh): Em sinh mổ và bác sĩ ở bệnh viện không đồng ý cho em đặt vòng. Em rất sợ sẽ có bầu sớm. Em chỉ muốn nhờ bác sĩ chỉ cách nào để chồng tự nguyện dùng bao cao su cho mình khỏi phải lo việc tránh thai nữa.

BS Phan Chí Thành: Thực ra, sinh mổ không phải chống chỉ định tuyệt đối của đặt vòng, mà phương pháp này nếu áp dụng sẽ khó khăn, dễ biến chứng hơn nên bác sĩ ít khuyên dùng. Trường hợp này bạn nên dùng que tránh thai.

Với trách nhiệm tránh thai của nam giới là vấn đề dài, chúng ta cần phải tuyên truyền và thực tế hiện nay, không ít anh em đi triệt sản với tâm lý vô cùng thoải mái. Tôi cũng khuyên anh em nên san sẻ trách nhiệm tránh thai với chị em.

MC: Xuân Bình (Mê Linh, Vĩnh Phúc): Tôi hơn 40 tuổi và đã có 2 con lớn, không muốn sinh thêm nữa. Chồng tôi nhất định không chịu triệt sản. Tôi đã trải qua đủ hết các biện pháp tránh thai từ đặt vòng tới cấy que, uống thuốc… Giờ tôi mệt mỏi về chuyện tránh thai, “chuyện ấy” cũng thưa thớt. Tôi muốn biết có cách nào tránh thai vĩnh viễn không. Tôi tìm hiểu thì biết triệt sản nữ chỉ thực hiện lúc sinh con. Giờ tôi không sinh nữa thì có làm được không và có nên làm không?

BS Phan Chí Thành: Chuyện tránh thai của chị em phụ nữ tiền mãn kinh là điều rất nhiều người lo lắng. Bởi không ít chị em không có kinh vài tháng, xong đột nhiên em bé đến với mình một cách rất bất ngờ. Việc mang thai ở độ tuổi này mang rất nhiều rủi ro, nguy cơ thai bất thường rất cao.

Để triệt sản trong trường hợp của chị, chúng tôi hoàn toàn có thể mổ nội soi thắt hai buồng trứng được. Hay có phương pháp nữa đó là đưa dụng cụ đi dường dưới, xong bít tắc đầu ra của hai vòi trứng lại. Phương pháp này thế giới làm nhiều, nhưng tại Việt Nam làm chưa thường quy.

MC: Hồng Chúc (Tây Ninh): Chào bác sĩ, em mới có một bé và muốn kế hoạch vài năm sau mới làm “tập 2”. Em định sử dụng viên uống để tránh thai nhưng nghe nói uống thuốc hằng ngày gây mỏng tử cung, khó đậu thai sau này và có thể gặp một số tác dụng phụ khác, có đúng không ạ? Em mới đọc còn thấy có người bị nhồi máu cơ tim sau thời gian dài uống thuốc tránh thai.

BS Phan Chí Thành: Các thông tin uống thuốc tránh thai ảnh hưởng đến buồng trứng, tử cung là không có cơ sở khoa học. Các bằng chứng đã chứng minh, sau khi chị em ngừng thuốc tránh thai thì cơ hội tránh thai là không thay đổi. Có chăng là trường hợp chị em phải thận trọng, đó là việc viêm nhiễm phụ khoa ngược dòng gây viêm nhiễm vòi trứng nhưng không được điều trị. Sau khi dùng thuốc tránh thai, nguyên nhân khó có con này là do viêm tắc vòi trứng nhưng chị em không biết lại đổ cho việc uống thuốc trước đó.

Vấn đề nhồi máu cơ tim đúng là có làm tăng nguy cơ đông máu, nhưng thường chỉ gặp ở một số người có nguy cơ như béo phì, hút thuốc, tiểu đường. Các trường hợp này thường không dùng thuốc uống mà sẽ dùng biện pháp tránh thai khác.

MC: Nhật Lam (Ba Đình, Hà Nội): Bác sĩ ơi, tụi em chưa kết hôn, trước giờ quan hệ đều dùng bao nhưng lâu lâu cũng muốn thay đổi. Bạn trai em rất tốt và đảm bảo không có quan hệ lăng nhăng bên ngoài. Em muốn hỏi là trong các biện pháp tránh thai dành cho nữ, thì người chưa có gia đình và chưa sinh con lần nào nên dùng cách nào là tốt nhất ạ?

BS Phan Chí Thành: Đây là câu hỏi khá thú vị. Để an toàn nhất chúng ta cần phải đi khám các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Tuy nhiên, mới khám xong không thấy mắc bệnh không có nghĩa đã an toàn vì có những bệnh có thời gian cửa sổ dài như HIV là 6 tháng. Vì thế, để tuyệt đối yên tâm tốt nhất kể cả khi xét nghiệm rồi, vẫn phải dùng biện pháp an toàn trong khoảng 6 tháng rồi đi kiểm tra lại, không mắc bệnh lây truyền thì có thể bỏ được bao cao su. Tuy nhiên, trường hợp này chỉ áp dụng cho người muốn có con, người chưa có kế hoạch có con vẫn nên sử dụng để tránh mang thai ngoài ý muốn.

Hai bạn cũng đã quan hệ lâu và tôi nghĩ cũng nên đi khám tiền hôn nhân trước, không nên để trước cưới mới khám vì để loại trừ bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Các bạn nếu muốn thay đổi biện pháp tránh thai để làm mới cuộc yêu thì có thể bạn nữ lựa chọn phương pháp uống thuốc tránh thai hàng ngày. Việc lựa chọn thuốc nào sẽ do bác sĩ tư vấn phù hợp với điều kiện, tình hình của mỗi người.

Các thông tin uống thuốc tránh thai ảnh hưởng đến buồng trứng, tử cung là không có cơ sở khoa học.

MC: Xuân Hải (Bắc Ninh): Bác sĩ ơi, nếu vợ chồng chỉ tháng đôi lần gần gũi thì nên dùng cách tránh thai nào cho "kinh tế" và an toàn nhất ạ? Đừng bảo tôi dùng bao cao su vì đã ít "chuyện ấy" mà mỗi lần làm lại không được thoải mái, chân thật thì chán lắm.

BS Phan Chí Thành: Để tránh thai an toàn tốt nhất là đặt vòng, vì hiệu quả cũng tốt, thời gian khoảng 3-5 năm. Nếu tính ra chi phí khá rẻ, mỗi ngày chưa bằng một cốc trà đá.

Còn các biện pháp tránh thai khác như vòng nội tiết, que cấy thì chi phí khoảng 2 triệu và đắt hơn việc áp dụng đặt vòng.

MC: Vũ Linh Chi (Thanh Xuân, Hà Nội): Bác sĩ ơi, em sinh con được 8 tháng, hiện vẫn đang cho cháu bú thì nên tránh thai bằng cách nào để không ảnh hưởng tới sữa và sức khỏe của 2 mẹ con? Em chưa có kinh trở lại nhưng luôn thấp thỏm sợ nhỡ dính bầu. Chồng em thì không hợp tác lắm trong việc cùng vợ tránh thai nên em phải chủ động việc này. (Anh ấy còn nói cứ để tự nhiên, có bầu thì đẻ rồi nuôi một thể).

BS Phan Chí Thành: Hiện rất nhiều mẹ cho con bú chưa có kinh trở lại đã có bầu. Điều này cũng cho thấy quan điểm nhiều mẹ cho rằng chưa có kinh trở lại tức là chưa có bầu. Đây là quan điểm sai. Do vậy, chúng ta phải chủ động tránh thai.

Ngay 1 tháng sau đẻ cần phải tránh thai ngay để tránh mang thai ngoài ý muốn. Biện pháp tránh thai thì chỉ dùng cách cơ học như đeo bao cao su hoặc thuốc tránh thai dành cho người cho con bú. Hoặc trường hợp cũng có thể dùng được là đặt vòng, cấy que cũng áp dụng được.

MC: Nguyễn Thị Hòa (Ninh Bình): Chúng em yêu xa, một tháng mới quan hệ 1-2 lần, nên em toàn dùng thuốc tránh thai khẩn cấp, thấy rất tiện lợi mấy tháng nay. Thường nếu “yêu” đêm thì sáng sớm em uống luôn một viên. Theo bác sĩ, em có nên tiếp tục dùng lâu dài không và nếu dùng lâu thì có thể gặp tác dụng phụ gì không? Em uống thuốc tránh thai khẩn cấp từ lúc trước khi quan hệ thì có bảo vệ khỏi mang bầu tốt hơn không?

BS Phan Chí Thành: Thời điểm uống thuốc tránh thai không thể an toàn tuyệt đối. Thuốc tránh thai khẩn cấp chỉ để ức chế rụng trứng, thế nên chị em quanh quẩn ngày rụng trứng rất có thể có nguy cơ rụng trứng rồi mới uống, khi ấy nguy cơ có bầu rất cao.

Trong trường hợp của bạn yêu xa nên cảm xúc dữ dội, khả năng có bầu rất lớn, tôi khuyên không nên dùng thuốc tránh thai khẩn cấp mà nên dùng thuốc tránh thai hàng ngày, hoặc bao cao su.

MC: Mỹ Lanh (Hải Dương): Tôi 30 tuổi, đã sinh em bé được 6 tháng. Biết bản thân khá mắn, tôi muốn dùng cách tránh thai thật an toàn mà không phải lo uống thuốc hằng ngày nên đã đi cấy que. Sau đó, tôi gặp tác dụng phụ là bị mất hẳn kinh. Vậy việc không có kinh nguyệt có nguy hiểm không? Tôi có nên uống thuốc điều kinh hay phải tháo bỏ que tránh thai ra và dùng cách khác?

BS Phan Chí Thành: Rất nhiều người cấy que bị mất kinh, thậm chí mất kinh 1 năm. Tuy nhiên, đây là tác dụng bình thường nên bạn không nên quá lo lắng. Đồng thời bạn nên đi khám phụ khoa định kỳ hàng năm.

Đại diện trang tin Eva tặng hoa khách mời.

MC: Bùi Văn Hải (Bình Thạnh, HCM): Chào bác sĩ, hơi ngại khi thấy toàn chị em phụ nữ ở đây. Vợ chồng tôi có một bé rồi, định vài năm tới mới sinh thêm. Tôi không ngại dùng bao cao su nhưng ngặt nỗi vợ tôi lại dị ứng món này. Cô ấy cấy que thì lên mụn tùm lum nên lại tháo, uống thuốc thì bữa nhỡ bữa quên nên “chuyện ấy” của chúng tôi cũng căng thẳng. Giờ tôi muốn nhờ bác sĩ chỉ giùm xem nên làm như thế nào để vừa đảm bảo sức khỏe, vừa vẫn vui vẻ chuyện kia.

BS Phan Chí Thành: Trường hợp vợ bạn là bị dị ứng bao cao su. Nếu vợ bạn muốn dùng bao cao su thì nên dùng các loại bao nilon đơn thuần, tuy nhiên giá thành sẽ cao.

Nếu cấy que, uống thuốc có tác dụng phụ nên lựa chọn thử một phương pháp nữa là đặt vòng, phương pháp này khá an toàn và ít tác dụng phụ.

MC: Hoàng My (Vũng Tàu): Nếu chồng đẩy hết trách nhiệm tránh thai cho vợ, không chịu chia sẻ gì hết, kể cả khi biết vợ gặp trục trặc khi áp dụng các cách tránh thai cho nữ, thì có nên "treo niêu", "cấm vận" quan hệ luôn không bác sĩ?

BS Phan Chí Thành: Đây là vấn đề trao đổi việc tránh thai chính là thể hiện sự chia sẻ của hai bạn về các công việc trong cuộc sống và cuộc đời. Cũng giống như việc các bạn mua căn nhà cũng phải cùng nhau bàn bạc, hay cùng nhau dạy các con. Do vậy, chúng ta hãy cùng nhau san sẻ cho nhau, chịu trách nhiệm hỗ trợ và trong đó có cả trách nhiệm tránh thai.

Nếu chỉ vì câu chuyện tránh thai thì không cần phải “đạp thuyền lấy ván”, bạn có thể nhờ đến sự hỗ trợ với các bác sĩ để tìm giải pháp tránh thai phù hợp nhất.