Một hành động khiến tình cảm nam nữ gắn kết hơn nhiều, tiếc rằng đàn ông nhiều người lấy vợ xong là "quên"

CTV
Nhiều người vẫn nghĩ, sự gần gũi về tình dục là sợi dây gắn kết tình cảm nhanh và hiệu quả nhất, thế nhưng có những thứ còn quan trọng và ý nghĩa hơn nhiều nhưng không ít người đang lãng quên.

Cái ôm đúng nghĩa sau khi lập gia đình giống như một món đồ xa xỉ

Tại sao khi đang yêu cái ôm lại ấm áp và dễ dàng vậy. Còn khi lấy nhau rồi, cái ôm xa xỉn như một món đồ đắt giá, thậm chí chẳng bao giờ xuất hiện như ngày đang yêu”, đó là chia sẻ của chị Thu Quỳnh trong một nhóm kín trên mạng xã hội, sau đó đã nhận được ý kiến và sự đồng cảm của nhiều người.

Chị Thu Quỳnh 34 tuổi, đã có 2 con và đang sinh sống tại Hà Nội. Hai vợ chồng chị quê đều ở Hòa Bình, khi học đại học tại Hà Nội thì quen và yêu nhau. Do là mối tình đầu của nhau nên cả hai đều vô cùng trân trọng. Tình yêu đẹp của hai người kéo dài 7 năm, sau đó kết thúc bằng một đám cưới “như mơ” trong mắt của bạn bè và cả người thân.

Ngày tôi cưới, các bạn ai cũng nói tình yêu của chúng tôi đẹp, vì lớp đại học có mấy đôi yêu nhau nhưng chỉ có chúng tôi là nên vợ, thành chồng”, chị Quỳnh chia sẻ. Chị Quỳnh cũng thừa nhận rằng, ngày chưa lập gia đình tình yêu của hai người thật đẹp, dù giờ đây cả hai vẫn thương yêu nhau nhưng có những thứ không còn như xưa nữa.

Rất nhiều cặp đôi khi lập gia đình, cái ôm nồng ấm đã dần biến mất. Ảnh minh họa. 

Ngày yêu nhau, mỗi khi gần nhau chỉ cần trao cho nhau cái ôm thật chặt, hay nụ hôn nồng cháy là đã thấy hạnh phúc dâng trào. Đặc biệt những lúc chuẩn bị xa nhau về Tết hay đi làm xa, anh ấy ôm tôi chẳng muốn buông tay. Nghĩ lại mà thèm và muốn quay về quá khứ”, chị Quỳnh nhớ lại.Sở dĩ người phụ nữ này cảm thấy “thèm” là vì giờ đây khi đã kết hôn và có với nhau 2 mặt con, những cái ôm như vậy chẳng còn xuất hiện nữa.

Có những hôm áp lực công việc, về nhà chỉ ước được chồng chạy ra ôm mình một cái và hỏi: “Hôm nay em có mệt không?”, giống như thuở mới yêu anh vẫn hay làm. Thế nhưng đó mãi chỉ là điều ước, thậm chí "chuyện vợ chồng” đôi khi cũng chỉ là nghĩa vụ, xong việc là mỗi đứa một góc giường…. Không biết chị em có ai như tôi không, nhưng quả thật đôi khi tôi cần một cái ôm hơn là “chuyện ấy”. Mà có lẽ là lỗi của tôi chăng, vì tôi muốn nhưng lại chỉ để trong suy nghĩ, chẳng dám thổ lộ với chồng vì ngại và xấu hổ”, chị Quỳnh tâm sự. 

Thực tế, những chia sẻ trên của chị Thu Quỳnh cũng là tâm trạng chung của rất nhiều chị em.

Hành động ôm ấp khi ngủ đôi khi còn tốt hơn cả "chuyện ấy". Ảnh minh họa. 

Cái ôm còn giúp gắn kết tình cảm hơn “chuyện ấy”

Bác sĩ Lê Thị Kim Dung (Nguyên trưởng khoa Sản, BV Nông nghiệp), chuyên gia tư vấn tình dục cho rằng, đây là vấn đề chung của rất nhiều cặp đôi sau khi kết hôn, nhưng cũng phải thông cảm, bởi khi đã có gia đình sẽ khác hẳn khi đang yêu. “Khi lập gia đình, cả hai vợ chồng có rất nhiều mối lo. Lo cơm áo gạo tiền, lo chuyện học hành của con, rồi cả công việc… nên việc trao cho nhau cái ôm nồng nàn như thuở đang yêu sẽ ít hơn là điều dễ hiểu”, bác sĩ Dung phân tích.

Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta lãng quên điều này, vì trong cuộc sống nói chung và đời sống vợ chồng nói riêng, cái ôm rất quan trọng. Một cái ôm có thể giải tỏa được nỗi lo tâm lý, bớt được căng thẳng lo âu, trong khi tình dục lại không làm được điều đó. “Bằng chứng thể hiện rõ nhất là, những người đang mệt mỏi lo âu, khi nhận được một cái ôm họ sẽ cảm thấy hạnh phúc, được an ủi, có chỗ để dựa vào và sẵn sàng trải lòng. Nhưng cùng tâm trạng đó, nếu cố để làm “chuyện ấy” sẽ chẳng thể cho ta được khoái cảm, thậm chí còn khiến đối phương sợ hãi”, bác sĩ Dung nhấn mạnh.

Bác sĩ Kim Dung cho biết, ôm không chỉ là cách thể hiện tình cảm mà còn là sự an ủi, giải tỏa được nhiều nỗi lo. Ảnh: Lê Phương.

Bác sĩ Phan Chí Thành (Bệnh viện Phụ sản Trung ương) cho rằng, cái ôm đôi khi còn tạo ra hiệu ứng tích cực hơn cả sex, bởi nó không chỉ mang lại chỉ niềm vui khoái lạc, mà cả cảm giác gần gũi, thoải mái và an toàn. Trong thời gian có hoạt động lãng mạn này, cơ thể người trong cuộc còn tiết oxytocin - "hormone hạnh phúc" giúp thúc đẩy cảm giác tích cực, bao gồm cả hạnh phúc và niềm vui. Ngoài ra, một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, ôm ấp phát huy tác dụng như viên thuốc giảm đau, cũng có thể như biệt dược giúp dễ ngủ và có giấc ngủ sâu.

Trong thực tế, nhiều chị em rất thích những cái ôm thuần túy để thể hiện tình cảm, thế nhưng nam giới lại coi ôm ấp như một công đoạn khởi động, để tiến đến “chuyện ấy”. Do vậy, các chuyên gia khuyên rằng, các “đấng mày râu” cần hiểu, chia sẻ với "một nửa" của mình, đặc biệt là nắm bắt được nhu cầu, tâm lý chị em để thể hiện cái ôm đúng mục đích và đúng thời điểm, như vậy sẽ giúp tình cảm hai người càng gắn kết với nhau hơn.

“Ở rất nhiều nước phát triển, bố mẹ thể hiện cái ôm trước mặt con cái mỗi khi đi làm về. Điều này giống như thông điệp yêu thương, giúp con cái cảm thấy tự tin và an tâm hơn về hạnh phúc gia đình. Tuy nhiên, đây lại là điều còn thiếu ở một nước á đông như Việt Nam. Hy vọng, các cặp vợ chồng hãy cởi mở, chia sẻ với nhau và hoàn toàn có thể thể hiện tình cảm bằng những câu nói yêu thương, hay nhưng cái ôm trước mặt con. Tôi cho rằng, điều đó là liều thuốc tinh thần rất tốt không chỉ cho hai vợ chồng, mà cho cả các con”, bác sĩ Kim Dung nhắn nhủ.