Một số đại học giảm chỉ tiêu, thay đổi phương án tuyển sinh, thí sinh cần lưu ý gì?

Đề án tuyển sinh năm 2022 của một số trường đại học có những điều chỉnh so với dự kiến đưa ra trước đó.

Theo VTC News, việc các trường giảm chỉ tiêu, thay đổi phương án tuyển sinh diễn ra trong bối cảnh bộ GD&ĐT ban hành quy chế tuyển sinh 2022 với nhiều điểm mới.

Cụ thể, chỉ tiêu tuyển sinh của Học viện Ngoại giao giảm xuống 2.010 (dự kiến trước đó là 2.200 sinh viên). Bên cạnh đó, trường cũng phân bổ lại chỉ tiêu theo từng phương thức xét.

Học viện Ngoại giao dành 67% tổng chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển học bạ. Thí sinh phải đạt điểm tổng kết trung bình từ 8 trở lên trong 3/5 kỳ học bất kỳ, thuộc một trong ba nhóm: đoạt giải Olympic quốc gia, quốc tế; là học sinh trường THPT chuyên hoặc có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.

Ngoài ra còn có 25% chỉ tiêu xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, 2% chỉ tiêu để xét tuyển sớm dựa trên kết quả phỏng vấn áp dụng cho thí sinh học chương trình THPT của nước ngoài, 3% cho phương thức kết hợp xét học bạ và phỏng vấn dành cho thí sinh có năng lực, thành tích đặc biệt trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, khoa học... hoặc đoạt giải các cuộc thi quốc tế và 3% xét tuyển thẳng.

Về phía trường Đại học Lao động - Xã hội, số chỉ tiêu tuyển sinh trong đề án tuyển sinh chính thức vừa được công bố là 3.253, giảm hơn 500 chỉ tiêu so với đề án dự kiến công bố tháng 4/2022.

Năm nay, tại Hà Nội, trường dành 1.900 chỉ tiêu xét từ kết quả thi tốt nghiệp THPT, 473 chỉ tiêu xét học bạ. Trong khi đó, tại cơ sở ở TP.HCM, nhà trường xét 700 chỉ tiêu từ kết quả thi tốt nghiệp và 180 chỉ tiêu học bạ.

Ngoài 2 phương thức chính trên, trường cũng xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển với những thí sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp quốc gia trở lên, là người dân tộc thiểu số, người khuyết tật hoặc học sinh các trường dân tộc nội trú, người nước ngoài. Thời gian nhận hồ sơ xét tuyển thẳng và học bạ từ ngày 20/6 đến 20/7.

nhieu truong dai hoc giam chi tieu thay doi phuong an tuyen sinh thi sinh can luu y gi

Phương án tuyển sinh của các trường đại học sẽ thay đổi theo từng năm nên thí sinh phải thích ứng và đổi mới. Ảnh minh họa: Tiền Phong

Sau khi bộ GD&ĐT công bố quy chế tuyển sinh mới năm 2022, Đại học Kinh tế Quốc dân cũng đưa ra thêm thông tin mới quan trọng. Theo đó, từ năm 2023, nhà trường dự kiến chỉ tuyển sinh theo phương thức xét tuyển kết hợp, xét tuyển sớm với 100% chỉ tiêu, sau khi trừ số thí sinh tuyển thẳng theo quy chế.

Trường không tuyển theo các phương thức còn lại, kể cả sử dụng kết quả ba môn thi tốt nghiệp THPT theo tổ hợp vốn là phương thức chủ đạo của trường trong những năm trước 2022.

Giải thích rõ hơn về phương thức tuyển sinh 2023, GS.TS Trần Thị Vân Hoa - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết hiện nhà trường mới chỉ là dự kiến. Trong đó, không xét tuyển “thuần” theo điểm thi tốt nghiệp THPT mà xét tuyển kết hợp giữa điểm thi tốt nghiệp THPT với các tiêu chí khác. Ví dụ, có thể xét điểm thi IELTS và kết quả thi THPT của 2 môn Toán, Văn hoặc kết hợp với một số tiêu chí khác.

Được biết, năm 2022, Đại học Kinh tế Quốc dân tuyển 6.100 sinh viên bằng ba phương thức gồm xét tuyển thẳng, xét tuyển kết hợp theo đề án riêng của trường (63% tổng chỉ tiêu), xét kết quả thi tốt nghiệp THPT 2022 (35%).

Theo báo Tiền Phong, hiện nay có khoảng 20 phương thức tuyển sinh đại học, nhiều trường sử dụng đồng thời nhiều phương thức. Bộ GD&ĐT cho biết cách làm này không sai nhưng việc nhiều trường phân bổ chỉ tiêu cho các phương thức không hợp lý có thể gây khó khăn cho thí sinh.

ThS Trần Vũ, Trưởng phòng Thông tin Truyền thông, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP.HCM khuyên các thí sinh không nên chỉ tham gia xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT vì tham gia xét tuyển các phương thức khác là thêm cơ hội trúng tuyển.

Tuy các trường không thay đổi nhiều về phương thức tuyển sinh thế nhưng tỷ lệ chỉ tiêu giữa các phương thức đều có sự điều chỉnh để không bị động như năm ngoái khi phụ thuộc quá nhiều vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, trong khi kỳ thi này lại liên tục bị xáo trộn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Phương án tuyển sinh của các trường đại học sẽ thay đổi theo từng năm nên thí sinh phải thích ứng và đổi mới.

Theo ThS Trần Vũ, nhà trường đang xây dựng các phương án thay đổi trọng số của kỳ thi tốt nghiệp THPT đối với tuyển sinh, vậy nên thí sinh cần có những điều chỉnh kịp thời để tăng cơ hội trúng tuyển.

Các chuyên gia nhận định những thay đổi trong tuyển sinh, chẳng hạn như thay đổi của Đại học Kinh tế Quốc dân có thể gây bất lợi cho học sinh ở nông thôn, miền núi khi không có điều kiện dự thi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế hoặc không đủ điều kiện thi đánh giá năng lực. Tuy nhiên, buộc phải khắc phục khó khăn, nhất là trong xu thế hội nhập như hiện nay.

Đinh Kim (T/h)