Mỹ chia sẻ 60 triệu liều vaccine COVID-19 cho các nước

Mỹ tuyên bố sẽ gửi 60 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca cho nước ngoài trong vài tuần tới.

Nhà Trắng ngày 26/4 cho biết khoảng 60 triệu liều vaccine COVID-19 của AstraZeneca có thể sẽ được xuất khẩu vào những tháng tới, tuy nhiên, không nói rõ những lô vaccine này sẽ được phân phối đến đâu.

Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết các cơ quan quản lý Mỹ vẫn cần phải xem xét lại chất lượng của các loại vaccine đã được sản xuất.

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) vẫn chưa cho phép sử dụng vaccine AstraZeneca tại Mỹ, nước đã ghi nhận số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 cao nhất trên thế giới.

thumb-660-0f1837ee-d53b-41dd-abcc-dd86c987a8ac-1619508890.jpg
Vaccine COVID-19 của AstraZeneca. Ảnh minh họa 

Bà Psaki cho biết khoảng 10 triệu liều vaccine AstraZeneca có thể được xuất khẩu “trong những tuần tới”, trong khi khoảng 50 triệu liều khác đang được sản xuất và có thể được vận chuyển vào tháng 5 và 6.

Bà này cho biết thêm, chính quyền Biden vẫn đang xem xét một loạt các nước sẽ nhận được vaccine, có thể là các quốc gia đối tác.

Thông báo này được đưa ra trong bối cảnh Mỹ đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng trong việc chia sẻ vaccine COVID-19, đặc biệt là với các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề như Ấn Độ.

Trong một bức thư ngỏ vào đầu tháng này, một nhóm các cựu lãnh đạo thế giới và những người từng đoạt giải Nobel đã thúc giục ông Biden “thực hiện đoàn kết, hợp tác và đổi mới vai trò lãnh đạo” và từ bỏ các bằng sáng chế vaccine.

Mỹ đã tiêm hơn 230 triệu mũi vaccine của Pfizer-BioNTech, Moderna và Johnson & Johnson, trong khi đó, gần 54% người Mỹ trên 18 tuổi đã được tiêm ít nhất một mũi, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ.

Trong diễn biến liên quan, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng có cuộc điện đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và cam kết "sẽ giúp Ấn Độ đối phó với tình hình dịch COVID-19 đang ngày càng nghiêm trọng và cung cấp một loạt các hỗ trợ khẩn cấp". Hỗ trợ bao gồm thuốc và máy thở cần thiết để điều trị bệnh, cũng như nguyên liệu để sản xuất vaccine AstraZeneca.

Không giống như các loại vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer và Modena, vaccine của AstraZeneca chưa được cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép sử dụng khẩn cấp. Trước đó, một số ít người được tiêm vaccine AstraZeneca mắc các triệu chứng huyết khối hiếm gặp ở châu Âu, khiến Liên minh châu Âu phải tạm ngừng sử dụng vaccine này.

Trong khi đó tại Ấn Độ, đã 6 ngày liên tiếp nước này ghi nhận hơn 300.000 ca nhiễm mới COVID-19 trong ngày.

Cụ thể, vùng dịch lớn thứ hai thế giới ghi nhận thêm 319.435 ca nhiễm và 2.764 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số lên lần lượt 17.625.735 và 197.880.